Tác dụng của cà phê
Cà phê
Cà phê (bắt nguồn từ từ tiếng Pháp café /kafe/) là một loại thức uống được ủ từ hạt cà phê rang, lấy từ quả của cây cà phê. Các giống cây cà phê được bắt nguồn từ vùng nhiệt đới châu Phi và các vùng Madagascar, Comoros, Mauritius và Réunion trên Ấn Độ Dương. Giống cây này được xuất khẩu từ châu Phi tới các nước trên thế giới và hiện nay đã được trồng tại tổng cộng hơn 70 quốc gia, chủ yếu là các khu vực nằm gần đường xích đạo thuộc châu Mỹ, Đông Nam Á, Ấn Độ và châu Phi. Hai giống cà phê được trồng phổ biến nhất là cà phê chè, và cà phê vối. Sau khi chín, quả cà phê sẽ được hái, chế biến và phơi khô. Hạt cà phê khô sẽ được rang trong nhiều điều kiện nhiệt độ khác nhau, tùy thuộc vào nhu cầu thị hiếu. Hạt cà phê sau khi rang sẽ được đem đi xay và ủ với nước sôi để tạo ra cà phê dưới dạng thức uống.
Quả cà phê.
Cà phê có ít tính axit và có thể gây kích thích đối với người sử dụng do có chứa hàm lượng cafein. Cà phê ngày nay là một trong những thức uống phổ biến trên thế giới. Thức uống này có thể được chuẩn bị và phục vụ theo nhiều dạng uống khác nhau (ví dụ như espresso, cà phê bình, latte,...). Cà phê thường được thưởng thức nóng, dù cà phê đá cũng được nhiều người ưa dùng. Nhiều nghiên cứu lâm sàng cho thấy lượng cà phê tiêu thụ trung bình là vừa đủ hoặc có lợi đối với một người lớn khỏe mạnh. Nhiều nhà nghiên cứu cũng đặt câu hỏi về việc sử dụng cà phê lâu dài có thể hạn chế chứng suy giảm trí nhớ về già hoặc giảm thiểu khả năng mắc các bệnh ung thư.
Bằng chứng sớm và đáng tin cậy nhất về việc sử dụng cà phê được phát hiện vào thế kỷ 15 tại các lăng mộ Sufi giáo ở Yemen. Cũng tại bán đảo Ả Rập, các hạt cà phê đầu tiên được rang và ủ theo cách tương tự như phương pháp chúng ta vẫn làm ngày nay. Hạt cà phê ban đầu được xuất khẩu từ Đông Phi tới Yemen, do cây cà phê chè lúc đó được cho là có nguồn gốc từ người bản địa. Các thương nhân Yemen đã đem cà phê về quê nhà và bắt đầu trồng các hạt giống. Tới thế kỷ 16, cà phê đã được đem tới Persia, Thổ Nhĩ Kỳ và Bắc Phi. Từ đây, cà phê được lan rộng khắp châu Âu và phần còn lại của thế giới.
Cà phê là một mặt hàng xuất khẩu lớn: đứng đầu trong số các mặt hàng xuất khẩu nông nghiệp tại nhiều quốc gia và là một trong những mặt hàng xuất khẩu nông nghiệp hợp pháp lớn nhất trên thế giới. Đây cũng là loại hàng hóa có giá trị xuất khẩu nhất của các quốc gia đang phát triển. Cà phê xanh (không rang) cũng là một trong những mặt hàng nông nghiệp được buôn bán nhiều nhất trên thế giới. Nhiều tranh luận đã xảy ra xung quanh việc trồng cà phê, cách các quốc gia phát triển trao đổi cà phê với các nước đang phát triển và tác động của việc trồng cà phê đối với môi trường sống, đi kèm với vấn đề tạo đất trống để trồng và phê và sử dụng nước tưới. Cũng nhờ vậy, thị trường cà phê thương mại công bằng và cà phê hữu cơ ngày càng được mở rộng.
