Logo Bài Thuốc Quý

Trẻ bị sốt: Cách hạ sốt an toàn cho bé

01/01/2020 · Sức khỏe
Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ rất dễ bị sốt do nhiều nguyên nhân khác nhau. Để có cách chăm sóc phù hợp, các mẹ cần hiểu rõ nguyên nhân gây sốt ở trẻ và áp dụng các cách hạ sốt an toàn ngay tại nhà cho bé để tránh biến chứng.

Sốt là triệu chứng rất thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Song đôi khi con sốt cao lại khiến bạn lo lắng, bối rối không biết xử trí thế nào. Hãy tìm hiểu những cách hạ sốt cho trẻ tại nhà để giúp con yêu mau hết sốt.

Để quyết định để bé ở nhà hay cần đưa bé tới gặp bác sĩ, các mẹ cần phải biết được nguyên nhân của trẻ bị sốt là gì, từ đó mới có cách xử trí phù hợp.

Hạ sốt an toàn cho bé
Tìm hiểu nguyên nhân để có cách xử trí phù hợp khi trẻ bị sốt.

Nguyên nhân trẻ bị sốt

Bé có thể bị sốt do một trong những nguyên nhân sau:

  • Nhiễm trùng: Phần lớn trẻ bị sốt là do nhiễm trùng hoặc nhiễm một căn bệnh nào đó. Sốt là cách cơ thể chiến đấu với nhiễm trùng bằng việc kích thích cơ chế phòng vệ tự nhiên.
  • Tiêm chủng: Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ thỉnh thoảng bị sốt nhẹ sau khi tiêm phòng, bạn có thể tìm cách hạ sốt cho trẻ khi tiêm phòng.
  • Mặc quá nhiều quần áo, ủ trẻ quá kỹ: Trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ sơ sinh, rất dễ bị sốt nếu được ủ quá kín hoặc ở trong một môi trường nóng do các bé chưa thể tự điều tiết thân nhiệt.
  • Mọc răng: Việc mọc răng cũng có thể làm tăng thân nhiệt, sốt do mọc răng thường chỉ ở mức nhẹ. Nếu thân nhiệt của bé cao hơn 38oC, nhiều khả năng bé sốt không phải là do mọc răng.
  • Một số bệnh khác: Sốt có thể là một trong những dấu hiệu của các bệnh nguy hiểm như: viêm phổi, sốt rét, sốt xuất huyết, viêm màng não, viêm não nhiễm khuẩn huyết,… Trẻ thường sốt cao và rất mệt mỏi kèm theo các triệu chứng khác như: rét run, xuất huyết, co giật, nôn, khó thở, tím tái, ngủ li bì, vật vã hay hôn mê. Những tình trạng này có thể đe dọa đến tính mạng của trẻ nếu không được phát hiện và xử trí kịp thời.

Biểu hiển trẻ bị sốt

Khi con bạn có những triệu chứng sau, rất có thể bé đã bị sốt:

  • Thân nhiệt bé cao hơn 37,5oC.
  • Đổ mồ hôi.
  • Trẻ quấy khóc, hay dễ nổi cáu.
  • Mệt mỏi.
  • Lơ mơ.
  • Thở gấp.
  • Bỏ bú, bỏ uống nước, chán ăn.
  • Ngủ li bì.

Khi bé có những biểu hiện như trên, bạn cần nhanh chóng đo nhiệt độ cho trẻ để có cách xử trí kịp thời.

Cách hạ sốt cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ an toàn

Thông thường trẻ được cho là sốt nếu nhiệt độ cơ thể của bé trên 37,5° C. Khi sốt nhiệt độ cơ thể của trẻ giảm vào buổi sáng và cao hơn vào ban đêm. Vào ban đêm, khi nhiệt độ cơ thể bắt đầu tăng lên có thể khiến trẻ bị run. Điều này khiến trẻ không thể ngủ ngon càng khiến bạn thêm lo lắng.

Khi trẻ bị sốt , bạn có thể áp dụng những cách hạ sốt nhanh cho trẻ tại nhà và theo dõi tình trạng sức khỏe của con trước khi đưa bé đi bệnh viện. Dưới đây là các cách hạ sốt an toàn cho bé tại nhà:

1. Cho trẻ uống nhiều nước là cách hạ sốt đơn giản, an toàn và hiệu quả

Sốt có thể dễ dàng dẫn đến tình trạng mất nước, hãy cố gắng khuyến khích con yêu nạp thêm nhiều chất lỏng như nước trái cây, súp, cháo, nước lọc, trà thảo dược (atiso, trà hoa cúc…), sữa… Ngoài ra, bố mẹ cũng có thể cho bé uống các chế phẩm bù nước và điện giải bằng đường uống như oresol, hydrite. Việc này là nhằm bù nước, thanh lọc cơ thể giúp bé mau giảm sốt.

