Logo Bài Thuốc Quý

Tại sao mẹ bầu tăng cân nhiều mà thai nhi vẫn suy dinh dưỡng?

01/01/2020 · Sức khỏe
Có tới 10% bà bầu thừa cân phải cấp cứu do nhiễm độc thai nghén. Đặc biệt có khá nhiều bà bầu trong quá trình mang thai tăng 15-25 kg nhưng thai vẫn bị suy dinh dưỡng.

Mẹ tăng con cũng tăng cân?

Lần sinh đầu tiên, chị Nguyễn Thu Thuỷ (Cầu Giấy, Hà Nội) chỉ tăng có 10 kg nên sinh con nhỏ (2,7kg) và nuôi khá vất vả. Vì vậy, lần mang thai này, cả hai vợ chồng chị xác định cố gắng bồi bổ hết mức để con khỏe mạnh.

Hết giai đoạn nghén chị ra sức tẩm bổ và luôn tự hào về thành tích mỗi tuần lên 1kg của mình. Khi em bé được 25 tuần chị đã tăng được 12kg, nhưng bác sĩ vẫn nói là thai nhỏ. Và gần đến lúc sinh chị tăng được 25kg, nhưng khi sinh con chỉ được 2,3kg và phải nằm lồng kính.

Cùng cảnh ngộ với chị Thủy, con của chị Nguyễn Thị Luyến (Q. Bình Thạnh, Tp.HCM) chỉ nặng 2,5 kg nên nuôi rất vất vả. Rút kinh nghiệm, đến lần mang thai thứ hai, ai mách ăn gì tốt cho thai nhi, chị cũng cố gắng tìm mua về để tẩm bổ.

Nhìn bé Bống đang ngủ, chị Luyến kể: “Đến tháng thứ 6, tôi tăng đến 12kg, cả nhà ai cũng mừng vì tin chắc cháu sẽ mập mạp, khỏe mạnh. Thế nhưng, sau cơn đau bụng phải nhập viện, các bác sĩ kết luận lượng đường huyết tôi quá cao và nhiều nguy cơ sinh non. Y như rằng, Bống ra đời nặng tới gần 5kg, nhưng lại bị hạ đường huyết, phải điều trị”.

Mẹ bầu tăng cân nhưng con bị suy dinh dưỡng

Ảnh minh họa

Nguy cơ bị nhiễm độc thai

Việc bà bầu tăng cân nhanh nhưng thai vẫn bị suy dinh dưỡng có thể do các nguyên nhân khác như thai nhi bị rau cuốn cổ, hoặc do tử cung người mẹ nhỏ không đủ không gian cho thai nhi phát triển. Đặc biệt, hiện nay có tình trạng, không ít bà bầu đã bổ sung quá nhiều calci dẫn đến không những tăng thêm nguy cơ bị sỏi thận và tắc sữa, mà còn khiến cho nhau thai bị calci hoá quá sớm và không thực hiện tốt chức năng nuôi dưỡng thai.

Thời kỳ đầu là giai đoạn các bộ phận trong cơ thể của thai nhi phát triển nhanh nhất, nếu các chị em bổ sung vitamin quá nhiều, có thể bị sẩy thai. Vì vậy, các chuyên gia y tế khuyên khi mang thai ở thời kỳ giữa nên bắt đầu bổ sung vitamin, nhưng tốt nhất là qua ăn uống, nếu phải bổ sung vitamin tổng hợp, cần phải theo sự hướng dẫn của bác sĩ.

Thống kê cho thấy, đái tháo đường xảy ra trên khoảng 5-10% thai phụ, phần lớn xuất hiện sau tuần thứ 20 của thai kì. Tương tự, cao huyết áp thai kỳ là một hội chứng bao gồm cao huyết áp, đạm niệu và phù nề, xảy ra trên khoảng 7- 8% thai phụ và thường ở ba tháng cuối thai kỳ. Tình trạng này làm giảm lượng máu đến tử cung dẫn đến thai kém nuôi dưỡng.