Phân loại cà phê
Cà phê chia ra nhiều loại tùy theo cách rang. Rang cà phê là để cho bớt độ ẩm trong hạt, dầu thơm tỏa ra. Chừng một thế kỷ trước, cà phê phải rang tại nhà bằng lò than. Hiện nay người ta rang bằng gas hay bằng điện nhưng có nơi vẫn rang bằng than, cho rằng rang bằng than ngon hơn.
Trong kỹ nghệ, cà phê được rang với số lượng lớn dùng nhiệt độ cao trong một thời gian nhanh (khoảng 204 đến 260 °C trong vòng 5 phút) rồi làm nguội bằng quạt hơi hay rảy nước cho khỏi cháy khét. Gần đây nhất, cà phê được kiểm soát bằng máy tính qua mọi tiến trình. Cà phê nay được bán trong các tiệm bách hóa thường rang và xay ngay tại chỗ cho thêm phần quyến rũ và bảo đảm với khách hàng là sản phẩm còn tươi nguyên mới ra lò.
Người ta có thể rang sơ sài còn được gọi dưới cái tên Cinnamon roast (thời gian khoảng 7 phút), rang vừa (medium roast) còn gọi là full city hay brown (thời gian từ 9 đến 11 phút) hay rang kỹ (full roast) tức là rang kiểu Pháp thời gian từ 12 đến 13 phút. Những cách rang kỹ nhất đến cháy xém khiến cho hạt cà phê bóng nhẫy là kiểu rang của người Ý Ðại Lợi (espresso) thì phải từ 14 phút trở lên cho đến khi bắt đầu cháy thành than.
Cà phê cũng phân biệt theo cách xay, xay mịn hay to hạt tùy theo cách pha. Trong khoảng một trăm năm trở lại đây, người ta đã chế biến ra loại cà phê bột, chỉ cần bỏ vào nước sôi là uống được. Cà phê bột được điều chế theo hai cách: làm khô bằng cách đông lạnh (freeze drying) hay làm khô bằng cách phun (spray drying). Cả hai đều phải được lọc trước để rút hết tinh chất rồi phun ra thành những hạt li ti để làm khô. Nhiều kỹ thuật mới đã được thí nghiệm để cà phê bột không bị biến dạng và mất mùi. Tuy nhiên những người khó tính vẫn cho rằng cà phê bột không thể nào bằng cà phê pha được.
Tác dụng của cà phê
Hai nghiên cứu lớn công bố trên tạp chí Annals of Internal Medicine năm 2017 cho thấy uống cà phê có thể làm giảm tỷ lệ tử vong sớm. Nghĩa là những người uống cà phê sẽ có tuổi thọ cao hơn người không uống.
Đây là nghiên cứu đầu tiên cho thấy mối liên hệ giữa tiêu thụ cà phê và sức khỏe, cùng nguy cơ tử vong trên nhiều nhóm chủng tộc khác nhau sau khi đã loại trừ những nhiễu số khác biệt.
Theo sau đó, một nghiên cứu năm 2018 của Viện Ung thư, Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ và Trường Y Feinberg, Đại học Northwestern quan sát thấy những người thường xuyên uống cà phê sẽ sống lâu hơn người không uống. Và những người uống nhiều cà phê sống lâu hơn người uống ít cà phê.
Cùng trong nghiên cứu này, các nhà khoa học thống kê được những con số liên quan đến lợi ích của việc uống cà phê bao gồm: giảm nguy cơ ung thư 20%, nguy cơ tiểu đường type 2 giảm 20%, nguy cơ mắc Parkinson giảm 30%, nguy cơ mắc bệnh tim giảm 5%.
