Điều cần làm khi trẻ bị sốt cao co giật
Các bác sĩ Khoa Sơ sinh, Bệnh viện Từ Dũ (TP HCM) cho biết, khi trẻ bị sốt cao hay sốt rất cao, cha mẹ cần sử dụng các biện pháp hạ nhiệt như trên để hạ sốt tạm thời và đưa trẻ khám tại cơ sở y tế.
Theo các chuyên gia, do sốt là một phản ứng có lợi của cơ thể, vì vậy chỉ sử dụng thuốc hạ sốt từ 38 độ C trở lên. Trên thị trường có nhiều thuốc hạ sốt có thể sử dụng cho trẻ, trong đó các thuốc có chứa hoạt chất Paracetamol là thông dụng và an toàn nhất.
Nhưng có cần phối hợp nhiều loại thuốc hạ sốt hay không, theo các bác sĩ là không nên vì sẽ làm tăng thêm tác dụng như kích ứng dạ dày, xuất huyết tiêu hoá…
Vì sai lầm của cha mẹ khi chăm sóc con bị sốt cao, co giật, không ít trẻ đã gặp họa. Ảnh minh họa.
Nếu trẻ bị sốt nhẹ và vẫn chơi giỡn bình thường, phụ huynh không nên ép trẻ phải nằm mãi trong nhà, có thể cho trẻ ra chơi bên ngoài nhưng phải tránh lúc nắng gắt hay khi thời tiết xấu. Nếu trẻ bị sốt cao thì nên cho trẻ nằm nghỉ nơi yên tĩnh trong nhà, thỉnh thoảng cũng có thể cho trẻ ra sân để vận động một chút.
Khi trẻ tỉnh táo và uống được thì chỉ cần cho trẻ uống nhiều nước. Việc truyền dịch lúc này là không cần thiết. Truyền dịch chỉ được chỉ định ở trẻ bị mất nước nặng và được thực hiện trong bệnh viện.
Khi trẻ bị sốt, cha mẹ không nên ủ ấm trẻ; Lau trẻ bằng nước đá lạnh, cồn, dấm. Ảnh minh họa
Theo các chuyên gia, một số trường hợp trẻ bị sốt cao dẫn đến co giật (hay được gọi là nóng làm kinh), thường gặp ở trẻ từ 3 tháng đến 5 tuổi (nhiều nhất từ 6 – 18 tháng) và hay tái phát (tỷ lệ tái phát 25%). Cơn co giật thường xảy ra ngắn (dưới 5 phút) và trẻ tỉnh táo sau co giật. Phụ huynh cần biết chăm sóc trẻ đúng cách để không đưa đến những tai biến do xử trí sai lầm.
Khi bị sốt rất cao, co giật, trẻ có thể tiết nhiều đàm gây tắc đường thở. Trẻ cũng có thể bị thiếu oxy não, tổn thương não do không hạ nhiệt tích cực khi co giật kéo dài.
Các bác sĩ khoa Sơ sinh, Bệnh viện Từ Dũ hướng dẫn các bước cần làm khi trẻ bị sốt cao co giật như sau:
Bước 1: Làm thông đường thở
– Đặt trẻ nằm nghiêng bên: Đàm nhớt chảy ra ngoài tránh tắc đường thở.
– Hút đàm nhớt nếu có sẵn dụng cụ hút.
Bước 2: Nhét hậu môn thuốc hạ nhiệt
– Cởi bỏ quần áo.
– Nhét hậu môn thuốc hạ nhiệt Paracetamol liều 10mg/kg/lần
(6 tháng – 1 tuổi: 1 viên 80mg; 1-5 tuổi: 1 viên 150mg)
Bước 3: Lau mát hạ sốt
– Nhúng khăn vào nước ấm (như nước tắm bé) hoặc nước thường, vắt ráo. Đặt ở nách, bẹn và lau khắp người. Thêm nước ấm vào nếu cần.
– Thay khăn mới mỗi 2-3 phút.
– Ngưng lau mát khi nhiệt độ nách < 380C.
Tất cả trẻ co giật sau khi sơ cứu phải đưa đến cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị thích hợp.
Những trường hợp nào thì phải đưa trẻ đi đến cơ sở y tế?
Đó là khi trẻ dưới 2 tháng tuổi bị sốt; Sốt trên 40,1 độ C; Trẻ khóc không dỗ được hoặc bứt rứt nhiều; Trẻ khóc khi cử động hoặc khi ba mẹ chạm vào trẻ; Trẻ li bì, khó đánh thức; Cổ cứng; Có bất kỳ phát ban da nào; Trẻ khó thở, và không thấy đỡ hơn sau khi làm sạch mũi trẻ; Trẻ không thể nuốt thức ăn hoặc bú được; Trẻ nôn mọi thứ; Tiêu máu, ói máu; Trẻ bị co giật; Trẻ trông rất yếu và mệt.
Khi trẻ bị sốt, cha mẹ không nên ủ ấm trẻ; Lau trẻ bằng nước đá lạnh, cồn, dấm; Vắt chanh, đổ thuốc vào miệng trẻ khi đang co giật vì dễ gây ngạt thở.