Logo Bài Thuốc Quý

Các thảo dược tự nhiên giúp giảm ho

06/01/2021 · Sức khỏe
Chữa ho bằng phương pháp tự nhiên luôn là ưu tiên hàng đầu mỗi khi mọi người bị viêm họng, ho. Đây là phương pháp chữa bệnh an toàn và khá hiệu nghiệm.

Hạt cải chữa ho

Theo Đông y, hạt cải có vị cay, ngọt, tính bình, vào kinh phế, tỳ và vị. Có tác dụng trị đàm, ho thông thường, các bệnh về đường tiêu hóa ở trẻ em và người lớn.

Tên khoa học: Semen raphani sativi.Thuộc họ cải (Brasicaceae).

Cây củ cải là cây thảo, sống lâu năm. Lá hình mũi mác, chụm ở đất. Hoa chùm có màu hơi tím hoặc trắng. Hạt hình tròn dẹp, dài; màu nâu đỏ hoặc nâu đen, xếp thành cuối tràng hạt. Rễ củ phình to, có màu trắng, có hình trụ tròn dài hoặc hình cầu tròn.

Hạt cải chữa ho

Phân bố: Cây củ cải được trồng khá nhiều ở nước ta dùng làm thực phẩm và bào chế thuốc.

Bộ phận dùng: Dùng phần hạt già của cây củ cải để làm thuốc.

Thu hái cả cây, chế biếnthu lấy hạt đối với những quả già. Thời điểm tốt nhất để thu hoạch là mùa hè, mùa thu.

Chế biến: Đem cả cây phơi khô, lấy phần hạt già, rửa sạch loại bỏ tạp chất, vi khuẩn; phơi hoặc sấy khô để dùng.

Bảo quản thuốc trong bọc kín. Đóng kín bao bì sau mỗi lần sử dụng để tránh ẩm móc.

Thành phần hóa học: Erucic acid, linolenic acid, linoleic acid, oleic acid, glycerol sinapate, raphanin.

Tính vị: Vị cay, ngọt, tính bình. Quy kinh: phế, vị, tỳ

Tác dụng dược lý:

- Kháng khuẩn: Chất raphanin có công dụng gây ức chế staphylococus aureus, Streptococus pneumaniae và E. Coli.

- Chống nấm: Gây ức chế nhiều loại nấm gây bệnh.

- Hạ huyết áp từ từ.

Chữa ho, hen suyễn, ho có đờm, lợi tiểu, nhuận tràng, tiêu viêm, trừ lỵ, hạ khí.

Liều lượng: 4 - 12 gram mỗi ngày, dùng dưới dạng thuốc sắc hoặc thuốc bột.

Dạng sắc: Hạt cải sao hoặc không sao, có thể kết hợp với các vị thuốc khác (tùy vào từng bệnh tình), sắc cùng với 5 phần nước cô đặc còn 2 phần. Dùng thuốc khi nóng, nếu nguội có thể hâm nóng lại trước khi dùng.

Dạng bột: Hạt cải tán thành bột mịn, có thể hòa cùng với một ít mật rồi hoàn thành viên.

Bài thuốc chữa ho, suyễn, thở khò khè ở trẻ em:

- Hạt cải, đăng tâm thảo, ma hoàng, tạo giác và cam thảo với liều lượng bằng nhau. Đem các vị thuốc trên tán thành bột mịn, sử dụng 4 gram/ lần.

- Hạt cải (sao), hạt bồ kết (đốt cháy) liều lượng bằng nhau, tán thành bột mịn, hòa cùng với một ít mật; hoàn thành viên có kích thước bằng hạt ngô đồng. Sử dụng mỗi lần 4 gram, mỗi ngày dùng 2 - 3 lần sau bữa ăn.

- Hạt cải, hạt tía tô mỗi vị 12 gram, sắc lấy nước uống.

- Hạt cải (sao), hạnh nhân mỗi vị 12 gram cùng với 8 gram cam thảo sống, sắc lấy nước uống.

- Hạt cải, bạch giới tử và hạt tía tô mỗi vị 12 gram, sao vàng, tán thành bột, sắc cùng với 2 phần nước còn 1 phần để dùng. Có thể chia thành 3 lần uống mỗi ngày.

Bài thuốc chữa ho do khí đàm nhiều: Hạt cải, tô tử mỗi vị 10 gram cùng với 3 gram gạch giới tử. Các vị thuốc này sao vàng rồi tán thành bột mịn, sắc với 5 phần nước còn 2 phần nước, chia làm 3 phần uống sau bữa cơm mỗi ngày.

Lưu ý: Chống chỉ định sử dụng cho người bị khí hư, ho lâu ngày không hết, đờm trệ.

Tử uyển chữa ho

Còn gọi là thanh uyển, dã ngưu bang.

Tên khoa học Aster tatacicus L.

Thuộc họ Cúc Asteraceae (Compositae).

Tử uyển (Radix Asteris) lá rễ và thân phơi hay sấy khô của cây tử uyển. Tử là tía, uyển là mềm, vì tử uyển là một vị thuốc có màu tím lại mềm.

Tử uyển ở Việt Nam là một loài cỏ cao 0,3-1,6m, mọc thẳng đứng, trên ngọn phân nhánh, thân có lông ngắn,lá hình bầu dục thuôn dài, hẹp lại ở phía cuống, mép có răng cưa: lá dài 3-7cm, rộng 5-25mm. Hoa tím nhạt ở xung quanh, vàng ở giữa. Mọc đơn độc hoặc tụ từng 3-5 hoa thành ngù ở đầu cành. Quả bé, dài 2,5mm, có lông, mép có dìa màu vàng nhạt.

