Logo Bài Thuốc Quý

Điều trị chứng mất ngủ ở người cao tuổi

01/01/2020 · SỨC KHỎE
Mất ngủ với người cao tuổi (NCT) là một vấn nạn vì nó làm ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe, tuổi thọ của họ, đặc biệt là người còn mang trong mình nhiều bệnh tật khác.

Nguyên nhân mất ngủ

Khi tuổi tác càng cao thì mọi chức năng của cơ thể đều bị suy giảm, trong đó chức năng của hệ thần kinh trung ương là cần đáng chú ý, bởi vì nó rất nhạy cảm. Tế bào thần kinh trung ương của con người kể từ lúc phôi thai, phát triển cho đến khoảng tuổi 25 là hoàn chỉnh. Thông thường sau lứa tuổi này, mỗi ngày có khoảng 3.000 tế bào nơron thần kinh bị hủy hoại và như vậy ngoài ảnh hưởng đến các chức năng khác thì giấc ngủ cũng không thể không bị ảnh hưởng.

Mất ngủ còn cho thấy chế độ sinh hoạt, ăn uống không điều độ (ăn bữa tối quá no, uống nhiều chất kích thích (cà phê, trà đặc…). Dùng một số thuốc để điều trị một số bệnh nào đó cũng làm cho NCT bị mất ngủ. Môi trường sống ô nhiễm bụi, chất thải, chất độc hại, nhiều tiếng ồn (nhạc, tiếng động), ánh sáng chói chang hoặc nhà ở chật chội, thiếu ánh sáng hoặc nhiều gió lùa, nhất là mùa đông giá lạnh cũng gây ảnh hưởng rất lớn đến giấc ngủ của NCT.
Cuộc sống tinh thần cũng làm ảnh hưởng khá lớn đến giấc ngủ của NCT. Trong gia đình hòa thuận, luôn có tiếng cười thì NCT sẽ ngủ ngon, nhưng hay cãi cọ, nhiều bất đồng (trong gia đình hay hàng xóm láng giềng) sẽ làm cho NCT “khó ăn, khó ngủ”.

Có rất nhiều loại bệnh làm ảnh hưởng đến giấc ngủ của NCT, loại hay gặp nhất là đau nhức xương khớp. Bệnh đau nhức xương khớp có thể biểu hiện cả ngày lẫn đêm nhưng hay gặp nhất vẫn là ban đêm, nhiều khi đau nhức không thể ngủ được, nhất là khi thay đổi thời tiết.

Bệnh về tim mạch cũng làm ảnh hưởng khá nhiều đến giấc ngủ của NCT, đặc biệt bệnh tăng huyết áp, thiếu máu cơ tim (thiểu năng mạch vành) làm cho NCT hay bị đau tức ngực, khó chịu và vì vậy sẽ lo lắng, mất ngủ.

Nếu NCT mắc một số bệnh về đường hô hấp (hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, tâm phế mạn, giãn phế quản, khí phế thũng) gây khó thở, ho nhiều, thiếu oxy trầm trọng làm cho người bệnh lo lắng, hốt hoảng không thể nào ngủ được hoặc ngủ không sâu, không ngon giấc. NCT mắc các bệnh về đường tiêu hóa (bệnh dạ dày – tá tràng, bệnh viêm đại tràng co thắt), ảnh hưởng rất lớn đến giấc ngủ. Nhiều người bị đau âm ỉ suốt đêm không thể nào chợp mắt được và vì vậy sức khỏe sa sút một cách nghiêm trọng.

Một số bệnh về tiết niệu, tiền liệt tuyến, đái tháo đường cũng là một trong các tác nhân làm cho NCT bị mất ngủ vì hay đi tiểu đêm. Bởi vì, sau mỗi một lần đi tiểu đêm rất khó ngủ tiếp và trằn trọc suốt đêm, đặc biệt trong mùa đông lạnh giá.

Chữa mất ngủ ở người cao tuổi

Nếu giấc ngủ chưa ổn định, cần đến gặp bác sĩ khám bệnh cho mình để được điều chỉnh thuốc

Điều trị mất ngủ là phải kiên trì

Khi mất ngủ, NCT nên đi khám bệnh để xác định nguyên nhân, trên cơ sở đó, bác sĩ sẽ có hướng điều trị thích hợp. Không nên dùng đơn thuốc hoặc thuốc của người này để điều trị cho người kia, bởi vì tính chất và nguyên nhân gây bệnh khác nhau. Khi đã có chỉ định điều trị của bác sĩ, người bệnh cần tuyệt đối tin tưởng và kiên trì điều trị, nếu giấc ngủ chưa ổn định hoặc giấc ngủ chưa được như mong muốn, cần đến gặp bác sĩ khám bệnh cho mình để được điều chỉnh thuốc, không nên buồn chán, lo lắng lại càng gây mất ngủ. Với những người đang mắc một số bệnh nào đó, nên tích cực điều trị và tin tưởng, không nên lo lắng thái quá sẽ ảnh hưởng đến giấc ngủ, ảnh hưởng đến sức khỏe và tuổi thọ.

Bên cạnh đó, ăn uống phải điều độ và không nên kiêng khem quá mức và cũng không nên quá lạm dụng trong khâu ăn, uống (bia, rượu, chua cay, cà phê, thuốc lá). Một số NCT có nguy cơ suy dinh dưỡng với nhiều lý do khác nhau nhưng người nhà cần biết sớm để khắc phục, nếu để kéo dài tình trạng này, ngoài rối loạn giấc ngủ còn ảnh hưởng đến nhiều chức năng khác của cơ thể. Trong mỗi một gia đình có NCT nên tạo cho họ một không khí yên bình, tránh để xảy ra các tác động xấu về tinh thần không tốt cho giấc ngủ. Ngoài ra, cần tập thể dục nhẹ nhàng, đều đặn hàng ngày là việc làm hết sức cần thiết cho giấc ngủ của NCT. Hiện nay có nhiều hình thức vận động thể như: đi bộ, chơi cầu lông, quần vợt, bơi, tập thể dục dưỡng sinh, nhưng có lẽ thông dụng nhất, không tốn kém, dễ áp dụng là đi bộ. Mỗi một ngày nên đi bộ có tổng cộng thời gian không quá 60 phút, không nên đi bộ một lúc mà chia ra làm 2 – 3 lần, mỗi lần không quá 15 – 20 phút là vừa. Đối với những NCT có bệnh về tim mạch như: cao huyết áp, mạch vành cần đi bộ chậm không được chạy, nhảy hoặc vận động mạnh. Không nên đi bộ vào lúc nhiệt độ lạnh quá hoặc nóng quá hoặc lúc trời đang mưa, gió mạnh mà nên chọn thời điểm thích hợp nhất cho bản thân mình.

PGS.TS. BÙI KHẮC HẬU

Theo Suckhoedoisong.vn