Cách cho trẻ ăn không bị sặc
Trường hợp thứ nhất đến cấp cứu tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP HCM) là bé trai 9 tháng tuổi nhà ở Củ Chi. Bệnh nhi nhập viện trong tình trạng tím tái toàn thân, có dấu hiệu ngưng thở. Người nhà cho biết khi đang được người lớn bón cho ăn thì bé khóc và ho sặc dữ dội. Bé sau đó lịm người rồi thiếp dần. Bệnh nhi may mắn thoát chết sau gần một tuần điều trị.
Mới đây, các bác sĩ Bệnh viện Nhi Đồng 2 cũng đã hỏa tốc cấp cứu cho một bé trai 6 tháng tuổi, nhà ở quận 9 được gia đình đưa đến cấp cứu trong tình trạng tím tái, ngưng tim, ngưng thở. Theo chia sẻ của người nhà, bé xảy ra tình trạng như trên khi đang được người lớn cho ăn dặm bằng cháo loãng. Tuy nhiên mọi cố gắng đều không mang lại kết quả vì bé đã bị ngạt quá lâu. Các bác sĩ kết luận nguyên nhân tử vong do cháo tràn vào đường thở, gây suy hô hấp rồi tử vong.
Ăn đúng cách giúp các bé giảm nguy cơ nghẹn sặc. Ảnh: Internet
Theo các bác sĩ Bệnh viện Nhi Đồng 1, sặc cháo là một trong những tai nạn thường thấy với trẻ nhỏ và gặp nhiều nhất ở độ tuổi các bé bắt đầu ăn dặm cho đến 2 tuổi. Nguyên nhân khiến các bé ở độ tuổi này dễ ho sặc là do trẻ chưa quen với việc ăn nên có phản ứng theo kiểu không hợp tác. Bên cạnh đó, hầu hết các trường hợp sặc cháo nhập viện đều do phụ huynh cho bé ăn chưa đúng cách.
Thức ăn phù hợp là một trong những điều cần quan tâm để hạn chế tình trạng sặc. Theo các bác sĩ, do trẻ đang quen với sữa loãng nên phụ huynh cần tuân thủ nguyên tắc theo “lộ trình” từ loãng đến đặc dần, từ ít đến nhiều và từ mịn đến thô.
Tùy theo từng độ tuổi mà chọn thức ăn phù hợp, tránh tình trạng vì thấy trẻ ăn khỏe mà chuyển quá nhanh từ thức ăn sệt sang cơm nát hoặc chuyển hẳn sang cơm. Thực tế cho thấy, một số trường hợp trẻ bị sặc là do sự thay đổi đột ngột độ đặc – lỏng hoặc nhuyễn – thô của thức ăn.
Vật chứa thức ăn và muỗng đút cho trẻ cũng là những điều cần lưu ý. Theo các chuyên gia dinh dưỡng Bệnh viện Nhi Đồng 2, phụ huynh cần chọn vật dụng tùy vào độ tuổi của trẻ và loại thức ăn.
Với các bé mới tập ăn (khoảng 6 tháng tuổi) nên chọn muỗng nhựa mềm có kích thước nhỏ, phần chứa thức ăn nông và trẹt. Loại muỗng này không chứa nhiều thức ăn, nhằm giúp trẻ làm quen với việc mút và liếm thức ăn. Loại muỗng cán dài và phần chứa thức ăn lớn chỉ dành cho những trẻ đã bắt đầu biết ăn thành thạo.
Bình tập ăn là vật dụng thường được phụ huynh lựa chọn vì sự tiện dụng, tuy nhiên nếu không cẩn trọng sẽ rất khó kiểm soát được lượng bột chảy vào muỗng. Đây cũng là nguyên nhân khiến trẻ dễ bị sặc.
Tư thế của trẻ khi ăn cũng là vấn đề được các chuyên gia dinh dưỡng nhi khoa lưu ý. Theo các bác sĩ, điều tối kỵ là đút cho bé ăn khi bé đang nằm. Tư thế này rất dễ khiến bé bị sặc và ngạt đường tiêu hóa.
Với các bé chưa thể ngồi vững khi bắt đầu ăn dặm, phụ huynh không nên vừa bế bé vừa đút cho trẻ ăn vì rất khó kiểm soát. Cách tốt nhất là cho bé ngồi tựa trên ghế tập ăn vững vàng.
Cách đút trẻ ăn là một trong những công đoạn quan trọng nhất nhằm tránh tai nạn ho sặc. Một trong những điều cần tránh là không đút khi trẻ đang quấy khóc, hoặc trẻ đang vui cười, hoặc ngọ nguậy không yên vì đây là thời điểm bé rất dễ bị sặc.
Thúc ép trẻ ăn liên tục khi trẻ chưa kịp nuốt, hoặc bố mẹ cứ tống hất thìa thức ăn vào miệng trẻ khiến bé bị ngạt không thở kịp luôn dễ dẫn đến tình trạng sặc. Phụ huynh cần cho trẻ thời gian nhai nuốt hẳn thức ăn trong miệng. Phải chờ trẻ kịp thở trước khi đút muỗng kế tiếp.
Quát mắng dọa nạt hoặc bóp mũi, ép bé há miệng để đút thức ăn là những điều tối kỵ khi cho trẻ ăn vì dễ khiến cho trẻ mất tập trung và vội vàng trong khi nuốt, dẫn đến mắc nghẹn thức ăn hoặc ho sặc.
Khẳng định ăn dặm chủ yếu là để bé làm quen với những kỹ năng ăn uống mới, các bác sĩ khuyên phụ huynh không nên thúc ép kiểu “phải ăn cho hết thức ăn”, mà phải quan tâm nhiều đến tính an toàn. Chính vì thế, cần kiên nhẫn, thận trọng và bình tĩnh khi cho bé ăn.
Trong tình huống xấu, nếu trẻ chẳng may ho sặc rồi khó thở, tím tái, có thể sơ cứu nhanh bằng cách đặt bé nằm sấp trên lòng bàn tay hoặc trên đùi, dùng tay còn lại vỗ mạnh vào lưng ở vị trí giữa hai xương bả vai để tống lượng thức ăn ngạt ra khỏi đường thở. Nếu không thành thạo thao tác, ngay sau khi bé gặp nạn, phải tức tốc đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất.