Những bệnh dễ nhầm với biểu hiện của đột quỵ não
Cơn co giật
Nếu cơn co giật khởi phát cục bộ ở não, bệnh nhân có thể bị liệt nhẹ, tê bì, rối loạn ngôn ngữ, nhìn mờ, rối loạn ý thức kiểu “hoàng hôn sau động kinh”. Nhìn chung, các triệu chứng này sẽ hết sau 24h và bệnh nhân sẽ trở lại bình thường. Sẽ rất dễ phân biệt nếu bệnh nhân đã có tiền sử bị co giật và các biểu hiện như trên phục hồi nhanh nhưng nếu không, sẽ rất khó phân biệt với trường hợp tai biến mạch não thoáng qua hoặc bệnh nhân bị đột quỵ não thực sự có kèm co giật.
Chứng đau nửa đầu (bệnh migraine)
Migraine là chứng đau nửa đầu do rối loạn vận mạch, thường xảy ra ở phụ nữ trẻ. Phần lớn những cơn migraine điển hình thường chỉ có đau đầu, nôn, buồn nôn và các triệu chứng sẽ hết nhanh khi được điều trị nhưng nhiều trường hợp bệnh nhân đau đầu kiểu migraine có biến chứng cũng có nguy cơ cao bị đột quỵ não. Ở những bệnh nhân này thường kèm liệt nhẹ hoặc tê bì nửa người cùng bên, có rối loạn thị giác hoặc thất ngôn. Trong nhiều trường hợp, đột quỵ não cũng khởi phát bằng những cơn đau đầu hoặc đau nửa đầu dữ dội sau đó mới có các biểu hiện khác như rối loạn ý thức, liệt chi, thất ngôn… nên cần hết sức cảnh giác để có phương án chẩn đoán và xử trí thích hợp.
Máu tụ dưới màng cứng cũng có thể gây yếu, tê bì nửa người như đột quỵ não nhưng các biểu hiện thường không rõ ràng.
Ngất
Ngất là hiện tượng mất ý thức tạm thời (bệnh nhân hoàn toàn mất mối liên hệ với môi trường chung quanh) và sau đó ý thức phục hồi hoàn toàn. Sau khi tỉnh, bệnh nhân không biết gì về những hoạt động chung quanh xảy ra trong cơn ngất. Ngất có thể kèm với mất trương lực cơ (liệt cơ) tạm thời và đột ngột. Đôi khi nguyên nhân ngất là do tim mạch như tụt huyết áp, rối loạn nhịp tim hoặc không do nguyên nhân tim mạch như một số tình huống như những stress tâm lý quá mạnh, kích thích vào đám rối dương (vùng thượng vị) khi bị chấn thương, ngất ở bệnh nhân thiếu máu nặng, một số các rối loạn về điện giải (như kali, canxi máu), các thuốc điều trị bệnh tim mạch, phụ nữ có thai…
Liệt dây thần kinh số VII làm mất khả năng nhắm mắt và méo miệng có triệu chứng giống như đột quỵ liên quan đến tổn thương cầu não.
Đột quỵ não hiếm khi biểu hiện bằng ngất trừ trường hợp đột quỵ não do thiểu năng hệ động mạch sống nền nhưng luôn kèm với các biểu hiện khác của tổn thương thân não hoặc tiểu não.
Hạ đường huyết
Khi đường máu xuống thấp dưới 3,5mmol/l, các triệu chứng xảy ra rất giống với đột quỵ não như co giật, hôn mê. Vì vậy, trước bất cứ một trường hợp nào có rối loạn ý thức, hôn mê ở các mức độ khác nhau, cần phải làm xét nghiệm đường máu để kiểm tra, sau đó điều trị bằng truyền đường nếu trị số đường máu thấp dưới mức bình thường.
Bệnh não chuyển hóa
Bệnh nhân bị rối loạn ý thức ở các mức độ khác nhau nhưng không kèm các triệu chứng thần kinh khu trú khác nổi bật. Nguyên nhân thường gặp là hôn mê do suy gan, hôn mê toan ceton, hôn mê do tăng áp lực thẩm thấu máu… Loại hôn mê này rất thường gặp trên thực tế và rất cần phải phân biệt với đột quỵ não.
Viêm não do Herpes simplex
Do virut gây tổn thương thùy thái dương nên hay có biểu hiện thất ngôn, rối loạn ý thức, đau đầu, mất thị trường mắt hoặc liệt nửa người, khởi phát nhanh và tương đối giống đột quỵ não ở giai đoạn sớm của bệnh.
Liệt dây thần kinh số VII ngoại biên
Có triệu chứng liệt trán và mất khả năng nhắm mắt cùng bên dây VII tổn thương. Triệu chứng này giống như do đột quỵ có liên quan đến tổn thương cầu não nên cần phải khám kỹ để phát hiện các triệu chứng khác của đột quỵ như liệt dây thần kinh VI cùng bên…
Máu tụ dưới màng cứng
Máu tụ dưới màng cứng cũng có thể gây yếu, tê bì nửa người như đột quỵ não nhưng các biểu hiện thường không rõ ràng. Máu tụ dưới màng cứng mạn tính thường xảy ra ở người già, người nghiện rượu, người có rối loạn đông máu hoặc những bệnh nhân sa sút trí tuệ.
Một số các trường hợp khác
Một số trường hợp khác cũng cần phân biệt với một đột quỵ não thực sự như u não; bệnh lý liệt thần kinh ngoại vi; dị cảm; ngộ độc các thuốc an thần gây ngủ hoặc các loại thuốc, hóa chất gây co giật, ngộ độc methanol…; bệnh lý tâm thần…