Bài thuốc dân gian trị bệnh lao phổi
Về mặt trị liệu, người ta có thể sử dụng phương thức “biện chứng luận trị”, hoặc “biện bệnh luận trị” hoặc sử dụng các kinh nghiệm dân gian với mục đích chung là tiêu diệt hoặc ức chế trực khuẩn lao, nâng cao sức đề kháng của cơ thể, cải thiện các triệu chứng lâm sàng.
Có thể nói, kinh nghiệm dân gian trị liệu lao phổi là hết sức phong phú, có thể kể ra một số phương pháp điển hình như sau:
Dán huyệt liệu pháp:
Tỏi 10g, lưu hoàng 6g, bột nhục quế 3g, băng phiến 3g. Tỏi bóc bỏ vỏ, giã nát, trộn đều với các vị thuốc rồi đắp lên huyệt dũng tuyền cả hai bên, dùng băng cố định, cách ngày thay thuốc một lần. Vị trí huyệt dùng tuyền: nằm ở lòng bàn chân, tại điểm nối 2/5 trước và 3/5 sau của đoạn nối đầu ngón chân 2 (ngón trỏ) và điểm giữa bờ sau gót chân, trong chỗ lõm ở gan bàn chân. Chủ trị chứng khái huyết do lao phổi.
Ẩm thực liệu pháp: Lươn tươi 1 con làm sạch rồi đem kho với dầu thực vật và tương, ăn tùy thích. Dùng thích hợp cho bệnh lao phổi thuộc thể phế thận âm hư.
Xoa bóp liệu pháp: Gừng tươi và quế chi lượng vừa đủ, tán nhỏ, sao nóng rồi cho thêm một chút long não, chườm vùng ngực trước và vùng liên sống bả. Dùng cho những trường hợp lao phổi có khó thở, vã mồ hôi trộm, ho ra máu.
Tạng phủ liệu pháp: Phổi lợn 250g, bạch cập 30g. Phổi lợn lọc bỏ màng máu, rửa sạch, thái nhỏ rồi cho vào nồi hầm với bạch cập và một chút rượu vang, khi chín chế thêm gia vị ăn nóng. Dùng cho những trường hợp lao phổi có ho nhiều, khái huyết.
Trứng gà liệu pháp: Trứng gà 1 quả, bách bộ 10g, đường trắng lượng vừa đủ. Trước tiên sắc bách bộ lấy nước, đập trứng gà vào đun trong 2 phút rồi cho đường trắng vào quấy đều, ăn nóng.
Dược khí liệu pháp: Cây lang độc, còn gọi là tục tràng thảo, sơn đan hoa… 1kg, đại táo 2kg. Cho lang độc vào nồi đồng, đổ ngập nước, đặt giá hấp rồi đổ đại táo vào, hấp chừng 1 giờ là được, bỏ lang độc và nước thuốc, đựng đại táo vào lọ để trong tủ lạnh dùng dần, mỗi ngày ăn 3 lần, mỗi lần 7 quả, dùng kiên trì trong 1 tháng.
Dược hoàn liệu pháp: Mật dê tươi mới vài cái, sữa bột và đường lượng vừa đủ. Đem mật dê cô thành dạng cao đặc bằng lửa nhỏ rồi cho sữa bột và đường vào, trộn đều, chế thành những viên hoàn nặng 0,5 – 1g, sấy kỹ cho thật khô, đựng trong lọ kín dùng dần. Mỗi ngày uống 2g, 3 tháng là một liệu trình.
Ngô công…
Dược tán liệu pháp: Ngô công lượng vừa đủ, bỏ đầu và chân, sấy khô, tán bột, uống mỗi ngày 3 lần, mỗi lần 3 con, 1 tháng là một liệu trình, khoảng cách giữa 2 liệu trình là 1 tuần.
Dược viên liệu pháp: Dã cúc hoa, bạch hoa xà thiệt thảo, lá liễu lượng bằng nhau, đem sắc thành dạng cao đặc rồi sấy khô, chế thành viên, uống mỗi ngày 3 lần, mỗi lần 7 viên, lượng thuốc uống 1 ngày tương đương với 30g dược liệu khô.
Dược nhũ liệu pháp: Hạ khô thảo 1kg đem sắc với 2500ml cô lại còn 500ml, cho thêm đường đỏ với lượng thích hợp để tạo thành dạng cao sữa, mỗi ngày uống 3 lần, mỗi lần 15ml.
Đắp thuốc liệu pháp: Ngũ linh chi 15g, bạch giới tử 15g, cam thảo 6g, tỏi giã nhuyễn 15g, phân chim bồ câu trắng 15g, xạ hương 0,3g. Ngũ linh chi, bạch giới tử và cam thảo sấy khô tán bột, trộn đều với tỏi, phân chim và xạ hương, cho thêm một chút dấm chua rồi đắp vào các huyệt giáp tích ngang các đốt sống lưng (D1 đến D12) 1/2 thốn trong 1 đến 2 giờ, sao cho tại chỗ nóng lên là được, 7 ngày làm 1 lần. Dùng để hỗ trợ trị liệu lao phổi ho hen nhiều.
Xông tỏi liệu pháp: Tỏi 30 – 35g giã nát, cho vào nồi nhỏ, hâm nóng, lấy giấy bìa cuốn thành phễu, khoét lỗ rồi để cạnh hai lỗ mũi, hít lấy hơi thuốc trong 30 phút, mỗi ngày 2 lần.
Dược cao liệu pháp: Mật ong 120ml, nước cốt gừng tươi 120ml, nước ép cà rốt 1 bát, nước ép quả lê 1 bát, sữa mẹ 1 bát. Tất cả hòa đều, đem cô thành cao bằng lửa nhỏ, mỗi ngày uống 2 lần, mỗi lần 2 thìa canh với nước ấm.
Cứu huyệt liệu pháp: Mỗi ngày dùng điếu ngải cứu ấm 2 huyệt dũng tuyền (vị trí đã nêu ở trên)
Cháo thuốc liệu pháp: Hoàng tinh 30g đem ninh với 60g gạo tẻ thành cháo, cho thêm một chút đường phèn, chia ăn vài lần trong ngày.
Thạc sĩ Hoàng Khánh Toàn