Cách hạ sốt cho các bé còn quá nhỏ và đang bú mẹ là mẹ nên cho bé bú nhiều hơn và thường xuyên hơn. Với trẻ đã ăn dặm, bạn nên tìm hiểu cách chế biến các món ăn dặm ngon miệng để con ăn ngon miệng, mau lành bệnh.

2. Cho bé mặc quần áo rộng rãi, thoáng mát giúp hạ sốt

Trẻ sốt song vẫn vẫn chơi đùa linh hoạt, ăn tốt, uống đủ nước và đặc biệt bé đi tiêu, tiểu bình thường, bạn không cần cho bé dùng thuốc. Cách hạ sốt tại nhà cho trẻ trong trường hợp này là bạn cho trẻ mặc quần áo rộng thoáng để cơ thể tỏa bớt nhiệt giúp trẻ giảm sốt.

Ngoài ra, bạn có thể cho trẻ dùng miếng dán hạ sốt để giúp con bớt khó chịu.

3. Lau mát người bé bằng nước ấm giúp mau chóng hạ sốt

Một cách hạ sốt cho trẻ đơn giản nữa là bạn lau mát cho bé bằng nước ấm theo từng bước. Đầu tiên, cởi hết quần áo trẻ, dùng 5 chiếc khăn nhỏ nhúng vào nước ấm, vắt hơi ráo rồi đặt 2 bên nách và 2 bên háng trẻ, chiếc khăn còn lại nhúng nước ấm lau khắp người trẻ. Nước ấm sẽ bốc hơi, làm giãn mạch máu giúp làm mát cơ thể. Tiếp tục làm như vậy cho đến khi nhiệt độ của trẻ hạ xuống mức bình thường (37oC). Thông thường, nhiệt độ sẽ hạ trong khoảng 30 – 45 phút.

Trẻ từ 6 tháng đến 5 tuổi khi sốt quá cao có thể dẫn đến co giật, bạn cần tích cực hạ sốt cho trẻ.

4. Lau mát, hạ sốt cho trẻ bằng giấm táo

Giấm táo hạ sốt cho bé an toàn
Giấm táo giúp hạ sốt an toàn cho bé.

Lau người bằng giấm táo là cách hạ sốt cho trẻ nhỏ tại nhà khá hữu hiệu nhưng ít được phổ biến rộng rãi. Khi nhiệt độ cơ thể bé tăng cao, bạn có thể ngâm khăn trong giấm táo pha loãng với nước theo tỷ lệ 1: 2 rồi đắp lên trán và bụng bé. Ngoài ra, bạn có thể dùng khăn thấm giấm táo rồi quấn quanh lòng bàn chân trẻ.

5. Bổ sung vitamin C

Nước cam và các loại nước trái cây giàu  vitamin C như bưởi, quýt… là những thức uống tốt giúp bé yêu tăng sức đề kháng để có thể chống lại các tác nhân gây bệnh từ bên ngoài. Ngoài ra, các lọa trái cây như: nho, dưa hấu, thanh long… ướp lạnh cũng cung cấp nước giúp làm dịu cơ thể.

Hãy tìm hiểu thêm các nguồn thực phẩm giàu vitamin C để dễ dàng lên thực đơn hàng ngày giàu dưỡng chất, giúp bé hạ sốt nhanh chóng.

6. Bổ sung canxi

Một số chuyên gia tin rằng canxi có thể hỗ trợ làm giảm thời gian trẻ bị bệnh. Khoáng chất này được hấp thu tốt nhất từ thức ăn hoặc có thể bổ sung bằng thuốc chuyên dụng.

Bạn hãy bổ sung canxi cho bé qua khẩu phần ăn hằng ngày bằng việc cho bé ăn các món ăn có nguyên liệu từ cá, rau có màu xanh đậm, yến mạch… để bé mau khỏi bệnh.

7. Hạ sốt bằng cách dùng tinh dầu xoa bóp

Một cách hạ sốt khá hữu hiệu song ít người biết là sử dụng các loại tinh dầu xoa bóp. Đây là cách hạ sốt tự nhiên tuyệt vời thông qua việc làm giảm nhiệt độ cơ thể. Chất rubefacients có trong bạc hà, gừng và vỏ quế có khả năng làm ấm hệ tuần hoàn và gây ra hiện tưởng đổ mồ hôi. Việc này phần nào giúp cơ thể giảm nhiệt.