Vậy cụ thể, uống cà phê sẽ mang lại những lợi ích gì cho sức khỏe, và liệu cà phê có tác hại nào bạn cần lưu ý hay không? Hãy cùng tìm hiểu thêm từ các nghiên cứu cập nhật nhất về lợi ích của cà phê:
1. Cà phê chứa nhiều chất chống ôxy hóa
Hạt cà phê chứa một số chất khoáng như Mg, Ca, K và hàm lượng cao những hợp chất polyphenols là những chất chống oxy hoá hữu ích. Chất chống oxy hoá giúp trung hoà những gốc tự do để ngăn chặn quá trình hư hại tế bào và DNA trong các loại bệnh tim mạch, ung thư và quá trình lão hoá, khiến lâu già.
2. Giúp giảm cân
Cà phê giúp bạn giảm béo và có thân hình thon gọn hơn. Là thức uống có lượng calo thấp, sử dụng cà phê vào buổi sáng có tác dụng rất tốt bởi nó làm tăng quá trình trao đổi chất, giúp đốt cháy calo.
3. Cà phê đối với hệ tim mạch
Là thực phẩm giàu chất chống ôxy hóa tự nhiên, cà phê có tác dụng giữ cho máu sạch, ngăn ngừa bệnh cao huyết áp và bệnh tim mạch. Cà phê chứa các hợp chất phenol với tính chống oxy hóa có thể ngăn ngừa xơ vữa động mạch. Một số lợi ích cho sức khỏe có thể vươn xa đến ngừa tai biến mạch máu não.
4. Cà phê đối với bệnh đái tháo đường
Tờ the Annals of Internal Medicine cho biết uống cà phê liên quan nghịch với viêm và rối loạn chức năng nội mô. Cà phê có thể làm giảm nguy cơ bệnh đái tháo đường. Các hợp chất điều tiết insulin có trong cà phê sẽ giúp ngăn chặn bệnh đái tháo đường tuýp II. Theo một nghiên cứu ở Singapore Chinese Health Study cho biết uống từ 4 cốc cà-phê trở lên hàng ngày giảm 30% nguy cơ bệnh đái tháo đường.
5. Cà phê ngừa ung thư
Tạp chí chuyên đề JNCI của Viện Ung thư quốc gia Mỹ số ra đầu tháng 5/2011 đăng tải nghiên cứu do các chuyên gia ĐH Harvard, Mỹ thực hiện thì những người uống cà phê có hàm lượng cafein thấp điều độ và đều đặn sẽ giảm được tới 50% nguy cơ mắc bệnh ung thư, nhất là ung thư vú, ung thư gan, tiền liệt tuyến, trực và đại tràng.
6. Giảm thiểu bệnh Parkinson
Một nghiên cứu dài 30 năm của các nhà khoa học trường Đại học Nam Florida cho thấy những người có thói quen uống cà phê thì có rủi ro mắc bệnh Parkinson thấp hơn so với người không uống hoặc uống ít. Các nhà khoa học trường Đại học Kuopio, Phần Lan, Viện Karolinski ở Stockholm, Thụy Điển và Viện Sức Khoẻ Quốc Gia Phần Lan cũng cho biết những người trung niên thường dùng cà phê với lượng trung bình từ 3 đến 5 ly mỗi ngày có thể làm giảm nguy cơ bị bệnh suy giảm trí nhớ ở tuổi già.
7. Ngừa bệnh xơ gan
Một số nghiên cứu được thực hiện gần đây cho thấy những người uống cà phê thường xuyên và điều độ, giảm được tới 80% khả năng phát triển bệnh xơ gan.
8. Giảm bệnh hen suyễn
Thực tế, các loại thuốc trị hen suyễn đều có chứa caffeine vì vậy, uống cà phê điều độ có tác dụng tích cực trọng việc ngăn ngừa căn bệnh này.
9. Lợi tiểu
Cà phê không chỉ được xem là thức uống lợi tiểu mà còn có tác dụng sạch dạ dày và hệ tiêu hóa. Tuy nhiên những người có vấn đề về dạ dày, dễ phản ứng với cà phê thì không nên uống nhiều cà phê.
