Người lớn cũng có thể bị suy dinh dưỡng
Ở nước ta, nhiều người già thuộc thế hệ trước, sinh ra và lớn lên trong điều kiện nhiều thiếu thốn về mặt vật chất. Khi về già, thường có tính tiết kiệm, không chú ý đến ăn uống đầy đủ và hợp lý. Họ thấy cơ thể mình vẫn khoẻ mạnh, không có bệnh tật gì, nhưng người cứ dần gầy đi, cơ thể dường như khô kiệt, mất sức sống… họ không biết là họ đang bị suy dinh dưỡng.
Người được coi như suy dinh dưỡng khi bị sụt ngoài ý muốn từ 5 đến 10% sức nặng cơ thể trong vòng sáu tháng tới một năm. Theo thống kê, có tới 1/3 những người trên 65 tuổi bị suy dinh dưỡng, nhất là về chất đạm.
Suy dinh dưỡng là tình trạng gây ra do sự mất cân bằng giữa thực phẩm tiêu thụ và nhu cầu năng lượng của cơ thể. Suy dinh dưỡng có ảnh hưởng quan trọng tới sức khỏe, bệnh tật và là nguy cơ gây tử vong của người cao tuổi.
Người bị suy dinh dưỡng thường đờ đẫn, lơ là với mọi người, hay gắt gỏng, khó tính, da khô, xanh lợt, dễ bầm, vết thương lâu lành, tóc khô ròn, móng tay khô-nứt, ăn không ngon miệng, nhai nuốt khó khăn, hay buồn nôn… Cơ thể mỗi ngày một gầy đi, sức khỏe suy giảm nhanh chóng.
Suy dinh dưỡng làm thương tổn thể xác và tâm thần, dễ dàng mắc các chứng bệnh truyền nhiễm. Tăng rối loạn với các bệnh chuyển hóa. Giảm khả năng hoạt động, tăng nguy cơ tử vong.
Những nguy cơ từ suy dinh dưởng ở người lớn
Người ăn không đủ chất dinh dưỡng hoặc không đúng cách, không biết cất giữ, nấu nướng thức ăn. Người bị mắc các bệnh kinh niên như ung thư, bệnh phổi, bệnh tim… đều có thể dẫn tới suy dinh dưỡng.
Thiếu thốn vật chất, không được cung cấp đủ thực phẩm. Nhiều người mắc các bệnh như: đau xương khớp, bệnh phổi, bệnh tim, bệnh ung thư, sa sút trí tuệ làm mất kí, bệnh răng miệng…làm ăn mất ngon, mệt mỏi, cơ thịt tiêu hao. Đó là do năng lượng mất đi và tăng chỉ số biến hóa, làm cho cơ thể đến suy yếu.
Điều trị và phòng ngừa
Vấn đề ưu tiên là phát hiện và điều trị các nguyên nhân đưa tới suy sinh dưỡng như đã kể ở trên.
Khi phát hiện ra bệnh, bạn cần được bác sĩ theo dõi, thậm chí nên tham vấn chuyên viên dinh dưỡng.
Nên ăn đúng, đủ và ăn vui. Tránh thực phẩm gây ra nhiều hơi như cà, đậu, nước ngọt có ga, cà phê. Đồng thời, giữ gìn vệ sinh răng miệng.
Năng vận động cơ thể để kích thích khẩu vị. Khuyến khích dùng thêm thực phẩm phụ cũng như sinh tố, khoáng chất.