Tìm hiểu bệnh ung thư dạ dày
TS. Trần Đăng Khoa - Giám đốc Bệnh viện Ung bướu Hà Nội cho biết, ung thư dạ dày (UTDD) cho đến nay vẫn là một ung thư phổ biến trên thế giới, tỷ lệ mắc đứng thứ 3 ở nam, thứ 4 ở nữ.
Mỗi năm, theo công bố của Tổ chức ghi nhận Ung thư toàn cầu (IARC) có khoảng 870.000 người mới mắc, 650.000 người chết do căn bệnh này. Ở Việt Nam ung thư dạ dày đứng vị trí thứ 3 ở cả 2 giới.
Nguyên nhân gây ung thư dạ dày
Tổn thương tiền ung thư: Viêm dạ dày mạn tính kéo dài sẽ dẫn đến viêm teo mạn tính niêm mạc dạ dày, tiếp theo là các biến đổi dị sản của tế bào, tiếp đến là các biến đổi loạn sản tế bào qua từng mức nhẹ, vừa đến nặng và biến đổi cuối cùng là ung thư.
Tập quán sống: Thói quen ăn uống có liên quan chặt chẽ với bệnh UTDD. Yếu tố nguy cơ tăng lên được nhiều nghiên cứu chỉ ra khi ăn các loại thức ăn có chứa Nitrates và Nitrites như thịt hun khói, thịt cá ướp muối, cũng như rau, dưa muối… Thuốc lá làm tăng đáng kể tỷ lệ UTDD, đặc biệt UTDD phần tâm – phình – vị.
- Nhiễm vi khuẩn: Helicobacter pylori, nhiều giả thuyết cho rằng Helicobacter pylori là nguyên nhân UTDD đặc biệt là ung thư 1/3 dưới. Helicobacter pylori gây nên viêm niêm mạc dạ dày mạn tính nhất là viêm mạn teo đét (Chronic Atrophic gastritis) được coi là thay đổi tiền ung thư (Procursor lesions for cancers).
Ngoài ra, ước tính có khoảng 5-10% UTDD có liên quan đến vi rút Epstein-Barr trên toàn thế giới.
- Chỉ số BMI (Body Mass Index): Những người béo phì dễ bị ung thư hơn người bình thường nhất là ung thư phần tâm vị. Gần một nửa số bệnh nhân ung thư tâm vị liên quan đến thuốc lá và béo phì.
- Tiền sử phẫu thuật: Cũng là yếu tố nguy cơ tăng mắc UTDD, thời điểm phát triển un thư cao nhất khoảng 15-20 năm sau phẫu thuật, loại phẫu thuật liên quan đến nguy cơ mắc UTDD cao hơn như phẫu thuật Billroth II cao hơn Billroth I.
- Tuổi và giới: Tuổi và giới được ghi nhận là những yếu tố nguy cơ quan trọng. Nam giới có tỷ lệ gấp đôi nữ giới ở mọi thống kê của Việt Nam cũng như của Nhật Bản và Mỹ. Tuổi từ 50 trở lên càng nhiều tuổi, khả năng UTDD càng cao.
Các yếu tố khác:
- Nhóm máu: Một số báo cáo cho thấy người có nhóm máu A hay bị UTDD hơn các nhóm máu O, B, AB.
- Yếu tố di truyền.
Ảnh minh họa.
Dấu hiệu mắc bệnh ung thư dạ dày
- Đau hoặc khó chịu ở bụng: Một cảm giác đầy bụng, tức bụng có thể là một dấu hiệu đầu tiên của ung thư dạ dày. Áp lực hoặc thỉnh thoảng có cảm giác đau nhói ở bụng, kèm theo ợ nóng quá mức… cũng có thể xảy ra khi bạn bị ung thư dạ dày. Ngoài ra, tình trạng ợ nóng và khó tiêu là phổ biến, ngay cả việc ăn uống cũng làm tăng sự đau đớn, khó chịu này.
- Khó nuốt: Bệnh nhân UTDD có thể có biểu hiện khó nuốt. Khi bệnh tiến triển, việc nuốt càng trở nên khó khăn hơn.
- Sụt cân: Giảm cân đột ngột mà không cần cố gắng có thể là một dấu hiệu của UTDD. Kéo theo đó là tình trạng mất cảm giác ngon miệng hoặc không muốn ăn các loại thực phẩm nào đó cho dù bạn đang rất đói. Các biểu hiện này cũng có thể là do ung thư dạ dày giai đoạn đầu gây ra.
