Logo Bài Thuốc Quý

Những người không nên ăn rau má

01/01/2020 · SỨC KHỎE
Rau má không đơn thuần chỉ là rau, mà nó còn là một loại thảo dược. Do đó, khi sử dụng cần thận trọng như một loại thuốc. Dưới đây là những người kiêng không nên ăn rau má, nếu không sẽ có hại cho sức khỏe.

Từ xa xưa, người dân đã biết sử dụng loại rau này như một vị thuốc chữa bệnh. Theo y học cổ truyền, rau má có vị đắng, hơi ngọt, tính bình, có tác dụng dưỡng âm, thanh nhiệt, nhuận gan, giải độc, lợi tiểu. Theo y học hiện đại, rau má có thể sử dụng để chống lại sự lão hóa của da, thúc đẩy quá trình tái tạo tế bào da. Vì vậy, rau má được ứng dụng nhiều trong quá trình làm đẹp.

Quả thực rau má có rât nhiều lợi ích cho sức khỏe nhưng nếu không sử dụng đúng hoặc quá lạm dụng sẽ đem lại những hậu quả vô cùng đáng sợ. Theo các chuyên gia dinh dưỡng, khi dùng rau má cần hết sức thận trọng với các trường hợp sau đây:

Nước rau má, người không nên ăn rau má

Ảnh minh họa.

Không dùng nhiều khi thai sản

Các chuyên gia khuyên rằng, phụ nữ dự định mang thai và đang mang thai nên tránh ăn rau má, bởi chị em sử dụng lâu ngày sẽ làm giảm khả năng thụ thai. Ngoài ra các chất cho trong loại rau này có thể dẫn đến khả năng sảy thai. Do vậy với chị em nào đang mong muốn có con thì nên hạn chế sử dụng món rau thanh mát này.

Không dùng khi bị tiểu đường

Để giải nhiệt trong những ngày nắng nóng, nhiều người thường xuyên mua rau má về chế biến thay rau, thay nước giải khát. Việc dùng quá nhiều như vậy sẽ làm tăng lượng cholesterol và lượng đường trong máu gây nguy hiểm cho sức khỏe, đặc biệt, người bị tiểu đường.

Không dùng khi bị tiêu chảy

Nhiều người cứ nghĩ nóng trong người thì uống cốc nước rau má để thanh nhiệt. Tuy nhiên họ không biết sử dụng nhiều rau má rất dễ gây ra đầy bụng và tiêu chảy. Đặc biệt, khi cho thêm đường vào nước rau má càng làm cho tình trạng rối loạn tiêu hóa nặng thêm. Vì vậy, để cân bằng, tốt nhất khi uống bạn nên ăn thêm một vài lát gừng tươi.

Không dùng khi đang sử dụng thuốc

Rau má có thể tương tác với các thuốc gây buồn ngủ và thuốc chống co giật, barbiturat, benzodiazepin, thuốc mất ngủ, và các thuốc chống trầm cảm… Nó cũng có thể làm giảm hiệu quả của insulin và thuốc tiểu đường uống khác, cũng như các thuốc hạ cholesterol.

Lưu ý: Không ăn rau má thường xuyên quá 6 tuần. Nếu muốn tiếp tục dùng thì nghỉ tối thiểu nửa tháng rồi mới dùng lại. Lượng dùng cho một ngày của một người bình thường được các nhà khoa học khuyên dùng là 1 cốc nước rau má, tương đương 40g.

Một số bài thuốc dân gian bằng rau má

– Giải nhiệt trị rôm sẩy, mẩn ngứa, mát gan, lợi tiểu: Rau má tươi 30-100g rửa sạch, giã nát, vắt lấy nước uống hàng ngày hoặc dùng máy xay sinh tố xay nhuyễn rồi hòa đường uống.

– Viêm họng và viêm amidan: Rau má tươi 60g rửa sạch, giã nát, ép lấy nước hòa với một chút nước ấm, uống từ từ.

– Ho lâu ngày: Rau má 30g, ép lấy nước uống hoặc sắc uống.

– Hạ sốt, phòng co giật cho trẻ: Rau má 60g, cỏ nhọ nồi 60g. Giã vắt lấy nước cốt uống. Bã đắp lên trán và phía trong cổ tay.

– Đái ra máu: Rau má và ích mẫu thảo mỗi thứ một nắm, rửa sạch, giã nát vắt lấy nước uống.

– Chấn thương phần mềm: Rau má tươi 20-30g giã nát, vắt lấy nước hòa với một chút rượu uống. Lở loét ống chân (chứng liêm sang): rau má tươi giã nát, đắp lên tổn thương.

Theo Giadinh.net.vn