Những thói quen sống phòng ngừa bệnh đột quỵ
Đột quỵ là căn bệnh nguy hiểm không chừa một ai
Đột quỵ hay còn được gọi là tai biến mạch máu não, là căn bệnh xảy ra khi việc cung cấp máu lên não đột ngột bị ngừng trệ. Lúc này não bị thiếu máu nuôi dưỡng, dẫn đến việc các tế bào não thiếu oxy và sẽ chết dần.
Theo thống kê, hiện nay trên thế giới có khoảng 15 triệu người bị đột quỵ. Tại Mỹ số bệnh nhân là khoảng 700.000 người, còn Việt Nam là 200.000 người mắc bệnh mỗi năm. Trung bình, cứ 45 giây trôi qua, toàn cầu sẽ có một người bị đột quỵ, và cứ 3 phút thì lại có một người tử vong do bệnh. Đáng chú ý là tỉ lệ tử vong do bệnh đột quỵ ở Việt Nam cao hơn thế giới rất nhiều.
Các chuyên gia về sức khỏe cho biết, ai cũng có nguy cơ bị đột quỵ. Đặc biệt là những người từng bị các bệnh liên quan đến huyết áp, xơ vữa động mạch, tiểu đường… Trong đó, bệnh xảy ra nhiều nhất ở những người từ 50 tuổi trở lên. Tuy nhiên, những năm gần đây đối tượng bị đột quỵ đang có xu hướng trẻ hóa.
Đột quỵ là căn bệnh đứng thứ ba gây tử vong và tàn phế nhiều nhất, chỉ sau bệnh tim mạch và ung thư. Các chuyên gia dự đoán, đến năm 2020 đây sẽ là căn bệnh gây tử vong hàng đầu thế giới. Điều đáng lo ngại nhất ở căn bệnh này là chỉ có 10% bệnh nhân được chữa khỏi hoàn toàn dù phát hiện sớm, 25 % có di chứng nhẹ và khoảng 40% bệnh nhân sẽ bị tàn phế, liệt nửa người hoặc toàn thân, khù khờ, lú lẫn…
Bệnh nhân đột quỵ có thể nhận biết được bệnh thông qua các biểu hiện như: đột ngột tê hay yếu một bên mặt, tê tay, chân, đầu óc choáng váng, nói khó, hoặc không hiểu lời người khác nói... 80% trường hợp đột quỵ có thể phòng tránh được bằng cách quản lý hiệu quả những tác nhân gây bệnh.
Những thói quen sống tốt nhất để phòng tránh bị đột quỵ
Giữ huyết áp ở mức lý tưởng
Huyết áp cao là một trong những nguyên nhân gây ra các cơn đột quỵ. Để duy trì huyết áp ở mức lý tưởng dưới 135/85 mmHg, bạn cần giảm muối trong chế độ ăn uống, không quá 1,5 g mỗi ngày (khoảng 1/2 thìa cà phê), tránh các loại thực phẩm giàu cholesterol như bánh mì kẹp thịt, phô mai và kem; nên ăn 4-5 phần rau và trái cây mỗi ngày, 2-3 phần cá mỗi tuần.
Bên cạnh đó, bạn cần tiêu thụ thêm ngũ cốc nguyên hạt và sữa ít chất béo. Người bệnh có thể dùng thêm thuốc ổn định huyết áp theo hướng dẫn của bác sĩ.
Tuyệt đối KHÔNG ĂN MẶN
Sử dụng những thực phẩm, đồ ăn quá nhiều muối sẽ gây bệnh cao huyết áp, tác nhân hàng đầu gây đột quỵ và các bệnh liên quan đến tim mạch. Vì thế bạn nên hạn chế những sản phẩm có muối như đồ ăn chế biến sẵn, nước chấm, súp, thịt xông khói để giảm mức hấp thu muối xuống còn 6 - 8gr mỗi ngày. Nếu như trong bữa ăn của bạn đã có thịt giăm bông, thịt lợn muối hay xúc xích xông khói, thì trong ngày hôm đó bạn cần phải uống nhiều nước để thận lọc tốt hơn. Đồng thời có thể thử thay phô mai cứng bằng phô mai mềm hoặc sữa chua để vừa đổi khẩu vị lại vừa không lo dung nạp quá nhiều muối.
Giữ chỉ số khối cơ thể thấp hơn 25
Chỉ số khối cơ thể (BMI) trên 25 khiến chúng ta có thể bị thừa cân, béo phì, từ đó dẫn đến nguy cơ mắc đột quỵ não. Để kiểm soát chỉ số BMI ở mức thấp hơn 25, người bệnh không nên ăn quá 1.500-2.000 calorie mỗi ngày (tùy thuộc mức độ hoạt động và chỉ số BMI), đồng thời nên tăng cường vận động thể chất như đi bộ, chơi golf hoặc tennis đều đặn.
