Cách phòng và điều trị thoái hóa khớp
Thoái hóa khớp là bệnh lý khớp thường gặp nhất ở người lớn tuổi. Tại Mỹ tần suất thoái hóa khớp ở nữ trên 60 tuổi là 34% và nam 31%. Ở châu Á, tần suất tương tự cũng được ghi nhận, với 43% nữ và 21,5% nam trên 60 tuổi (Trung Quốc), 30% nữ và 11% nam trên 50 tuổi (Nhật).
Thoái hóa khớp là vấn đề y tế công cộng đang được xã hội rất quan tâm, vì quy mô lớn và hệ quả nghiêm trọng của bệnh trong cộng đồng. Thoái hóa khớp thường xảy ra ở người cao tuổi và trong tình hình tuổi thọ dân số ngày càng gia tăng, gánh nặng về thoái hóa khớp trong cộng đồng cũng sẽ gia tăng đáng kể trong tương lai.
Triệu chứng lâm sàng quan trọng và thường gặp của thoái hóa khớp là đau mãn tính. Đây chính là nguyên nhân làm bệnh nhân thoái hóa khớp bị giảm chất lượng cuộc sống nghiêm trọng cả về thể chất lẫn tinh thần. Hệ quả của thoái hóa khớp là mất chức năng vận động của khớp, trong đó thoái hóa khớp khớp gối là nguyên nhân hàng đầu của phẫu thuật thay khớp.
Ước tính tại Mỹ có khoảng 12% người trên 55 tuổi bị mất chức năng vận động do thoái hóa khớp khớp gối và hậu quả tương đương với những thiệt hại gây ra do bệnh lý tim mạch. Bên cạnh những chi phí trực tiếp cho điều trị thì chi phí cho sự mất ngày công lao động do bệnh tiến triển mãn tính, đã khiến thoái hóa khớp trở thành gánh nặng kinh tế ở các nước đã và đang phát triển.
Nguyên nhân gây bệnh thoái hóa khớp
Thoái hóa khớp là một bệnh phức tạp với đặc điểm chính của bệnh là tổn thương sụn khớp dẫn đến tổn thương toàn bộ cấu trúc khớp. Hiện nay, nguyên nhân chính xác của thoái hóa khớp vẫn chưa được xác định một cách rành mạch. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu trong thời gian qua đã phát hiện một số yếu tố nguy cơ có liên quan đến thoái hóa khớp. Những yếu tố này có thể chia thành 2 nhóm chính là các yếu tố có thể can thiệp và các yếu tố không thể can thiệp
Yếu tố nguy cơ không thể can thiệp
Tuổi và giới tính: Có ảnh hưởng quan trọng đến tần suất thoái hóa khớp trong cộng đồng. Cả tần suất và tỷ suất mới mắc của thoái hóa khớp đều tăng 2 đến 10 lần ở độ tuổi 65 so với độ tuổi 30 và tiếp tục tăng nhanh sau đó. Ở những người dưới 50 tuổi, nam bị thoái hóa khớp nhiều hơn nữ, nhưng sau 50 tuổi nữ bị nhiều hơn nam và ảnh hưởng chủ yếu ở các khớp gối, bàn tay.
Tiền căn gia đình và di truyền: Thoái hóa khớp là bệnh có tính di truyền, biểu hiện qua hiện tượng bệnh có tính cách gia đình. Ở bệnh nhân có thoái hóa nhiều khớp hay thoái hóa khớp toàn thân thì không tìm thấy ảnh hưởng của yếu tố di truyền mà chủ yếu liên quan đến yếu tố tuổi.
Yếu tố nguy cơ có thể can thiệp
Béo phì: Là một trong những yếu tố nguy cơ toàn thân có ảnh hưởng quan trọng đến tần suất và diễn biến của bệnh thoái hóa khớp. Các kết quả nghiên cứu dịch tễ đều cho thấy béo phì (BMI > 30kg/m2) có mối liên hệ mật thiết với thoái hóa khớp ở mọi vị trí khớp, ngay cả những khớp nhỏ như bàn tay, và ảnh hưởng này thấy rõ ở nữ hơn là ở nam. Người béo phì có nguy cơ bị thoái hóa khớp cao hơn người không béo phì. Đồng thời béo phì còn làm tăng độ nặng của bệnh, và giảm cân nặng sẽ làm giảm nguy cơ tiến triển của bệnh.
Hormone: Tần suất thoái hóa khớp tăng nhanh sau tuổi mãn kinh. Thiếu estrogen ở nữ có thể là một yếu tố nguy cơ thoái hóa khớp.
