Bệnh thoái hóa cột sống thắt lưng và cách điều trị
Cột sống thắt lưng là vùng chịu tải trọng lớn, đồng thời đây là vùng khớp bản lề, có nhiều cử động cơ thể.
I. Điều trị không dùng thuốc
1.Điều trị đau thắt lưng cấp
– Nằm bất động trên giường cứng, tư thế ngửa 2 chân hơi co ở khớp háng và gối bằng cách cho đệm gối tròn vào khoeo. Thời gian bất động 1-2 ngày, có khi 5-6 ngày.
– Xoa bóp, bấm huyệt nhẹ nhàng vùng thắt lưng, kéo cột sống, tập luyện vận động, châm cứu.
– Điều trị bằng nhiệt: paraffin, hồng ngoại, sóng ngắn, túi chườm…
– Điều trị bằng điện: điện xung, điện châm, điện di thuốc giảm đau.
– Điều trị bằng siêu âm liên tục hoặc chế độ xung vào 2 bên cột sống, không dùng liều cao chiếu thẳng vào cột sống vì có thể gây tổn thương tủy sống.
– Tử ngoại liều đỏ da (4-5 liều sinh học) cách ngày, 3-4 lần, diện tích chiếu dưới 300cm2.
– Kéo giãn cột sống liên tục với lực nhỏ (1/2 cân nặng), ngày 1 lần, 15-20 phút, có tác dụng làm giãn cơ. Không nên kéo ở chế độ ngắt quãng vì sẽ kích thích làm cơ càng co cứng hơn.
– Cho bệnh nhân vận động cột sống trong quá trình điều trị và sau thời gian bất động, mức độ tăng dần.
2.Điều trị đau thắt lưng mạn
Các phương pháp vật lý như: nhiệt, điện xung, điện châm, sóng ngắn, tử ngoại, kéo giãn cột sống với trọng lượng nhỏ hơn so với thoát vị đĩa đệm được chỉ định để giảm đau. Bên cạnh đó bệnh nhân cần phải có chế độ tập luyện thích hợp để sửa chữa các nguyên nhân cơ giới gây đau và làm mạnh các cơ chi phối vận động vùng thắt lưng:
– Tập nghiêng xương chậu.
– Tập cơ bụng.
– Tập khối cơ cạnh sống.
II. Điều trị dùng thuốc
Các nhóm thuốc sau thường được sử dụng trong điều trị
1. Các thuốc giảm đau thông thường: Paracetamol, Efferalgan,…
2.Các thuốc giảm đau chống viêm không steroid: Arcoxia, Mobic, Felden,…
3. Các thuốc giảm đau theo cơ chế thần kinh: Lyrica, Synapain,…
4. Nhóm thuốc an thần: Diazepam, Seduxen,..
5. Thuốc giãn cơ: Mydocalm, Myonan,Decontractyl,…
6. Vitamin nhóm B: Methylcoban,…
7. Tiêm ngoài màng cứng bằng Hydrocortisol,…
8. Các thuốc chống thoái hóa: Artrodar, Glucosamin sulfate (Viatril_S, Flexa,…)
III. Một số biện pháp dự phòng
– Nằm: nằm đúng tư thế giúp cho cơ và dây chằng được thư giãn nghỉ ngơi.
+ Nằm ngửa: Đầu gối bằng gối mềm và thấp, dưới hai khoeo chân kê một gói cao vừa phải nhằm thư giãn cơ đùi và thắt lưng, và làm cột sống thắt lưng thẳng hơn.
+ Nằm nghiêng: có thể nằm nghiêng bên phải hoặc trái, gối đầu mềm, độ cao vừa phải, 2 chân co lại, đùi vuông góc với thân mình và cẳng chân, kê thêm một gối mỏng giữa hai đầu gối và cẳng chân.
+ Nằm sấp: là một tư thế nên tránh, tuy nhiên nếu người có thói quen nằm sấp thì nên dùng một gối nhỏ lót dưới bụng.
– Ngồi: Tư thế ngồi ảnh hưởng rất quan trọng đến cột sống và là một trong những yếu tố gây đau thắt lưng và cổ. Nên ngồi ở tư thế lưng thẳng, đùi vuông góc với thân mình và cẳng chân, hai vai cân đối, đầu thẳng với cột sống. Các tư thế ngồi bất lợi nên tránh là: ngồi bắt chéo chân, lưng cong quá hay ưỡn quá, cúi đầu về phía trước hay ưỡn đầu ra phía sau, nghiêng đầu sang phải hoặc sang trái. Chú ý không được ngồi quá lâu, nếu phải ngồi trong thời gian dài thì ít nhất mỗi giờ phải đứng lên làm vài động tác thư giãn rồi mới ngồi tiếp.
– Đứng: tư thế đứng đúng là cột sống phải thẳng, gối thẳng, hai vai song song với mặt đất, hai mắt nhìn ngang, trọng lượng cơ thể chia đều cho hai chân. Tránh các tư thế đứng khom hay ưỡn cột sống.
– Cách nâng một vật nặng: tư thế đúng là hai đầu gối chùng xuống, giữ cho cột sống luôn thẳng, ôm sát vật nặng vào người rồi dùng lực của đầu gối để đứng lên.
Bệnh viện Bạch Mai