10. Giảm nguy cơ mắc bệnh sỏi mật
Theo nhiều nghiên cứu lâm sàng, cà phê có tác dụng giảm cholesterol trong mật dạ dày, giúp ngăn ngừa nguy cơ tạo sỏi túi mật.
11. Cà phê tốt cho luyện tập thể dục
Nhiều nghiên cứu khẳng định cà phê rất tốt cho tập thể dục. Cà phê làm tăng tiết những hormon stress như adrenalin, cortisol giúp ta năng động, linh hoạt và thêm công suất cơ bắp để làm giảm tạm thời sự mệt mỏi, chất cafein giúp con người luyện tập dẻo dai, bền bỉ và dễ đạt được mục tiêu. Tuy nhiên, không nên lạm dụng quá nhiều caffaeine.
12. Tăng cường trí não
Ngoài việc giúp não bộ tỉnh táo và tập trung hơn trong ngắn hạn, uống cà phê dường như cũng mang lại lợi ích lâu dài cho não bộ. Một nghiên cứu báo cáo rằng những bệnh nhân suy giảm nhận thức ở mức độ nhẹ có thể phục hồi bằng cách uống từ 3-5 cốc cà phê mỗi ngày. Một nghiên cứu khác cho thấy caffeine có tác dụng tăng cường trí nhớ. Nghiên cứu trên chuột chỉ ra caffeine có tác dụng ức chế tiết amyloid-beta, một protein có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh Alzheimer. Cà phê từ lâu cũng được cho là có tác dụng phòng bệnh Parkison.
13. Giảm nguy cơ bị trầm cảm
Nghiên cứu cho thấy tiêu thụ cà phê có tác dụng tăng cường sức khỏe tâm thần và chống trầm cảm. Trong một nghiên cứu, những người phụ nữ uống từ 2-3 tách cà phê mỗi ngày đã giảm được 15% nguy cơ mắc trầm cảm so với những người chỉ uống 1 tách mỗi tuần. Những người uống từ 4 cốc mỗi ngày trở lên giảm được 20% nguy cơ đó. Tác dụng ngắn hạn của cà phê với tâm trạng có thể đến từ hoạt động của serotonin và dopamine. Tác dụng lâu dài có thể liên quan đến đặc tính chống oxy hóa và chống viêm của cà phê.
14. Giảm nguy cơ tai biến và đột quỵ
Những lợi ích của cà phê với mạch máu được duy trì vượt qua hàng rào máu não. Một nghiên cứu tổng hợp cho thấy uống 6 cốc cà phê mỗi ngày giúp giảm 17% nguy cơ đột quỵ. Trong một tập hợp những người phụ nữ Thụy Điển, con số còn lên đến 22-25%. Một phân tích lớn khác cho thấy uống từ 1-3 cốc cà phê mỗi ngày có tác dụng phòng ngừa đột quỵ thiếu máu cục bộ trong toàn bộ dân số. Một nghiên cứu của Nhật Bản cũng chỉ ra phẩn thưởng cho những ai duy trì thói quen uống cà phê được 13 năm là 20% giảm xuống trong nguy cơ đột quỵ.
Một số rủi ro từ việc uống cà phê
Như bạn nghi ngờ không có một loại siêu thực phẩm nào hoàn hảo, cà phê cũng có một số tác hại nhất định. Ngoài việc làm tăng huyết áp, cà phê có thể làm trầm trọng hơn triệu chứng lo lắng, khiến bạn bồn chồn, mất ngủ và có khả năng khiến bạn mắc bệnh tăng nhãn áp. Có những tranh cãi xung quanh mức caffeine quá liều. Theo đó, uống từ 6 ly trở lên có thể khiến bạn phải chịu đựng nhiều tác dụng phụ như bồn chồn, tăng nhịp tim, buồn nôn, lo lắng… Tuy nhiên, liều caffeine gây chết người lên tới 10 gam và đó là điều gần như không tưởng, bạn phải uống 100 tách cà phê mới đặt mình vào nguy cơ tử vong.