Cách phòng ngừa đột quỵ, tai biến tốt nhất
Bệnh đột quỵ là gì?
Đột quỵ còn được gọi là tai biến mạch máu não, dùng để chung để chỉ sự tổn thương một phần não bộ do tắc nghẽn mạch máu đi nuôi não hoặc vỡ mạch máu. Bộ não cần được cung cấp oxy thường xuyên để có thể hoạt động được nên khi một động mạch dẫn máu đi nuôi não bị cản trở, máu không lên được thì vùng não đó sẽ ngưng hoạt động. Đột quỵ nguy hiểm là vì nếu không được cấp cứu kịp thời thì vùng não này sẽ chết, dừng chức năng vĩnh viễn, gọi là nhồi máu não. Đây là tình trạng nghiêm trọng nhất của đột quỵ, gây liệt nửa người, hôn mê hoặc tử vong. Theo các thống kê, hơn 80% các ca đột quỵ là do nhồi máu não, để lại những di chứng nặng nề như tàn tật vĩnh viễn. Đây cũng được xem là chứng bệnh có tỉ lệ tử vong nhanh chỉ đứng sau ung thư và các bệnh tim mạch. Trong số những người bị đột quỵ thì chỉ có khoảng 50% là có thể phục hồi lại các chức năng bị liệt, 50% còn lại thường để lại di chứng nặng nề.
Nguyên nhân dẫn đến bệnh đột quỵ
Bệnh đột quỵ thường xảy ra ở người cao tuổi và phần lớn là nam giới. Có rất nhiều nguyên nhân gây ra đột quỵ, thường là do cao huyết áp, tiểu đường, các bệnh lý về tim mạch gồm xơ vữa động mạch, mỡ máu, bệnh mạch máu ngoại biên… Bên cạnh đó, lối sống không lành mạnh gồm lười vận động, béo phì, ăn nhiều thức ăn có cholesterol cao, nghiện bia rượu, căng thẳng thần kinh cũng là những nguyên nhân thường thấy của đột quỵ.
Triệu chứng của đột quỵ
Các triệu chứng của đột quỵ của mỗi người là khác nhau, tùy thuộc vào vị trí và kích thước vùng não bị ảnh hưởng. Có những người chỉ bị đột quỵ nhẹ và hết ngay trong vòng 24h nhưng cũng có những người bị tổn thương não và liệt vĩnh viễn. Một số triệu chứng còn xuất hiện ngay cả trong lúc ngủ nên cũng rất khó nhận ra. Sau đây là những triệu chứng thường gặp nhất ở người bị đột quỵ:
- Đột ngột đau đầu, choáng váng, chóng mặt, mất thị lực một bên hay cả hai bên là triệu chứng thường thấy nhất ở người bị đột quỵ. Những triệu chứng như choáng, buồn nôn hoặc đang đi bộ thì bị nhức đầu được nhiều người đánh đồng với say nắng hoặc mệt do vận động quá sức nhưng thực tế đó là triệu chứng của đột quỵ. Phụ nữ có khả năng bị đau đầu dữ dội khi đột quỵ nhiều hơn nam giới, thường xảy ra với những ai có tiền sử bị đau nửa đầu khi còn trẻ.
- Rối loạn tri giác như cử động chậm chạp, tay chân yếu hoặc liệt một phần cơ thể, không thể cầm nắm được vật gì. Bạn có thể kiểm tra bằng cách cử động hai cánh tay lên xuống trong vòng 10 giây. Nếu một cánh tay bị cứng đơ hoặc rơi xuống thì đó chính là dấu hiệu của cơn đột quỵ.
- Người bị đột quỵ thường hay bị cứng miệng, không nói được hoặc nói năng lẫn lộn, vô nghĩa.
- Đột nhiên mệt mỏi, ủ rũ cũng là một triệu chứng của đột quỵ do thiếu máu cục bộ trong não. Phụ nữ thường gặp triệu chứng thay đổi trạng thái tinh thần đột ngột nhiều hơn nam giới.
- Nữ giới cũng thường gặp phải chứng tim đập nhanh hoặc loạn nhịp tim khi trong cơn đột quỵ.
Phòng tránh các cơn đột quỵ bất ngờ
Khám bệnh thường xuyên
Cao huyết áp và các bệnh tim mạch là những nguyên nhân phổ biến nhất gây ra đột quỵ. Do đó, để phòng tránh các cơn đột quỵ, bạn nên đi khám thường xuyên để phát hiện bệnh và chữa trị sớm, nhất là những người trên 40 tuổi.
Phát hiện sớm và điều trị bệnh tiểu đường
Tiểu đường cũng là một trong những chứng bệnh gây ra các cơn đột quỵ. Do đó, cần phải phát hiện sớm bệnh và điều trị tốt để tránh biến chứng thành đột quỵ.
Ăn ít chất béo, ăn nhiều hoa quả
Giảm cholesterol trong máu để phòng ngừa bệnh tim mạch bằng cách ăn ít chất béo, giảm muối, ăn nhiều rau và hoa quả.