Bạn cũng có thể sử dụng  tinh dầu bạch đàn, tinh dầu bạc hà và tinh dầu cúc La Mã xoa bóp cho trẻ để hạ sốt. Pha 6 giọt dầu trong 1 muỗng dầu nền, dùng dung dịch đó xoa bóp khắp cơ thể của trẻ, nên chú trọng những khu vực đặc biệt như phía sau cổ và gót chân.

8. Dùng thuốc hạ sốt

Bạn nên cho trẻ uống thuốc hạ sốt khi trẻ bị sốt trên 39oC. Paracetamol đơn chất dạng gói hay sirô là thuốc hạ sốt dễ sử dụng, hiệu quả hạ sốt nhanh, thường sẽ có tác dụng hạ sốt sau 30 phút sử dụng và kéo dài từ 4 – 6 giờ và ít tác dụng phụ. Bạn cần cho trẻ uống đúng liều theo chỉ định là 10 – 15mg/kg thể trọng/lần, lặp lại sau 4 giờ nếu vẫn còn sốt. Bạn nên cho trẻ dùng 3 – 4 lần/ngày, tổng liều tối đa không quá 60mg/kg thể trọng/ngày.

Thuốc Acetaminophen cũng có thể giúp trẻ hạ sốt. Lưu ý là liều dùng dành cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ phụ thuộc vào cân nặng và độ tuổi. Ngoài ra, bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ nhi khoa trước khi cho bé uống bất kỳ loại thuốc nào. Hãy đọc kỹ hướng dẫn sử dụng thuốc trên bao bì và sử dụng thiết bị đo lường chuyên dụng để đảm bảo chính xác lượng thuốc mà trẻ uống.

Khi nào thì cho trẻ uống thuốc hạ sốt?

Sốt là phản ứng có lợi của cơ thể nên cha mẹ không cần quá lo lắng. Lạm dụng quá nhiều thuốc hạ sốt sẽ gây ra những ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của trẻ. Vì thế cha mẹ chỉ cho  trẻ uống thuốc hạ sốt khi trẻ sốt từ 38,5 độ C trở lên.

Trẻ bị sốt caoChỉ được cho trẻ uống thuốc hạ sốt khi trẻ sốt từ 38,5 độ C trở lên.

Cho trẻ dùng loại thuốc hạ sốt nào?

Thuốc hạ sốt thường dùng cho trẻ sơ sinh là paracetamol dạng gói hoặc siro. Thuốc có hiệu quả sau khoảng 30 phút sử dụng và có tác dụng kéo dài khoảng 4 - 6 giờ, ít gây tác dụng phụ.

Cho trẻ dùng thuốc với liều lượng tương ứng với cân nặng của trẻ. Có thể cho trẻ uống thuốc hạ sốt 3 - 4 lần/ngày, mỗi lần cách nhau 4 giờ.

Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi cho trẻ dùng thuốc.

Ngoài ra, không nên phối hợp nhiều loại thuốc hạ sốt cùng một lúc. Điều này không những không làm tăng thêm tác dụng mà còn có thể gây ra những ảnh hưởng xấu đến cơ thể trẻ.

Khi nào cần đưa trẻ đến bệnh viện?

Khi trẻ bị sốt cần đưa ngay đến bệnh viện kiểm tra nếu:

  • Trẻ sơ sinh dưới 3 tháng tuổi sốt không rõ nguyên nhân.
  • Trẻ sốt cao trên 39,5 độ C.
  • Trẻ sốt cao kèm biểu hiện quấy khóc không dỗ được.
  • Trẻ sốt cao kèm biểu hiện vật vã hoặc li bì, khó đánh thức.
  • Trẻ sốt cao kèm biểu hiện cứng cổ.
  • Trẻ sốt cao kèm phát ban.
  • Trẻ sốt cao kèm khó thở.
  • Trẻ sốt cao bỏ ăn uống lâu ngày.
  • Trẻ sốt cao kèm nôn trớ mọi thứ.
  • Trẻ sốt cao kèm đi tiểu ra máu.
  • Trẻ sốt cao co giật...
  • Trẻ dùng thuốc hạ sốt nhưng không có hiệu quả.
  • Trẻ sốt cao tái đi tái lại nhiều lần.
  • Trẻ sốt cao quá 3 ngày không đỡ.

Làm gì khi trẻ bị sốt cao co giật?