Dinh dưỡng: Người có nồng độ vitamin D trong máu thấp có nguy cơ bị thoái hóa khớp tại khớp gối, khớp háng, đồng thời tăng tần suất mới mắc cũng như tiến triển của bệnh. Người có nồng độ vitamin C cao ít có nguy cơ tiến triển của thoái hóa khớp so với người có nồng độ vitamin C thấp.
Nghề nghiệp: Một số nghiên cứu trước đây cho thấy có mối tương quan giữa yếu tố nghề nghiệp, sử dụng khớp quá mức với tần suất thoái hóa khớp. Nông dân có nguy cơ thoái hóa khớp háng cao gấp 2 lần so với tần suất trung bình trong dân số.
Khoảng 30% các trường hợp thoái hóa khớp gối là do hoạt động nghề nghiệp có liên quan đến động tác gập gối, ngồi xổm, leo trèo. Nếu kèm thêm yếu tố khiêng vác nặng (trên 25kg), nguy cơ thoái hóa khớp gối sẽ tăng gấp 5 lần. Ở nam, thoái hóa khớp gối gắn kết với hoạt động leo cầu thang, lắc chân. Ở nữ, thoái hóa khớp gối gắn liền với những hoạt động phải đứng nhiều, còn thoái hóa khớp bàn tay liên quan với hoạt đông lắc bàn tay.
Hoạt động thể lực hàng ngày quá mức là yếu tố nguy cơ của thoái hóa khớp gối, và nguy cơ này tỷ lệ thuận với cường độ, thời gian hoạt động. Nữ trẻ tuổi hoặc trên 50 tuổi, nếu hoạt động thể lực nhiều sẽ tăng nguy cơ thoái hóa khớp gối khi lớn tuổi.
Yếu tố tại chỗ như chấn thương được xác định là yếu tố nguy cơ của thoái hóa khớp gối. Tại khớp gối, chấn thương được ghi nhận rõ nhất là rách dây chằng và hư hại sụn chêm. Nếu chấn thương này xảy ra ở vận động viên sẽ làm tăng nguy cơ thoái hóa khớp ở người trẻ. Bên cạnh yếu tố chấn thương, dị dạng khớp gối cũng góp phần quan trọng làm tăng cả tần suất lẫn tiến triển của bệnh. Ngoài ra, các bệnh lý khớp viêm mãn tính như viêm khớp dạng thấp, gout cũng thúc đẩy nhanh quá trình thoái hoá khớp.
Phòng bệnh thoái hóa khớp
Thoái hóa khớp là một quá trình bệnh khó tránh khỏi ở người lớn tuổi, nhưng không phải ai cũng mắc bệnh ở tuổi già. Điều này cho thấy bệnh không phải là quá trình tất yếu của tuổi già, mà hàm ý rằng phòng bệnh đóng vai trò rất quan trọng vì có thể ngăn ngừa và hạn chế các yếu tố thúc đẩy quá trình thoái hóa, làm quá trình này xảy ra chậm hơn, muộn hơn và nhẹ hơn. Phòng ngừa bệnh thoái hóa khớp có thể tập trung vào việc giảm các yếu tố nguy cơ ở trên:
- Điều chỉnh cân nặng ở trọng lượng lý tưởng, tránh dư cân béo phì.
- Tránh các tư thế xấu trong sinh hoạt và lao động hàng ngày như động tác gập gối, ngồi xổm, leo trèo, đứng nhiều, lắc tay, bảo đảm vệ sinh và an toàn lao động để giảm các lực tỳ đè bất hợp lý lên sụn khớp.
- Cố gắng tập thể dục hàng ngày và giữa các giờ lao động. Khi có tuổi, cần duy trì chế độ tập thể dục đều đặn, vừa sức, tốt nhất là đi xe đạp, đi bộ, bơi lội và tập dưỡng sinh...
- Tránh các động tác quá mạnh, đột ngột, tránh sai tư thế khi mang vác nặng.
- Phát hiện và điều trị sớm các dị tật, các di chứng của chấn thương, các bệnh lý tại khớp và cột sống.
- Bảo đảm chế độ dinh dưỡng đầy đủ, cân đối. Đặc biệt bổ sung canxi, vitamin D và vitamin C vào khẩu phần ăn hàng ngày của người có tuổi.
Điều trị thoái hóa khớp
Cho tới nay vẫn chưa có thuốc hiệu quả nhằm điều trị khỏi hoàn toàn bệnh thoái hóa khớp. Điều trị chủ yếu nhằm mục đích giảm đau, duy trì vận động khớp và làm chậm tiến triển của bệnh. Các phương thức điều trị bao gồm nội khoa (dùng thuốc, không dùng thuốc) và ngoại khoa (phục hồi và thay khớp). Lựa chọn phương pháp điều trị thích hợp cần dựa trên hoàn cảnh cụ thể của từng bệnh nhân, như tuổi, cân nặng, mức độ thoái hóa cũng như các bệnh kèm theo.
