Phát hiện sớm đột quỵ và sơ cứu
Đột quỵ (Tai biến mạch máu não) là gì?
Đột quỵ (Tai biến mạch máu não) được chia làm 2 loại, phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh:
Xuất huyết não:
Xảy ra khi mạch máu bị vỡ, máu thoát khỏi thành mạch chảy vào nhu mô não, khoang dưới nhện, và não thất...
Nhồi máu não hoặc thiếu máu não cục bộ (nhũn não):
Xảy ra khi một nhánh mạch bị tắc nghẽn, tại nhánh đó bị thiếu máu và gây hoại tử.
Trong vòng vài phút, nếu không có các biện pháp tái lập tuần hoàn não để cung cấp oxy và các chất dinh dưỡng thiết yếu khác (qua đường máu) cho các tế bào não, chúng sẽ bắt đầu chết (trung bình 1,9 triệu nơ-ron bị chết/phút) và tiếp diễn liên tục trong vài giờ.
Đột quỵ là trường hợp cần được cấp cứu càng nhanh càng tốt – điều trị càng sớm, càng giảm thiểu tổn thương não. Đối với bệnh nhân đột quỵ não do huyết khối, việc điều trị phải được tiến hành trong vòng 1 giờ đầu tiên.
Phát hiện sớm dấu hiệu đột quỵ
Bất kể ai cũng có thể phát hiện ra tín hiệu cảnh báo đột quỵ não của bệnh nhân chỉ trong vòng 1 vài phút thông qua 1 hay nhiều triệu chứng sau:
- Đột ngột tê bì hoặc yếu nửa người, nửa mặt (cảm giác nặng tay chân, không hoặc khó nâng lên được, có cảm giác như “tay chân của người khác”), méo miệng.
- Đột ngột u ám, lẫn lộn, nói những câu vô nghĩa.
- Đột ngột mất thị lực một bên hoặc cả hai bên mắt.
- Đột ngột đi lại khó khăn, chóng mặt, mất thăng bằng hoặc phối hợp vận động.
- Đột ngột đau đầu dữ dội mà không rõ nguyên nhân.
Đột quỵ có thể được nhận biết sớm bằng Quy Tắc FAST hoặc BEFAST
Ngay lập tức, hãy kiểm tra người nghi ngờ bệnh theo quy tắc FAST, tức Mặt – Tay – Nói – Nhanh sau:
- Mặt (đột ngột thấy liệt nửa mặt): Hãy yêu cầu người đó cười xem mặt có bị lệch về một bên không?
- Tay (đột ngột thấy yếu hoặc liệt một bên tay hoặc chân): Hãy yêu cầu người đó giơ hai tay lên và giữ nguyên trong một phút, xem có bên tay nào bị yếu, liệt sẽ bị rơi hoặc hạ thấp xuống không?
- Nói (đột ngột thấy nói khó hoặc không hiểu lời nói của người khác): Hãu yêu cầu người đó nói một câu đơn giản, chẳng hạn như “hôm nay trời đẹp”, xem người đó có thể nói một cách rõ ràng và lưu loát không?
- Nhanh: Hãy hành động ngay!
Quy tắc FAST.
Quy tắc BEFAST.
Cách sơ cứu ngay cho người đột quỵ
Không nên làm theo cách này
Ngay sau khi phát hiện người bị đột quỵ những người xung quanh thường hay sử dụng các biện pháp được truyền miệng như chích máu 10 đầu ngón tay, lể, cạo gió, đắp thuốc dưới chân…
Tuy nhiên, khi sử dụng những biện pháp này, chính người nhà đang làm mất đi thời gian vàng của bệnh nhân và cướp đi nhiều cơ hội cứu chữa cho bệnh nhân bị đột quỵ.
Đột quỵ có hai dạng chính, một là tắc mạch máu não và dạng thứ hai là vỡ mạch máu não. Cả hai cơ chế đều không liên quan gì đến tay chân. Cách điều trị phù hợp nhất là làm sao thông mạch máu để máu lên kịp thời cứu não, vì vậy châm cứu hay đắp thuốc vào chân hoàn toàn không khoa học.
Chúng ta có thể sơ cứu nhanh nhất cho bệnh nhân, trường hợp nếu bệnh nhân đang ăn uống mà bị sặc chúng ta nên làm sạch đường thở để bệnh nhân thở tốt hơn.
Đối với bệnh nhân bị đột quỵ, thời gian chính là chìa khóa vàng quyết định đến sự sống còn của bệnh nhân. Nếu bệnh nhân bị đột quỵ được cấp cứu trước sáu giờ, khả năng cứu vãn sẽ trên 80%.
Nên làm theo cách này
Cần gọi người trợ giúp và ngay lập tức gọi xe cấp cứu. Trong thời gian chờ hỗ trợ, cần theo dõi chặt chẽ để kịp thời phát hiện các thay đổi bất thường về tình trạng của người bệnh. Nếu có bất cứ dấu hiệu suy giảm ý thức nào, hoặc bệnh nhân có dấu hiệu nôn mửa, cần đặt bệnh nhân sang tư thế nằm nghiêng an toàn.
Tư thế nằm nghiêng an toàn (hay còn gọi là tư thế hồi sức cấp cứu) là tư thế nhằm bảo vệ đường thở của bệnh nhân, cũng lựa chọn tốt nhất trong việc đảm bảo an toàn cho bệnh nhân. Ở người bệnh hôn mê, khi nằm ngửa, lưỡi sẽ bị tụt xuống họng, gây cản trở, bít tắc đường thở.
Nếu bệnh nhân nôn trong khi đang nằm ngửa và ý thức không hoàn toàn tỉnh táo, sẽ dễ dàng hít phải các chất nôn vào phổi, gây tắc đường thở hoặc suy hô hấp, rất nguy hiểm. Do đó cần đặt bệnh nhân nằm nghiêng về một bên để các chất nôn dễ dàng thoát ra ngoài.
Cách đặt bệnh nhân về tư thế nằm nghiêng an toàn
- Nếu bệnh nhân bất tỉnh hoặc lơ mơ nhưng còn thở bình thường:
Nên đặt bệnh nhân ở tư thế nằm nghiêng an toàn hoặc nằm ngửa, nhưng cần theo dõi kỹ. Nếu bệnh nhân nôn mửa, cần chuyển ngay bệnh nhân sang tư thế nằm nghiêng, tránh sặc chất nôn vào đường hô hấp. Lập tức gọi cấp cứu, đưa người bệnh tới bệnh viện.
- Nếu bệnh nhân còn tỉnh:
+ Hỗ trợ bệnh nhân nằm ở một tư thế thoải mái nhất và theo dõi phản ứng của bệnh nhân.
+ Lập tức gọi cấp cứu, đưa người bệnh tới bệnh viện.