Sinh hoạt điều độ, lành mạnh
Không hút thuốc lá, hạn chế uống rượu bia, chất kích thích, thường xuyên tập luyện thể dục, thể thao để tăng cường sức khỏe nhưng không được quá sức.
Tránh tắm muộn
Tránh tắm khuya hoặc tắm ở nơi nhiều gió, đặc biệt với người cao huyết áp vì rất dễ lên cơn đột quỵ vào lúc này.
Tránh stress
Tránh căng thẳng thần kinh quá mức hay xúc động mạnh để gây thêm áp lực cho não bộ, rất dễ gây ra nhồi máu não.
Không nên rơi vào trạng thái trầm cảm
Trầm cảm khác với việc bạn buồn, trầm cảm là tình trạng buồn phiền kéo dài, lo lắng, không có hy vọng, vô giá trị, cáu kỉnh, mệt mỏi, không còn hứng thú với những điều bạn đã từng thích, không thể tập trung, mất ngủ, ăn nhiều hay không thấy ngon miệng, nghĩ đến việc tự tử,…Một nghiên cứu mới với 80.000 phụ nữ chỉ ra rằng trầm cảm làm tăng khả năng bị đột quỵ tới 29%. Nguyên nhân là do phụ nữ bị trầm cảm có xu hướng hút thuốc, tăng cân và ít tập thể dục hơn, cộng thêm họ dễ gặp các vấn đề y tế không kiểm soát được như huyết áp cao và bệnh tiểu đường – các bệnh liên quan đến tăng nguy cơ đột quỵ.
Vì thế, để phòng chống đột quỵ, cách tốt nhất là bạn nên loại bỏ sự trầm cảm ra khỏi cuộc sống mà hãy cố gắng giữ tâm trạng tốt nhất hoặc hãy đi khám bác sĩ nếu tình trạng buồn phiền bị kéo dài.
Hãy ngủ đủ 7 giờ mỗi ngày
Để phòng chống bệnh đột quỵ, các nhà khoa học ở trường ĐH Harvard ( Mỹ) khuyên người dân nên ngủ đủ giấc mỗi ngày, nếu ngủ nhiều hơn 10 tiếng mỗi đêm có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ hơn 63% so với những người chỉ ngủ 7 tiếng. Ngoài ra, nếu bạn đang ngủ mà ngáy, nguy cơ mắc hội chứng chuyển hóa nhiều gấp 2 lần. Điều này làm tăng nguy cơ mắc đột quỵ cũng như các bệnh về tim mạch và tiểu đường
Đừng bỏ qua chứng đau nửa đầu
Đau nửa đầu thường do các yếu tố thay đổi nội tiết ( đặc biệt là nội tiết tố ở phụ nữ) và thuốc men, những cơn đau đầu đặc biệt này có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ ở phụ nữ. Các chuyên gia chăm sóc sức khỏe tim mạch khuyên rằng, nếu muốn phòng chống đột quỵ bạn nên chữa trị và giảm tần suất của chứng bệnh này.
Ăn các loại thực phẩm để chống đột quỵ
Để phòng chống đột quỵ, ngoài các thức ăn hàng ngày như cá, các loại ngũ cốc, trong mỗi bữa ăn của gia đình bạn cũng nên bổ sung thêm khoai lang, nho khô, chuối và bột cà chua. Tuy nhiên, bạn cũng không phải ăn tất cả những loại thực phẩm này cùng một lúc. Mỗi thực phẩm này đều chứa kali và một chế độ dinh dưỡng giàu kali sẽ giúp giảm nguy cơ đột quỵ 20%, một nghiên cứu gần đây đã cho thấy điều đó. Một số nguồn thực phẩm tốt cho sức khỏe tim mạch như: rau củ quả, cá, gia cầm và các sản phẩm từ sữa.
Ngoài ra, để phòng chống bệnh tim mạch, các chuyên gia cũng khuyến khích bạn sử dụng dầu olive khi nấu các món ăn như: Áp chảo, rán, nướng,… Dầu olive sẽ giúp làm giảm nguy cơ nhồi máu cơ tim và giảm nguy cơ đột quỵ đến 5 lần.
Phòng chống bệnh đột quỵ rất tốt bằng việc tập thể dục
Thực hiện thói quen đi bộ tập thể dục nhẹ nhàng, chỉ cần mỗi ngày bạn bỏ ra từ 20-45 phút tập thể dục thì nguy cơ bị đột quỵ não của bạn sẽ giảm gấp 2 lần.
Hiện nay tình trạng đột quỵ xảy ra rất thường xuyên, nhẹ thì bị di chứng nghiêm trọng, nặng thì dẫn tới tử vong ngay lập tức. Vì thế trên đây là một số cách phòng tránh đột quỵ tốt nhất mà mọi người nên tham khảo để bảo vệ sức khỏe cho gia đình và người thân mình.