Ở Việt Nam, phụ nữ mang thai bình thường có cân nặng tối đa 59kg, tỷ lệ sẩy thai là 2,1%, tỷ lệ chết lưu là 1,2%, nhưng nếu quá béo 65,8kg, sẽ nâng tỷ lệ này lên là 8,7% và 5,3%.

Cân nặng bao nhiêu là hợp lý?

Tình trạng bà bầu tăng cân quá mức (15-25kg), sinh con suy dinh dưỡng (dưới 2,5kg) hiện nay khá phổ biến. Nhiều người quan niệm ăn càng nhiều càng bổ, thai nhi sẽ phát triển tốt nhưng thực ra đây là nguyên nhân của hàng loạt các nguy cơ: sinh non, tiểu đường, sinh mổ, thậm chí thai chết lưu.

Thông thường trong thời kỳ mang thai người mẹ chỉ nên tăng khoảng 9-12kg nhưng nếu tăng cân trên 15kg thai phụ cần phải lưu ý và thường xuyên đi khám thai. Với những thai phụ tăng cân quá nhanh nhưng lại bị cao huyết áp, có triệu chứng phù, protein niệu… sẽ là những yếu tố đe dọa tới sự phát triển của thai nhi, nặng nề hơn có thể làm thai chết lưu.

Ngay cả với những bà bầu không có những bệnh lý về tim mạch, huyết áp, thận… nhưng nếu từ tháng thứ 6 trở đi tăng khoảng 10kg cũng phải thận trọng bởi có thể gây ra bệnh cao huyết áp, tiểu đường và dễ sinh non. Đây cũng là một trong những nguyên nhân gây suy dinh dưỡng bào thai.

Mẹ béo phì sinh con quá to hoặc nhỏ đều nguy hiểm. Trẻ sinh quá nặng ngoài nguy cơ mắc các bệnh về rối loạn chuyển hóa còn dễ bị nhiễm trùng, hạ thân nhiệt và đường huyết, hôn mê, sức đề kháng kém… Trong trường hợp ngược lại, sẽ có nhiều nguy cơ suy thai cấp và ngạt, tỷ lệ tử vong tăng gấp 5-20 lần so với bình thường.

Ở giai đoạn đầu, trẻ thường có rối loạn chuyển hóa như hạ đường huyết, hạ calci huyết, nhất là trường hợp suy thai lúc sinh. Đặc biệt, những em bé này còn dễ gặp các rối loạn huyết học như đa hồng cầu, giảm bạch cầu, giảm tiểu cầu và đôi khi rối loạn đông máu, có tiên lượng xấu về thần kinh.

Cách ăn hợp lý để tăng từ 10-12kg

– Ăn đa dạng thực phẩm và ăn nhiều bữa để đạt nhu cầu dinh dưỡng.

– Để đạt nhu cầu năng lượng, mỗi bữa nên ăn thêm 1 bát cơm cùng với thức ăn so với khi chưa mang thai.

– Thức ăn giàu đạm như thịt, cá, tôm, cua, trứng, sữa, các loại đậu: khoảng 150 – 170g thịt cá hoặc 4-5 bìa đậu/ngày và nếu có đìêu kiện mỗi ngày uống 2 ly sữa. Chất béo nên sử dụng dầu thực vật và chỉ ăn vừa phải. Chất ngọt ăn vừa phải.

– Nên ăn nhiều rau và trái cây tươi khoảng 3-5 bát rau chín và 2-4 phần trái cây/ngày.

– Sử dụng muối iốt trong ăn uống và chế biến thực phẩm.

– Uống nhiều nước, tối thiểu 2 lít/ngày. Hạn chế tối đa thức uống có cồn: rượu, bia.

Theo Trần Quỳnh/Suckhoegiadinh.com.vn
BÀI VIẾT LIÊN QUAN