Logo Bài Thuốc Quý

Những nguyên nhân thường xuyên bị mất ngủ, khó ngủ

01/01/2020 · SỨC KHỎE
Ngủ là một hoạt động tự nhiên theo định kỳ, khi đó vận động và cảm giác được tạm hoãn ở mức tương đối. Tuy nhiên một số người thường xuyên bị mất ngủ, khiến cơ thể mỏi mệt, có thể gây bệnh. Những nguyên nhân không ngờ dưới đây khiến bạn ngày càng bị mất ngủ, khó ngủ hãy lưu ý ngay!

Ngủ là một hoạt động tự nhiên theo định kỳ, khi đó vận động và cảm giác được tạm hoãn ở mức tương đối. Điều này được thể hiện bởi sự bất động của hầu hết các cơ bắp và giảm các phản ứng với những kích thích bên ngoài.

Giấc ngủ có vai trò rất quan trọng là giúp cơ thể nghỉ ngơi và phục hồi năng lượng. Thời gian ngủ trung bình của một người bình thường khoảng 7-8 tiếng mỗi đêm (dao động từ 4-11 tiếng).

Theo thống kê, hiện có khoảng 30% người lao động Mỹ, tương đương 40,6 triệu người, ngủ trung bình hoặc ít hơn 6 giờ/đêm.

Giấc ngủ có chất lượng khi đáp ứng một số yêu cầu cơ bản sau: đủ giờ, đủ sâu, cảm thấy khoẻ khoắn khi thức dậy… Các khảo sát cho thấy thời gian ngủ giảm dần theo tuổi, thí dụ như bé mới sinh ngủ tới 17 giờ mỗi ngày, trẻ lớn ngủ từ 9 – 10 giờ mỗi đêm, người trưởng thành ngủ từ 7-8 giờ mỗi đêm, riêng người cao tuổi thường ngủ dưới 6 giờ mỗi đêm.

Nguyên nhân gây mất ngủ

Mất ngủ là một biểu hiện thường gặp.

Mất ngủ là một tình trạng đặc trưng bởi giảm chất lượng và số lượng giấc ngủ mặc dù đã có đủ cơ hội để ngủ có thể dẫn đến giảm hoạt động vào ban ngày. Mất ngủ là một biểu hiện thường gặp. Vậy đâu là nguyên nhân gây nên tình trạng mất ngủ này?

Làm việc vào buổi tối

Điều này có thể khiến bạn mệt mỏi quá sức sau một ngày làm việc căng thẳng. Làm việc buổi tối làm cho não bộ khó thư giãn và ánh sáng từ máy tính cũng khiến bạn tỉnh táo hơn.

Có giấc ngủ ngắn vào buổi chiều

Ngủ ngắn có thể giúp ích cho một số người, nhưng với số khác lại là nguyên nhân gây khó ngủ vào ban đêm.

Ăn quá nhiều vào buổi tối

Một bữa ăn nhẹ rất tốt cho sức khỏe nhưng ăn quá nhiều lại gây khó khăn để tiêu hóa, cơ thể trở nên nặng nề, không thoải mái khi nằm và khó chìm vào giấc ngủ hơn. Nhiều người bị chứng ợ nóng, trào ngược axit và thức ăn từ dạ dày vào thực quản sau khi ăn, não bộ tỉnh táo, tinh thần không thư giãn để chìm vào giấc ngủ.

Ăn uống không lành mạnh

Rượu là một loại thuốc an thần, nó có thể làm cho bạn buồn ngủ ngay lập tức, nhưng lại gây gián đoạn giấc ngủ sau đó vào ban đêm. Caffeine là một chất kích thích giúp bạn tỉnh táo và làm việc hiệu quả vào buổi sáng. Tuy nhiên, tiêu thụ caffeine quá nhiều (4 cốc hoặc nhiều hơn mỗi ngày) có thể khiến bạn mất ngủ ít nhất một vài đêm mỗi tuần. Caffeine có thể ở trong cơ thể bạn 8 tiếng, do vậy, bạn không nên tiêu thụ đồ uống, thực phẩm có chứa hợp chất này gần giờ đi ngủ. Nicotin có trong thuốc lá có thể khiến bạn mất ngủ hoặc ngủ không sâu giấc.

Theo Thanh Thu/Phunutoday.vn