Tác dụng của rau má
Rau má
Tên khác: Tích tuyết thảo, mã đề thảo, liên tiền thảo, thổ tế tân, lão công căn, địa tiền thảo, băng khẩu uyển.
Tên tiếng Anh: Gotu Kola
Tên khoa học: Centella asiatica
Họ: Apiales
Đặc điểm sinh thái của rau má
Rau má là loại cây thân bò lan. Thân cây gầy và nhẵn, có màu lục ánh đỏ hoặc màu xanh lục. Lá hình thận, cuống dài và có màu xanh. Phần đỉnh lá tròn có kết cấu trơn nhẵn với gân lá dạng lưới hình chân vịt. Rễ có các mấu. Bộ rễ mọc thẳng đứng, có màu trắng kem và được che phủ bằng lông tơ ở rễ. Hoa rau má có màu trắng, nằm gần mặt đất. Hoa lưỡng tính nhỏ hơn 3 mm với 5 – 6 thùy tràng hoa. Quả có hình mắt lưới dày đặc.
Phân bố
Rau má phân bố nhiều ở các nước như Úc, New Guinea, Malsesia, các đảo thái Bình Dương và Châu Á.
Bộ phận dùng, thu hái, chế biến và dạng bào chế
- Bộ phận dùng: Cả cây bao gồm cây, rễ
- Thu hái: Thu hoạch quanh năm
- Chế biến: Rau má tươi sau thu hái sẽ được rửa sạch, phơi khô và nghiền thành bột.
- Dạng bào chế: Rau má được bào chế dưới dạng trà và viên nang mềm 450 mg
Thành phần hóa học
Rau má chứa các hợp chất như saponin, beta – caroten, saccharide, kali, alkaloid, sterol, magiê, canxi, phốt pho, sắt, mangan và các loại vitamin như B1, B2, B3, K và C.
Rau má có tính hàn, giúp giải nhiệt mùa hè rất tốt.
Tác dụng của rau má
Rau má không chỉ là một loại rau thông dụng, có thể ăn hàng ngày mà còn là một vị thuốc chữa được nhiều chứng bệnh như: mụn nhọt, hạ sốt, làm đẹp, tăng cường sức khỏe, giải độc, táo bón, tim mạch….
Ngoài ra, rau má cũng là một loại dược thảo có tính bổ dưỡng rất cao, có nhiều sinh tố, khoáng chất, những chất chống oxy hoá, có thể dùng để dưỡng âm, cải thiện trí nhớ, làm chậm sự lão hoá, cải thiện vi tuần hoàn và chữa nhiều chứng bệnh về da.
Cách dùng rất đơn giản, có thể ăn rau sống hoặc nấu canh, luộc hay giã nhuyễn vắt lấy nước uống. Số lượng và thời gian sử dụng không hạn chế.
1. Hạ sốt
Khi trẻ bị sốt có thể dùng rau má, rửa sạch, vò nát, đổ xâm xấp nước, đun sôi nhỏ lửa khoảng 15 phút rồi chắt ra cốc lớn. Cứ khoảng một tiếng cho trẻ uống vài thìa. Trẻ sẽ giảm sốt.
2. Chữa rối loạn cơ thể
Rau má rất tốt cho tiêu hóa, giúp duy trì hoạt động của các cơ quan này, chống lại quá trình gây viêm và còn có tác dụng như một thuốc tẩy nhẹ.
3. Giúp tăng trí nhớ
Lá rau má sấy khô tán bột, uống chung với sữa mỗi ngày 3-5 gam sẽ có tác dụng tốt cho những người mắc bệnh suy giảm trí nhớ và thị lực.
4. Tốt cho các bệnh tim mạch
Rau má có thể giúp giảm sưng và cải thiện lưu thông trong cơ thể, nhất là với các bệnh liên quan đến tĩnh mạch như giãn tĩnh mạch và suy tĩnh mạch. Đối với những người thừa cân (béo phì), xơ vữa động mạch máu nếu ăn rau má lâu dài sẽ có tác dụng làm giảm lượng cholesterol trong máu và do đó làm cho các mạch máu mềm mại trở lại, hạn chế được những tai biến do xơ vữa động mạch máu gây ra.