Trong đó, điều trị nội khoa không dùng thuốc có những điểm chủ yếu như:
- Biện pháp chung: Tránh cho khớp bị quá tải bởi lực đè quá mức bằng giảm cân, và giảm các vận động chịu tải như mang xách nặng, ngồi xếp bằng, quỳ gối, chạy nhảy, ngồi xuống đứng lên, ngồi xổm. Người bệnh cần điều chỉnh cách sống phù hợp, như lựa chọn nghề ít đi lại, ít chịu tải trọng, tìm các biện pháp cho người bệnh thích nghi với điều kiện làm việc, với sự trợ giúp của tổ chức y tế qua việc giáo dục, phổ biến kiến thức về bệnh thoái hóa khớp.
- Vật lý trị liệu: Bao gồm các biện pháp massage, kích thích cơ, châm cứu, tập vận động khớp và các biện pháp dùng nhiệt lượng như hồng ngoại, sóng ngắn, điện phân, nhiệt... có tác dụng giảm đau, có thể giúp điều chỉnh tư thế xấu, duy trì dinh dưỡng cơ và các mô cạnh khớp, giúp cải thiện chức năng vận động của khớp.
- Dụng cụ chỉnh hình khớp: Mang nẹp khớp giúp giữ vững trục khớp và giảm đau. Trường hợp cần thiết, bệnh nhân có thể đi nạng 1 hoặc 2 bên.
Điều trị nội khoa dùng thuốc chú ý:
- Sử dụng các thuốc giảm đau thông thường như paracetamol hoặc paracetamol kết hợp codein. Đây là sự lựa chọn đầu tiên để sử dụng lâu dài, nếu có hiệu quả.
- Khi không hiệu quả, có thể phối hợp thêm thuốc kháng viêm không steroid (NSAID) toàn thân (uống hoặc tiêm), hoặc bôi tại chỗ. Tuy nhiên sự lạm dụng thuốc này sẽ dẫn đến nhiều tác dụng phụ tai hại như đau dạ dày, xuất huyết tiêu hóa. Vì vậy sử dụng loại thuốc gì, khi nào, bao lâu, liều lượng ra sao... nên cần có chỉ định của thầy thuốc, tùy thuộc vào cơ địa, độ nặng của bệnh, bệnh lý kèm theo và hoàn cảnh kinh tế của người bệnh. Các thuốc này khi dùng dài ngày, thường được khuyến cáo dùng kèm một loại thuốc bảo vệ dạ dày (thuốc ức chế bơm proton hoặc misoprostol).
- Chích vào khớp là một biện pháp điều trị đặc biệt, do bác sĩ chuyên khoa khớp chỉ định, thực hiện và theo dõi tại những cơ sở y tế có đủ điều kiện kỹ thuật. Chích corticosteroid được chỉ định trong trường hợp viêm, tràn dịch khớp nặng, lưu ý phươg pháp này không sử dụng trong những trường hợp khớp bị thoái hóa nặng. Chích hyaluronic acid được chỉ định trong thay thế dịch khớp để bôi trơn và làm giảm đau, điều trị bảo tồn trong lúc chờ đợi thay khớp.
- Thuốc làm chậm tiến triển của bệnh (slow-acting drugs for osteoarthritis hay SADOA) bao gồm hyaluronic acid, D-glucosamine sulphate, chondroitin sulphate, và diacerein. Hiệu quả của các thuốc này chưa rõ ràng, và hướng dẫn điều trị của Hội Thấp khớp Mỹ ACR 2012 đã khuyến cáo không sử dụng hyaluronic acid, D-glucosamine sulphate, chondroitin sulphate trong điều trị thoái khớp.
- Nhóm thuốc chế phẩm sinh học ức chế TNF-α và enzyme kháng viêm interleukin IL-4, IL-10, IL-13, TNF-β có tiềm năng làm chậm được tiến triển của bệnh, nhưng còn đang trong vòng nghiên cứu.
Điều trị ngoại khoa chỉ có chỉ định khi triệu chứng lâm sàng không cải thiện với điều trị nội khoa tích cực. Mục đích để sửa chữa các biến dạng của khớp, làm cứng khớp ở tư thế cơ năng, giải ép hoặc cắt bỏ những gai xương khi gai ở một số vị trí đặc biệt, chèn ép vào các bộ phận xung quanh (thần kinh hoặc tủy sống ...). Thay khớp nhân tạo khi khớp bị hư hại nặng, mất chức năng vận động.