Cách tính BMI
Tập thể dục thường xuyên
Người bệnh có thể tập thể dục ở cường độ vừa phải như đi dạo sau bữa tối, tham gia một câu lạc bộ thể dục với bạn bè, đi thang bộ thay vì thang máy ít nhất 5 ngày/tuần. Nếu không thể tập liên tục 30 phút, bạn có thể chia nhỏ thành 10-15 phút/lần và 2-3 lần/ngày.
Nên tập thể dục ít nhất 30 phút/ngày và 5 ngày/tuần.
Hãy dành nhiều thời gian di bộ
Đi bộ có rất nhiều tác dụng đối với con người, từ việc giảm cân, giữ dáng, phòng ngừa các bệnh liên quan đến xương khớp đến việc làm giảm nguy cơ bị đột quỵ. Ngoài đi bộ, bạn cũng nên vận động bằng cách lên xuống cầu thang, đạp xe và bơi lội để có thể đẩy lùi nguy cơ đột quỵ. Theo một nghiên cứu được công bố trên Chuyên san Circulation vào năm 2015, việc đi bộ, làm vườn hoặc đạp xe 2 - 3 lần mỗi tuần sẽ rất có lợi cho sức khỏe của những người trên 50 tuổi, nhóm tuổi có nguy cơ đột quỵ cao nhất. Cụ thể, những người đi bộ 20 phút mỗi ngày sẽ giảm được nguy cơ đột quỵ tới 40% so với những người ít hoặc không đi bộ mỗi ngày.
Cần hạn chế uống rượu bia
Thay vì thường xuyên sử dụng rượu, bia với nồng độ cao, bạn nên uống rượu vang đỏ với một lượng vừa phải (khoảng 1 ly nhỏ mỗi ngày). Rượu vang đỏ có chứa resveratrol, giúp bảo vệ tim và não.
Kiểm soát chỉ số đường huyết
Việc kiểm soát chỉ số đường huyết theo hướng dẫn của bác sĩ là điều cần thiết. Ngoài ra, bạn nên áp dụng chế độ ăn uống khoa học, tập thể dục và dùng thuốc điều trị để giữ đường huyết luôn ở mức ổn định.
Nói KHÔNG với THUỐC LÁ
Theo nhiều nghiên cứu, hút thuốc lá có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ. Nếu khó từ bỏ thuốc lá, bạn nên nhờ bác sĩ tư vấn để chọn cách thích hợp, ví dụ sử dụng các sản phẩm giúp cai thuốc lá như viên ngậm nicotine, miếng dán…
Xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý
Một thói quen ăn uống lành mạnh chắc chắn sẽ giúp bạn giảm được nguy cơ mắc bệnh tim và đột quỵ. Những thực phẩm như rau xanh, hoa quả, ngũ cốc nguyên hạt, các sản phẩm từ sữa không béo hoặc ít béo sẽ rất tốt cho cơ thể cũng như làm giảm khả năng bị đột quỵ, bởi những lý do sau:
- Lượng vitamin, khoáng chất, chất xơ và calories trong rau xanh và trái cây khá nhiều. Tích cực sử dụng trái cây, rau xanh có thể giúp bạn kiểm soát cân nặng và huyết áp hiệu quả.
Những loại ngũ cốc nguyên hạt chưa qua tinh chế chứa nhiều chất xơ, giúp giảm cholesterol trong máu. Đồng thời mang lại cảm giác no lâu cho bạn, từ đó giúp kiểm soát cân nặng.
- Các nghiên cứu khoa học đều cho thấy rằng dầu cá chứa rất nhiều acid béo omega-3, cho nên có tác dụng giảm nguy cơ tử vong do bệnh tim mạch. Mỗi tuần bạn nên ăn ít nhất 2 – 3 món ăn được chế biến từ cá. Cá nướng, hấp sẽ tốt hơn cá chiên vì ít dầu mỡ.
Cách sơ cứu khi bị đột quỵ
- Khi thấy ai đó có những triệu chứng như hoa mắt, choáng váng đầu óc, liệt mặt thì cần nhanh chóng đỡ để người bệnh không bị ngã gây chấn thương. Sau đó đặt người bệnh nằm ở chỗ thoáng, nếu bị nôn thì cho nằm nghiêng một bên, móc hết đờm nhớt cho bệnh nhân dễ thở.
- Với những người bị tai biến mạch máu não, thì cần nhanh chóng đưa đi cấp cứu trong 3 giờ đầu, vì đây là khoảng thời gian vàng.
- Khi di chuyển bệnh nhân, nên để bệnh nhân trên mặt phẳng, mặt nghiêng sang một bên, nới bớt quần áo cho bệnh nhân dễ thở.
- Tuyệt đối không tự ý cho người bệnh uống thuốc, nhỏ thuốc hạ huyết áp hay bất kỳ loại thuốc nào khác, không để nằm chờ xem bệnh nhân có khỏe lại không.