5. Làm đẹp
Rau má không chỉ mát bổ lại làm đẹp rất hiệu quả. Đặc biệt đối với phái đẹp, rau má có những tác dụng “thần kỳ” đối với làn da của họ. Nước rau má có tác dụng dưỡng ẩm cho da, làm chậm sự lão hóa, cải thiện tuần hoàn và cải thiện trí nhớ…
Không chỉ giúp ích cho quá trình thanh lọc cơ thể mà nó còn làm mát da, trị mụn và sẹo trên da.
6. Làm lành vết thương
Rau má có chứa hóa chất được gọi là triterpenoidscó công dụng tăng tốc độ chữa lành vết thương, tăng cường chất chống oxy hóa tại vị trí vết thương, tăng cường da và tăng cung cấp máu cho khu vực bị thương.
7. Giảm stress
Triterpenoids trong rau má cũng có thể làm giảm sự lo lắng và tăng cường chức năng tâm thần trong một số cá nhân.
Ngoài ra, trong dân gian các thầy lang đã dùng rau má để điều trị cho các bệnh như bệnh vẩy nến, eczema, nhiễm trùng hô hấp, viêm loét, cảm lạnh, viêm gan, động kinh, mệt mỏi, sốt, hen suyễn và bệnh giang mai...Đồng thời, rau má còn có tác dụng trong việc điều trị chứng mất ngủ, xơ cứng bì, ung thư, rối loạn tuần hoàn, tăng huyết áp, mất trí nhớ, liền sẹo và giảm nốt cục trên da cellulite.
8. Trị các bệnh ngoài da như vảy nến, eczema
Dùng 30-100 g rau má tươi, đem rửa sạch, giã nát, vắt lấy nước uống hàng ngày. Cách làm này còn giúp thanh lọc cơ thể, tiêu viêm trong những ngày hè nóng bức bị nhiệt miệng, viêm lợi.
9. Chữa mụn nhọt, rôm sẩy, mẩn ngứa
Lấy 50g lá gấc với 50g rau má, rửa sạch, giã nhỏ trộn đều với ít muối rồi đắp lên chỗ mụn nhọt, đắp 2 lần một ngày cho đến khi khỏi. Hoặc xay rau má tươi vắt lấy nước uống hoặc bôi vùng bị rôm sẩy mẩn ngứa.
10. Trị chứng vàng da
Lấy 50g lá ngải cứu, 50g rau má , rửa sạch đun nước uống hằng ngày sẽ giúp chứng vàng da thuyên giảm rõ rệt.
11. Chữa táo bón
Có 2 cách làm như sau:
Cách 1: Muối 10g, rau má 150g, rau rửa sạch, để ráo giã nhỏ cùng với muối rồi chế thêm một bát nước sôi để nguội, gạn lấy nước trong uống. Khi uống nên ăn cháo, kiêng các loại dầu mỡ, thức ăn tanh, nóng, cay, đồ khó tiêu.
Cách 2: 100 mỗi loại rễ cây ngải cứu, rau má, rễ mơ lông, rễ cỏ may, đem sao vàng hạ thổ, sắc uống ngày 2 lần cho tới khi hết táo bón.
12. Chữa chảy máu cam
Dùng rau má tươi giã nhỏ, vắt lấy nước uống 2-3 lần trong khoảng 5 ngày.
13. Chữa sốt xuất huyết nhẹ ngay tại nhà
Lấy 30g cỏ nhọ nồi, 20g rau mã đề, 30g rau má, rửa sạch giã nhỏ, gạn lấy nước trong uống.
Hoặc rau má 30g, cỏ nhọ nồi 30g, lá và bông mã đề 20g (hay lá cối xay, rễ cỏ tranh). Đem các vị rửa sạch, giã nhỏ, cho nước sôi vào vắt lấy nước uống, hoặc sắc uống.
14. Chữa đau mắt đỏ
Rau má tươi rửa sạch, giã nát rồi đắp lên vùng mạch ở lằn chỉ cổ tay.
