Những lưu ý khi tập yoga để mang lại hiệu quả cao
Chỉ những người kiên trì tập luyện yoga mới đạt hiệu quả. (Ảnh minh họa)
1. Kiên trì mới gặt thành quả
Theo thầy Dương Bảo Ngọc, Câu lạc bộ Yoga Hà Nội, Trung tâm UNESCO Phát triển Nhân văn: Yoga là phương pháp tĩnh và sự “diệu huyền” của yoga thực sự chỉ đến với những người kiên trì, bền bỉ, “chống chỉ định” với những người lười biếng hoặc chạy theo xu hướng nhất thời.
Do đó khi tìm đến bộ môn này, bạn nên xác định rõ không có sự thi đua nào ở đây mà chỉ là cá nhân mình trên hành trình tự khám phá mình và sẽ phải đi một chặng đường dài. Yếu tố tiên quyết để đạt được những lợi ích sức khỏe, sắc đẹp từ yoga là phải kiên trì để luyện tập, đạt được những mục tiêu đã đề ra.
2. Hãy chú ý tới hơi thở
Rất nhiều người tập yoga theo hướng dẫn nên chỉ chú trọng tới động tác mà không biết rằng hơi thở là vô cùng quan trọng. Thở không đúng hay không chú ý tới hơi thở sẽ giảm hiệu quả, sinh ra rối loạn nhịp thở, gây ra hồi hộp và cảm nhận khó chịu.
3. Đặt lịch cố định
Mỗi người nên tập đều theo một giờ nhất định và trong một môi trường nhất định. Các bài tập yoga sẽ giảm tác dụng đáng kể nếu bạn tập với nhát gừng, hôm nay tập, ngày kia mới quay lại tập tiếp.
Thời gian lý tưởng tập là 2 lần/ngày, mỗi lần 1-1,5h, tốt nhất là vào buổi sáng trước khi mặt trời mọc, buổi chiều tối trước khi mặt trời lặn, hoặc sau khi ăn 2-3 giờ. Tránh tập khi vừa ăn no xong.
4. Lưu ý sàn tập
Không gian tập nên chọn nơi rộng rãi và đặc biệt yên tĩnh. Phòng tập không nên có gió lùa. Cần đảm bảo nhiệt độ trong phòng ở mức dễ chịu. Ánh sáng nhẹ và âm nhạc thư giãn sẽ tạo cho bạn một không gian lý tưởng.
Vị trí tập phải bằng phẳng, không thụt lún (giường, đệm), không nghiêng dốc vì sẽ ảnh hưởng tới động tác và lúc thiền nên có thể làm chấn thương. Điểm tập phải đủ rộng để xoạc chân, đủ cao để chồng chuối, giơ tay lên cao.
5. Vệ sinh trước khi tập
Trước khi tập nên vệ sinh thân thể, tắm sạch sẽ là tốt nhất nếu không có thời gian có thể tắm sơ qua. Việc này giúp toàn bộ cơ thể lưu thông, tuần hoàn khí huyết. Ngoài ra, hành động này còn mang ý nghĩa tinh thần, tôn giáo, tâm linh.
Sau khi tập thì không nên tắm ngay mà nên đợi 30 phút.
6. Trang phục và phụ kiện
Khi bước vào phòng yoga, bạn hãy bỏ giày dép, tất bên ngoài để chân trần. Không nhất thiết phải mua sắm quần áo tập yoga chuyên nghiệp nhưng phải chọn được bộ thun mềm, thấm hút mồ hôi tốt, đủ rộng để bạn cảm thấy dễ chịu.
Khi đi tập, bạn luôn có tấm thảm lót để có thể thực hiện các động tác soải chân Và cái chăm mỏng để bảo vệ lưng, cổ và đầu gối. Các phụ kiện giúp bạn tránh cảm lạnh và tổn hao năng lượng.
7. Ngăn chặn sự quấy rối
Yoga đòi hỏi sự tập trung cao độ. Vì thế, tuyệt đối không mở tivi, mở điện thoại di động trong lúc tập để hạn chế tối đa những tác động của ngoại cảnh. Nếu thấy cần thiết, hãy đóng cửa chính lại để tránh đang tập nửa chừng cứ bị ngắt quãng bởi sự “quấy rầy” của những người khác trong nhà.
8. Yoga không cần quá sức
Đừng tập quá sức bởi điều đó không giúp bạn thành công hơn, thậm chí còn phản tác dụng. Đừng vì thấy người khác đã hoàn thành được động tác mà mình không làm được thì thật xấu hổ.
Trong cả quá trình rèn luyện asana, bạn cần lắng nghe bản thân mình, tức là cảm nhận xem bản thân có thể tập luyện được tư thế này hay không, cơ thể có đau nhức hay gây phản ứng gì hay không để kịp thời điều chỉnh.
9. Yoga cần sự kỹ lưỡng
Yoga có nhiều động tác, bạn không nhất thiết phải “đạt thành tích tập được nhiều động tác” mà hãy đề cao chất lượng cho từng động tác. Bạn nên bắt đầu một cách thật chu đáo từ những động tác nhỏ nhất.
Động tác đơn giản nhưng thực hiện chuẩn xác sẽ có tác dụng cao hơn hẳn động tác phức tạp mà không đúng kỹ thuật. Bạn phải thực hiện từ từ, tiệm tiến chứ không được vội vã.
10. Kết hợp với dinh dưỡng
Chế độ ăn uống rất quan trọng với người tập yoga. Theo ông Đặng Hùng, ưu tiên trong khẩu phần ăn đối với người tập yoga đó là những thức ăn tinh khiết hay còn gọi là “sattvic”, hầu hết đó đều là những thực phẩm tự nhiên, tươi sạch như hoa quả, ngủ cốc, rau củ.
Ngoài việc tạo sự bổ trợ cho cơ thể, tạo sự dẻo dai, trong sạch, hỗ trợ cho việc tập yoga, với chế độ ăn uống như trên, người tập yoga sẽ tránh được các bệnh tiểu đường và béo phì. Người tập cũng không nên ăn quá no, chỉ ăn 1/2 sức chứa của dạ dày, phần còn lại để chứa nước và không khí. Đặc biệt lưu ý uống nhiều nước (2-2,5 lít/ngày).
Một số người lan truyền thông tin rằng tập yoga thì nên nhịn ăn. Điều này là không đúng, không chính thống. Nhịn ăn có thể khiến người tập kiệt sức.