Logo Bài Thuốc Quý

Bài thuốc chữa chứng thấp nhiệt ở người cao tuổi

01/01/2020 · SỨC KHỎE
Chứng thấp nhiệt ở người cao tuổi thường phát sinh về mùa hạ vì mùa này lượng mưa khá nhiều, thấp khí thịnh, người cao tuổi tỳ vị yếu nên dễ nhiễm bệnh. Dưới đây là các bài thuốc chữa thấp nhiệt ở người cao tuổi

Chứng thấp nhiệt ở người cao tuổi thường phát sinh về mùa hạ vì mùa này lượng mưa khá nhiều, thấp khí thịnh, người cao tuổi tỳ vị yếu nên dễ nhiễm bệnh. Bài viết dưới đây nhằm giới thiệu bài thuốc điều trị một số bệnh do chứng thấp nhiệt gây ra để bạn đọc tham khảo.

Chứng thấp chẩn ở bì phu (nổi mẩn ngứa):

Do thấp nhiệt nung nấu ở trong, bên ngoài bị cảm nhiễm phong tà. Phong thấp nhiệt tà kết tụ lại ở bì phu mà sinh bệnh.

Sinh địa, thuốc chữa thấp nhiệt
Sinh địa

Triệu chứng:

Bệnh nhân bì phu đỏ, sưng nổi mẩn từng đám, có khi bị loét, đại tiện táo bón hoặc đi lỏng, tiểu tiện sẻn đỏ, chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng, mạch hoạt sác.

Dương quy, vị thuốc chữa thấp nhiệt

Dương quy

Bài thuốc:

Long đởm thảo 12g, sinh địa 12g, mộc thông 8g, đương qui 8g, trạch tả 8g, sài hồ 4g, xa tiền tử 12g. Sắc uống ngày một thang chia 3 lần, uống lúc đói.

Chứng hoàng đản:

Do tà khí bên ngoài xâm nhập cơ thể, không thoát ra được uất lại, hoặc do ăn uống không sạch, hoặc uống nhiều rượu bia làm tổn thương tỳ vị, thấp với nhiệt cấu kết hun đốt can đởm làm đởm chấp (dịch mật) tràn ra ngoài bì phu mà sinh bệnh.

Triệu chứng:

Bệnh nhân toàn thân và mắt có màu vàng tươi, sốt cao, khát nước, trong người bứt rứt, rêu lưỡi vàng nhớt, mạch huyền sác, hoặc nhu sác.

Bài thuốc:

Nhân trần hao thang và bài Nhân trần ngũ linh tán gia giảm: nhân trần 36 gam, đại hoàng 12g, chi tử 12g, bạch truật 12g, phục linh 12g, quế chi 6g, trạch tả 16g, trư linh 8g. Sắc uống ngày một thang chia 3 lần uống trước khi ăn.

Chứng cổ trướng:

Do ăn nhiều thức ăn cay nóng, xào nướng lâu ngày tích lại nung nấu thành thấp nhiệt, hoặc do mắc chứng hoàng đản tích tụ kéo dài không khỏi làm thấp nhiệt cấu kết tích tụ mà sinh bệnh.

Triệu chứng:

Bụng trướng to, rắn đầy mà đau, phiền nhiệt, đắng miệng, khát không muốn uống nước, tiểu tiện đỏ, đại tiện táo bón, da vàng mắt vàng...

Bài thuốc:

Trung mãn phân tiêu hoàn:

Hậu phác 20g, hoàng liên 8g, trư linh 8g, khương hoàng 6g, hoàng cầm 16g, bán hạ (chế) 16g, trạch tả 12g, nhân sâm 4g, chỉ thực 16g, quất bì 12g, sa nhân 8g, bạch truật 8g, tri mẫu 16g, phục linh 8g, can khương 8g, cam thảo 4g. Sắc uống ngày một thang chia 3 lần uống lúc đói.

Chứng lâm và long bế (sỏi tiết niệu và viêm tiết niệu). Do hạ tiêu thấp nhiệt, thấp và nhiệt cấu kết nung nấu ở bàng quang, hoặc do nhiệt từ thận chuyển xuống bàng quang làm cho khí hóa của bàng quang không lợi mà gây bệnh.

Triệu chứng:

Bệnh nhân tiểu tiện nóng, dắt mà đau, thậm chí giỏ từng giọt không thông, nước tiểu màu vàng đỏ hoặc vẩn đục như nước vo gạo, bụng dưới trướng đầy, miệng đắng, khát nhưng không muốn uống nước.

Bài thuốc:

Bát chính tán:

Xa tiền tử 16g, hoạt thạch 16g, mộc thông 8g, cam thảo 4g, cù mạch 12g, chi tử 8g, biển súc 12g, đại hoàng 6g. Tùy chứng trạng của bệnh nhân có thể gia thêm vị cho thích hợp. Sắc uống ngày một thang chia 3 lần, uống trước khi ăn lúc thuốc còn ấm.

Chứng tý (đau):

Do cơ thể vốn dương khí thiên thắng, hoặc do thể trạng vốn âm hư dương vượng. Sau khi bị trúng phong hàn thấp gặp dương hóa nhiệt, phong hàn thấp nhiệt lưu trú lại ở các khớp xương và kinh lạc mà sinh bệnh.

Triệu chứng:

Bệnh nhân các khớp xương sưng đỏ mà đau, khi sờ vào thì đau thêm, gặp lạnh thì đỡ đau, sốt cao, ra mồ hôi, sợ gió, khát nước, phiền muộn, tiểu tiện vàng đỏ, rêu lưỡi vàng nhớt.

Bài thuốc:

Phong kỷ, hạnh nhân, hoạt thạch đều 20g, xích tiểu đậu, chi tử, tằm sa, bán hạ (chế), liên kiều, ý dĩ đều 12g. Sắc uống ngày một thang chia 3 lần, uống trước khi ăn hoặc lúc đói.

Theo SKĐS