Trẻ sốt cao có thể dẫn đến co giật, đặc biệt là trẻ từ 6 - 18 tháng. Cơn co giật xảy ra dưới 5 phút, sau đó trẻ thường tỉnh táo. Tuy nhiên, sốt cao co giật có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như: ngạt thở, thiếu oxy lên não khiến não bị tổn thương...

Những điều  nên làm khi trẻ bị sốt cao, co giật:

  • Đặt trẻ nằm nghiêng để đờm, nhớt dãi chảy ra ngoài, không làm tắc đường thở.
  • Nếu trẻ có nhiều đờm dãi phải tiến hành hút ra.
  • Sử dụng thuốc hạ sốt nhét hậu môn.
  • Cởi bỏ quần áo của trẻ để hạ thân nhiệt.
  • Dùng khăn ấm lau người trẻ để trẻ nhanh hạ sốt.
  • Sau khi sơ cứu cho trẻ bị sốt cao co giật, cần đưa trẻ đến bệnh viện để kiểm tra.

Những điều cần tránh khi chăm sóc trẻ sốt tại nhà

Khi chăm sóc trẻ bị sốt tại nhà, bạn nên lưu ý tránh  những sai lầm khi chăm sóc trẻ bị sốt dưới đây để giúp bé mau hạ sốt:

  • Không nên ủ ấm, cho trẻ mặc nhiều lớp quần áo khi trẻ đang sốt. Nếu bé sốt mà run, bạn cũng chỉ nên cho bé mặc đồ thoáng rộng, đắp chăn mỏng giúp cơ thể bé dễ tỏa nhiệt.
  • Không nên cho trẻ ở trong phòng quá kín, tù túng.
  • Không nên dùng khăn lạnh, nước đá, cồn hay rượu để lau hạ sốt cho trẻ.
  • Không nên cho trẻ uống thuốc ngay khi trẻ vừa sốt. Việc vội vàng cho con uống thuốc hạ sốt ngay khi bé vừa sốt vô tình khiến cơ chế phòng vệ của cơ thể con không có cơ hội “đối mặt” với các tác nhân gây bệnh, ghi nhớ nó để hình thành cơ chế phòng vệ. Nếu bé sốt dưới 38,5oC, bạn chỉ cần áp dụng cách hạ sốt tại nhà và theo dõi chặt chẽ trong 1 -2 ngày.
  • Nếu sau 1 -2 ngày, tình trạng sốt của bé không giảm, bạn hãy đưa con đến bệnh viện để được thăm khám và chẩn đoán.
  • Không nên nặn chanh vào miệng, mắt bé nhằm mục đích giảm sốt. Việc này có thể khiến bé bị rộp miệng, phỏng lưỡi, phỏng mắt hoặc nghẹt thở.
  • Nếu con bị sốt có kèm co giật, bạn không nên dùng vật cứng để nạy miệng bé hay cố dùng sức ghì bé lại. Hãy cho con nằm nghiêng và theo dõi con chặt chẽ, để ý xem thời gian mỗi cơn co giật kéo dài bao lâu để cung cấp thông tin cho bác sĩ khi cần thiết.
  • Không sử dụng các bài thuốc dân gian để hạ sốt cho trẻ. Vì những bài thuốc này chưa được kiểm chứng y khoa nên tác dụng phụ của chúng thế nào chưa ai đánh giá được.
  • Tuyệt đối không dùng aspirin để hạ sốt cho trẻ vì có thể gây tổn thương não của trẻ (hội chứng Reye).

Trẻ bị sốt có thể ra ngoài trời không?

Nhiều cha mẹ khi thấy con bị sốt thường chỉ cho con ở trong nhà, không cho ra ngoài. Nếu trẻ sốt nhẹ và vẫn ăn uống, vui chơi bình thường thì cha mẹ không nên quá khắt khe, giữ trẻ ở trong nhà mãi. Có thể cho trẻ ra ngoài chơi trong những lúc thời tiết mát mẻ, thuận lợi.

Trường hợp trẻ sốt cao thì nên cho trẻ nằm nghỉ trong nhà, đôi lúc có thể ra sân vận động trong thời gian ngắn.

Có cần truyền dịch cho trẻ khi bị sốt không?

Trường hợp trẻ sốt nhưng vẫn tỉnh táo, được bổ sung đủ nước qua chế độ ăn uống thì không cần truyền dịch.

Trường hợp trẻ bị mất nước nặng, trẻ bỏ ăn uống trong thời gian dài thì mới cần truyền dịch và chỉ nên thực hiện trong bệnh viện hoặc các cơ sở y tế đảm bảo.