Logo Bài Thuốc Quý

Thiếu hoặc thừa vitamin B12 đều gây hại cho cơ thể

01/01/2020 · Sức khỏe
Vitamin B12 là dưỡng chất thiết yếu cho cơ thể. Việc thiếu vitamin B12 tất nhiên sẽ gây hại cho cơ thể. Tuy nhiên việc bổ sung thừa vitamin B12 cũng gây tác hại không hề nhỏ cho cơ thể.

Vitamin B12 cần thiết cho quá trình sản sinh hồng cầu và sự phát triển của hệ thần kinh. Tuy nhiên, bổ sung quá nhiều vitamin B12 cũng có thể dẫn tới nhiều hậu quả nghiêm trọng.

Vai trò của vitamin B12 đối với cơ thể

Vitamin B12 là một vitamin thuộc nhóm vitamin B, tan trong nước và có nhiều vai trò quan trọng trong cơ thể như sau:

  • Tham gia vào quá trình tổng hợp ADN nên có vai trò quan trọng trong quá trình nhân đôi và sinh sản của các tế bào trong cơ thể.
  • Đóng vai trò trong quá trình chuyển hóa lipid và acid folic.
  • Tham gia vào quá trình tạo ra hồng cầu.
  • Tham gia vào thành phần cấu tạo bao myelin của dây thần kinh, nhờ đó giúp đảm bảo hệ thần kinh hoạt động bình thường.

Thiếu vitamin B12 gây tác hại gì?

Vitamin B12 là dưỡng chất thiết yếu cho cơ thể. Tình trạng thiếu hụt vitamin B12 thường xảy ra khi cung cấp qua thức ăn không đủ hoặc cơ thể có vấn đề về rối loạn hấp thu vitamin B12. Những người bị suy dinh dưỡng, ung thư, người cao tuổi, mang thai, nghiện rượu,..cũng có nguy cơ cao bị thiếu vitamin B12. 

Thiếu vitamin B12 dẫn tới bệnh thiếu máu ác tính
Thiếu vitamin B12 dẫn tới bệnh thiếu máu ác tính.

Thiếu hụt vitamin B12 là tình trạng khá thường gặp và có thể biểu hiện qua các rối loạn thần kinh, huyết học. Nếu tình trạng thiếu hụt nặng có thể gây tổn thương thần kinh vĩnh viễn:

  • Thiếu vitamin B12 sẽ đưa tới những rối loạn thần kinh như kích thích, ảo giác, thay đổi về phản xạ tự nhiên, chức năng cơ kém, xuất hiện các vấn đề về trí nhớ, suy giảm vị giác và nhiều trường hợp nghiêm trọng có thể gây ra rối loạn tâm thần. Đối với trẻ em, các vấn đề có thể xảy ra gồm tăng trưởng chậm, kém phát triển và gặp khó khăn khi vận động.
  • Thiếu vitamin B12 còn dẫn tới bệnh thiếu máu ác tính. Nguyên nhân có thể do rối loạn sự hấp thu vitamin B12 do thiếu yếu tố nội tại-một yếu tố cần thiết cho quá trình hấp thu vitamin B12 ở ruột.

Thừa vitamin B12 gây tác hại gì?

Vitamin B12 tan trong nước và lượng dư thừa trong cơ thể có thể dễ dàng được thận đào thải qua nước tiểu nên ít gây độc tính cho cơ thể. Tuy nhiên nếu bổ sung vitamin B12 liều cao dẫn tới bị thừa vitamin B12, kéo dài sẽ gây ra các tác dụng phụ cho cơ thể:

  • Sốc phản vệ do dị ứng với vitamin B12. Phản ứng này tuy hiếm gặp nhưng rất nguy hiểm vì có thể dẫn đến tử vong. Do vậy, cần thận trọng khi bổ sung vitamin B12, đặc biệt ở dạng tiêm cho người có cơ địa mẫn cảm.
  • Rối loạn tiêu hóa với các biểu hiện như ăn không ngon, chán ăn, buồn nôn, tiêu chảy...
  • Nhức đầu, phát ban, ngứa ngáy.
  • Gây tê hay liệt yếu ở tay, chân, cơ mặt.
  • Gây các biến chứng trên tim mạch như tăng nhịp tim, khó thở, đau ngực, cao huyết áp, suy tim,...
  • Tăng nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt.
  • Thừa vitamin B12 còn có thể gây hoạt hóa hệ đông máu làm tăng đông, gây tắc mạch.
  • Gây tổn thương thần kinh thị giác cho người mắc bệnh Leber- bệnh thoái hóa sắc tố võng mạc bẩm sinh gây mù ở trẻ em.

Bổ sung vitamin B12 đúng cách

Nhu cầu vitamin B12 với các đối tượng khác nhau như sau:

  • Đối với người lớn, lượng vitamin B12 khuyến nghị là 2 mcg/ ngày.
  • Phụ nữ có thai và cho con bú là 2,6 mcg/ ngày.
  • Đối với trẻ em trong giai đoạn chập chững biết đi là khoảng từ 0,7 mcg/ ngày, còn trong giai đoạn niên thiếu là tới khoảng 2 mcg / ngày.

Thực phẩm giàu vitamin B12
Vitamin B12 có nhiều trong thịt bò, cá hồi, trứng, sữa, phomai,...

Để cung cấp đầy đủ vitamin B12 cho cơ thể, cần bổ sung vào chế độ ăn các thực phẩm giàu vitamin B12. Vitamin B12 có nhiều trong thịt bò, cá hồi, trứng, sữa, phomai,...Các thực phẩm từ thực vật không có vitamin B12. Ngoài ra, có nhiều loại thực phẩm chức năng chứa các vitamin tổng hợp có hàm lượng B12 cao. Bổ sung vitamin B12 cho cơ thể cần phải hết sức thận trọng và phải tuyệt đối tuân thủ chỉ định của bác sĩ, khi phát hiện các dấu hiệu ngộ độc vitamin B12 cần nhanh chóng đến các cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu và điều trị kịp thời.