Tử uyển chữa ho

Phân bố

Chi Aster L. gồm những loài cây thảo, phân bố chủ yếu ở vùng ôn đới phía bắc bán cầu. Một số loài ở vùng cận nhiệt đới, nhiệt đới châu Á, châu Mỹ. Ở Việt Nam, chi này có 3 – 4 loài, phân bố tập trung ở các tỉnh phía Bắc.

Thành phần dùng

Người ta thường đào rễ về rửa sạch đất cát, phơi hoặc sấy khô, rồi bào chế dưới các dạng sau:

- Phiến: Rễ rửa sạch để ráo nước, thái phiến dài 3 - 5cm, dày 1 - 3mm, phơi hoặc sấy khô.

- Sao: Tử uyển phiến sao nhỏ lửa đến màu vàng đậm hoặc hơi cháy.

- Sao cám (tử uyển phiến 10kg, cám gạo 3 kg): Đun chảo nóng, cho cám vào đảo đều tới khi bốc khói rồi cho tử uyển phiến vào. Đảo đều cho đến khi có màu vàng, mùi thơm, rây bỏ cám.

- Chích mật ong (tử uyển phiến 10kg, mật ong 2kg): Đun mật ong trộn đều với tử uyển phiến, ủ 30 phút cho ngấm đều. Dùng lửa nhỏ sao đến khi có màu vàng. Có thể đem mật ong hòa loãng, đun sôi cho tử uyển phiến vào đảo đều, sao đến khi có màu vàng, sờ không dính tay là được.

- Chưng: Tử uyển phiến cho vào thùng gỗ chưng cách thủy 30 phút tới 1 giờ, lấy ra phơi khô.

Thành phần hóa học

Trong tử uyển người chiết xuất ra chất asterosaponin. Khi thủy phân sẽ cho ra astero sapogenin arabinoza.

Công dụng theo y học hiện đại

Lợi đờm, chống ho

Thí nghiệm trên thỏ gây mê, theo dõi sự phân tiết phenol sulfonphthalein ở đường hô hấp, nước sắc tử uyển có tác dụng lợi đờm rõ rệt và kéo dài 4 giờ. Trên chuột cống trắng, dạng chiết của tử uyển dùng bằng đường uống cũng có tác dụng tăng cường sự phân tiết của khí phế quản.

Thí nghiệm trên mèo gây ho bằng phương pháp tiêm dung dịch i- ốt vào lồng ngực phải, dạng nước sắc tử uyển dùng bằng đường uống không có tác dụng giảm ho. Nhưng thí nghiệm trên chuột nhắt trắng gây ho bằng phương pháp phun xông amoniac lại có tác dụng giảm ho rõ rệt.

Kháng khuẩn

Thí nghiệm trên ống kính, tử uyển có tác dụng ức chế các chủng Escherichia coli, Shigella dysenteriae, Salmonella typhi, Salmonella paratyphi, Bacillus pyocyaneus và Vibrio cholerae.

Khả năng chống ung thư

Các thành phần chiết được từ tử uyển như astin A, astin B với liều 0.5mg/kg và astin C với liều 5mg/kg có tác dụng ức chế rõ rệt với tế bào sarcom 180 trên chuột nhắt trắng. Chất epifriedelanol đối với u báng Erhlich có tác dụng ức chế nhất định.

Bài thuốc kinh nghiệm dân gian

Chữa ho lâu ngày, đờm rải rác ở họng hoặc đờm có máu

Tử uyển 9g, tiền hồ 6g, kinh giới 6g, bách bộ 6g, bạch tiền 6g, cát cánh 3g. Sắc nước uống.

Chữa trẻ em ho không ra tiếng

Tử uyển và hạnh nhân, 2 vị bằng nhau, tán nhỏ trộn với mật chế thành viên bằng hạt ngô. Ngày uống 3 - 4 viên, chia làm nhiều lần.

Chữa trẻ em ho, có tiếng khò khè trong cổ, thở khó

Tử uyển 30g, hạnh nhân (bỏ vỏ),tế tân, khoản đông hoa, mỗi vị 0,3g. Tất cả nghiền thành bột, mỗi lần uống 1g với nước cháo loãng. Ngày 2 - 3 lần.

Chữa ho gà

Bách bộ 0,05g; lá tía tô 0,025g, trần bì 0,05g, tử uyển 0,025g, cát căn 0,025g, cồn cà độc dược 0,015g. Tất cả trộn đều làm thành viên. Dưới 1 tuổi ngày uống 1 viên, chia làm 2 lần uống. Từ 1 đến 13 tuổi, mỗi ngày 1 viên, chia làm 2 - 3 lần uống trong ngày.

Chữa chứng hư lao, ho, đờm có máu, mủ

Tử uyển, nhân sâm, tri mẫu, bối mẫu, cát cánh, cam thảo. Mỗi vị dùng với liều thích hợp. Sắc nước uống.

Ngoài việc sử dụng các loại thảo dược trên thì khi bạn ho cần lưu ý:

- Nên ăn các thực phẩm mềm, dễ tiêu hoá.

- Tránh các đồ thực phẩm cay nóng, có chất kích thích như: Bia, rượu, ớt...

- Nên ăn ít vào buổi tối và ăn sớm để tránh bị trào ngược axit dạ dày khiến ho nhiều hơn.

Theo Suckhoevadoisong