Nước Rau má giải nhiệt, chữa bệnh.
Một số bài thuốc từ rau má
1. Chữa vàng da do thấp nhiệt
Sử dụng 30 – 40 gram rau má, rửa sạch, sắc chung với 30 gram đường phèn. Lọc lấy nước và uống.
2. Điều trị táo bón
Dùng 30 gram rau má, rửa sạch, giã nát và đắp lên rốn.
3. Chữa tiểu ra máu
Sử dụng rau má và ích mẫu thảo, mỗi vị một nắm. Rửa sạch, giã nát và vắt lấy nước uống.
4. Điều trị tiêu chảy
Hái 30 gram rau má sắc với nước vo gạo và uống mỗi ngày.
5. Chữa lở loét vùng lưng
Dùng một nắm lá rau má, rửa sạch và giã nát. Sau đó, vắt lấy nước cốt trộn với bột gạo nếp tạo thành hỗn hợp sền sệt. Bôi lên vùng lưng bị tổn thương. Thực hiện nhiều lần trong ngày để có kết quả tốt.
6. Điều trị bệnh sởi
Rau má 30 – 40 gram. Sắc thuốc và uống mỗi ngày.
7. Trị nhọt độc
Sử dụng một nắm rau má tươi, rửa sạch. Tiếp đó, giã nát và đắp lên vùng bị mụn nhọt. Bên cạnh đó, có thể dùng 30 – 60 gram rau má, sắc thuốc uống.
8. Chữa đau mắt đỏ
Lấy một nắm rau má rửa sạch, giã nát và đắp lên vùng mạch nằm ở lằn chỉ cổ tay. Hoặc dùng rau má tươi ngâm với thuốc tím rồi giã nát. Sau đó, lọc lấy nước và nhỏ mắt. Tuy nhiên, hiện nay cách làm thứ hai này không được sử dụng bởi vấn đề vô trùng.
9. Cải thiện tình trạng lở loét ống chân
Sử dụng rau má tươi đã được rửa sạch, giã nát và đắp lên vùng bị tổn thương.
10. Điều trị áp xe giai đoạn đầu
Dùng rau má và vỏ quả cau, mỗi vị bằng nhau. Sắc thuốc uống. Nếu muốn tăng thêm tính hiệu quả trong việc điều trị, bệnh nhân có thể thêm một chút rượu vào uống.
11. Chữa viêm amidan và viêm họng
Rau má 60 gram, rửa sạch và giã nát. Tiếp đó, vắt lấy nước cốt rồi hòa thêm một chút nước ấm và uống.
12. Hỗ trợ điều trị chấn thương phần mềm gây sưng nề
Dùng 20 – 30 gram rau má tươi, giã nát, vắt lấy nước cốt và hòa tan với một ít rượu rồi uống.
14. Chữa ngộ độc thực phẩm hoặc do thuốc
Rau má giã nát, vắt lấy nước cốt và uống. Để dễ uống hơn có thể thêm một ít đường phèn.
15. Điều trị các chứng xuất huyết
Dùng 30 – 100 gram rau má sắc thuốc uống hoặc giã nát, vắt lấy nước cốt và uống.
16. Giải nhiệt trị mẩn ngứa, rôm sẩy, lợi tiểu và mát gan
Rau má 30 – 100 gram, giã nát và vắt lấy nước cốt uống. Hoặc cho vào máy xay sinh tố, xay nhuyễn và hòa thêm ít đường rồi uống.
17. Trị đau lưng, hành kinh đau bụng
Rau má, rửa sạch và phơi khô. Sau đó nghiền thành bột mịn, bảo quản trong lọ thủy tinh. Mỗi ngày uống 2 muỗng cà phê.
Chú ý: Rau má có tính lạnh nên những người có hay đầy bụng hoặc đi tiêu lỏng cần cẩn thận khi dùng.Những trường hợp nầy chỉ nên dùng vài lá mỗi lần hoặc khi dùng kèm theo một vài lát gừng sống. Dùng ngoài da không giới hạn.