Logo Bài Thuốc Quý

Bài thuốc cho trẻ suy dinh dưỡng

01/01/2020 · Sức khỏe
Trẻ gầy yếu, kém ăn, da vàng, bụng ỏng là dấu hiệu của bệnh suy dinh dưỡng, hãy dùng các bài thuốc cho sẻ suy dinh dưỡng để điều trị cho trẻ.

Trên lâm sàng, trẻ suy dinh dưỡng có biểu hiện thường hâm hấp sốt, ra mồ hôi trộm, thúng thắng ho, mặt xanh, da vàng, kém ăn, ít ngủ, bứt rứt, bồn chồn hay quấy khóc, đại tiện táo như phân dê hoặc đi lỏng, sống phân. Lâu ngày không chữa thì tĩnh mạch bụng, chân tay, trán nổi lên màu xanh, vùng quanh rốn cứng, sắc mặt xanh nhợt, hốc hác, toàn thân gầy còm, bụng ỏng, đít beo, da khô sáp, mắt đỏ, nhiều ghèn, gỉ.

Cây sử quân tử, bài thuốc điều trị suy dinh dưỡng cho trẻ

Cây Sử Quân Tử

Để chữa trị có thể dùng một số bài thuốc sau:

Bài 1: Trẻ gầy yếu, kém ăn, da vàng, bụng ỏng, đi ỉa lỏng, dùng nhục đậu khấu 60g, sử quân tử 120g, hồ hoàng liên 120g, thần khúc 120g, mạch nha 60g, binh lang 60g, mộc hương 24g. Tán nhỏ hoàn với mật luyện thành viên 4g. Cho trẻ uống 1-2 viên, ngày 2 lần; trẻ nhỏ hơn 3 tuổi, giảm bớt liều bằng một nửa.

Bài 2: Nếu trẻ đi tiểu ít, sắc vàng, bụng nổi gân xanh, trướng đầy, thực chứng, cần phải tiêu cam tích, điều hòa tỳ vị, dùng tam lăng (nướng), thịt cóc (đùi) nướng khô, trần bì, hồ hoàng liên, phật thủ, lai bạc tử (sao), nga truật (nướng), thanh bì (sao), mộc hương, ngũ cốc trùng (sao giấm), tiêu sơn tra đồng lượng làm thành thuốc bột. Cho trẻ uống mỗi lần 6-9g, ngày 2 lần. Trẻ nhỏ hơn 3 tuổi, giảm liều bằng một nửa.

Bài 3: Trẻ bụng to, đầy bụng, đại tiện khô hay nhão hoặc ỉa chảy do ăn uống, phải thanh nhiệt, khơi thông tích trệ, ôn trung, hoá trệ, tiêu cam, lý tỳ, dùng tiêu sơn tra 120g, tiêu binh lang 30g, đại hoàng 90g, bào khương 20g. Tán thành bột. Cho trẻ uống 1-2g ngày 2 lần; trẻ dưới 3 tuổi, giảm một nửa liều.

Bài 4: Nếu trẻ đau bụng, phiền táo đi tiểu bí bách phải trừ trướng bụng, sát khuẩn, khai vị, dùng phục linh 30g, hồ hoàng liên 16g, quất bì 18g, đào nhân 10g, sử quân tử 60g, đại hoàng 18g, thần khúc 30g, kê nội kim (sao) 6g, nga truật 15g, tam lăng 15g, lô hội 24g, mộc hương 10g, tán thành bột hoàn viên với mật luyện mỗi hoàn 0,6g. Dưới 1 tuổi uống 1 viên; 1-3 tuổi uống 1,5 viên; từ 3-5 tuổi uống 2 viên, hai lần trong ngày.


Bài 5: Trường hợp trẻ gầy còm, trướng bụng, kém ăn, đại tiểu tiện không thông lợi, thuộc chứng cam tích, cần tăng cường sự vận hóa của tỳ, vị. Bài thuốc: dùng bạch truật, trần bì, thần khúc, mạch nha, sa tiền tử, ý dĩ nhân, hoài sơn, phục linh, trạch tả lượng bằng nhau, sao vàng, tán thành bột. Trẻ trên 3 tuổi uống ngày 2 lần, mỗi lần 3-6g với nước chín; trẻ dưới 3 tuổi, liều lượng giảm đi một nửa.

Bài 6: Trẻ bị cam tích lâu ngày, thể trạng suy kém cần vừa tiêu, vừa bổ, dùng phòng đảng sâm (sao gạo), bạch truật (sao hoàng thổ), phục linh, trần bì, tam lăng (nướng), cam thảo, thanh bì (sao), thần khúc, nga truật (nướng). Lượng bằng nhau làm thành thuốc bột, uống mỗi lần 10g, ngày 2 lần.

Bài 7: Nếu toàn thân suy nhược, gầy còm, mỏi mệt, bụng trướng, lông tóc phờ phạc, biếng ăn, ỉa chảy, mùi phân hôi, hay nghiến răng, cắn móng tay hay có những động tác dị thường, dùng nhân sâm 8g, bạch truật 16g, phục linh 8g, sử quân tử 12g, sơn tra 10g, trích thảo 6g, lô hội 8g, hoàng liên 16g, xuyên liên 6g, thần khúc 10g, mạch nha 10g, tán thành bột. 1 tuổi uống mỗi lần 2g; 1-3 tuổi mỗi lần 3-4g, ngày 2 lần trước khi ăn, pha thêm chút đường cho dễ uống, dùng liên tục 3- 4 tuần.

Bài 8: Trường hợp trẻ gầy còm, đau quanh rốn, chán ăn, đại tiện nhão, nổi gân xanh, dùng đảng sâm 60g, kê nội kim (sao) 90g, nga truật 30g, sử quân tử 60g, bạch sửu 30g, hậu phác 30g, tân lang 60g, đại hoàng 90g, linh chi 60g, thần khúc 30g, tam lăng 60g, thanh bì 30g, hắc sửu 30g, chỉ xác 60g, thương truật 60g, mạch nha (sao) 90g, thảo quả 60g, tán thành bột. Trẻ em dưới 1 tuổi uống 0,5g mỗi lần; dưới 3 tuổi uống 1g; dưới 5 tuổi uống 1,5g mỗi lần, ngày 2 lần.