- Buồn nôn và nôn: Buồn nôn và ói mửa có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau, ví dụ như do vi rút, ngộ độc thực phẩm hoặc viêm loét dạ dày, nghiêm trọng hơn thì là ung thư dạ dày. Vì vậy, chưa thể kết luận ngay bạn bị UTDD khi buồn nôn hoặc nôn. Nếu buồn nôn và ói mửa không mất đi hoặc ngày càng nghiêm trọng, có máu trong chất nôn thì tốt nhất nên đi khám càng sớm càng tốt.
- Cảm giác chướng bụng: Khi UTDD tiến triển, có thể bạn sẽ cảm thấy chướng bụng. Chướng bụng có thể là do sự tích tụ chất lỏng hoặc khối u phát triển, theo Hiệp hội Ung thư Mỹ. Bụng bạn trông lớn hơn, phình to ngay cả khi không tăng cân hoặc lúc đang đói.
- Có máu trong chất nôn hoặc trong phân: Theo Viện Y tế Quốc gia Mỹ, nếu trong chất nôn có lẫn máu thì cũng nên suy xét đến khả năng UTDD. Ngoài ra, nếu đi tiêu thấy phân có màu đen hoặc có màu đỏ như máu thì nghi ngờ UTDD càng cao hơn.
- Sức khỏe giảm sút, suy nhược: Một người bị UTDD có thể bị giảm nhiều năng lượng so với những người bình thường nên họ có thể cảm thấy mệt mỏi hoặc không thể hoàn thành tốt các hoạt động hàng ngày của chính mình.
Tuy nhiên, biểu hiện này không đủ căn cứ để kết luận bệnh UTDD, nhưng nếu nó đi kèm các triệu chứng trên thì tốt nhất bạn nên đi khám sớm để phát hiện bệnh kịp thời và có hướng điều trị hiệu quả.
Biện pháp chẩn đoán UTDD
Quan trọng nhất là bệnh nhân phải được nội soi dạ dày ống mềm, thủ thuật này hiện nay phổ biến, dễ thực hiện, không tốn thời gian, ít tốn kém.
Trong quá trình nội soi bác sĩ sẽ tiến hành sinh thiết, xét nghiệm xác định mô bệnh học để khẳng định ung thư (chẩn đoán xác định).
Các xét nghiệm khác như xét nghiệm máu, sinh hóa, CT-Scan, siêu âm, MRI… là các xét nghiệm cần thiết để đánh giá toàn trạng, giai đoạn của bệnh nhân trước khi đưa ra quyết định điều trị.
Các cách điều trị ung thư dạ dày
- Phẫu thuật: Phẫu thuật là phương pháp cơ bản nhất để điều trị UTDD, đặc biệt với những bệnh nhân được phát hiện sớm, chỉ cần phẫu thuật đơn thuần mà không cần thêm bất cứ phương pháp điều trị nào khác.
Phương pháp phẫu thuật là: cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ dạ dày kèm nạo vét hạch đầy đủ.
Với những bệnh nhân ở giai đoạn muộn không thể chữa khỏi thì phẫu thuật vẫn rất cần thiết để cứu sống bệnh nhân như cầm máu, chống bít tắc (hẹp môn vị), giảm triệu chứng, tăng cường dinh dưỡng…
- Điều trị hóa chất:
Điều trị hóa chất bổ trợ trước mổ giúp khối u giảm kích thước tạo điều kiện thuận lợi cho phẫu thuật.
Điều trị hóa chất sau mổ giúp giảm nguy cơ bệnh tái phát, di căn, tăng thời gian sống thêm cho bệnh nhân.
Bệnh nhân ở giai đoạn muộn hóa chất giúp cải thiện triệu chứng và kéo dài thời gian sống cho bệnh nhân.
Phác đồ hóa chất đa dạng, có cả dạng tiêm truyền tĩnh mạch và dạng uống, thuận lợi cho bệnh nhân trong quá trình điều trị.
- Điều trị nhắm trúng đích:
Kỷ nguyên của điều trị nhắm trúng đích đang mở ra nhiều cơ hội cho bệnh nhân ung thư. Với UTDD có thụ thể của yếu tố phát triển biểu mô (Her -2) dương tính, ưu thế của phác đồ phối hợp hóa với thuốc traztuzumab (Herceptin) trên bệnh nhân giai đoạn tiến triển, di căn đã được chứng minh qua nhiều nghiên cứu lớn trên toàn thế giới.
- Xạ trị:
Vai trò của xạ trị trong UTDD còn nhiều hạn chế, tuy nhiên cũng có thể ứng dụng trong một số trường hợp:
+ Xạ trị trong mổ bằng chùm electron để giảm nguy cơ tái phát.
+ Xạ trị bằng máy gia tốc với khối u ở tâm vị, kích thước lớn, xâm lấn lan rộng không còn khả năng phẫu thuật.
+ Xạ trị chống chèn ép, chống đau…