Logo Bài Thuốc Quý

Sai lầm hay gặp khi chữa cảm cúm

01/01/2020 · SỨC KHỎE
Cảm cúm là bệnh phổ biến, hay gặp,thế nhưng rất nhiều người điều trị sai cách. Dưới đây là một sai lầm thường gặp khi điều trị bệnh cảm cúm mà bạn nên tránh.

Cảm cúm là bệnh nhiễm virus gây sốt, nhức đầu, đau cơ, mệt mỏi, ho, nghẹt mũi… Ở một số trường hợp, cúm có triệu chứng buồn nôn, ói mửa nhưng ít khi có tiêu chảy.

Cảm cúm, sai lầm khi điều trị cảm cúm

Cảm cúm là bệnh nhiễm virus gây sốt, nhức đầu, đau cơ, mệt mỏi, ho, nghẹt mũi…

Coi cảm cúm là bệnh thường gặp sẽ tự khỏi

Trong một năm, hầu như ai cũng có mắc bệnh cảm cúm ít nhất 1 lần, chị Minh Huệ ở Hà Tĩnh cũng không ngoại lệ. Đặc biệt, cứ mỗi thời tiết thay đổi là chị lập tức bị sổ mũi, giọng khàn, ngây ngấy sốt và nhức đầu từng cơn.

Cho rằng đó là bệnh thường gặp, năm nào cũng bị cả chục lần nên chị nghĩ rằng bệnh sẽ tự khỏi và không cần uống thuốc. Thế nhưng, cả tuần sau đó chị thấy bệnh không thuyên giảm, thậm chí khắp người đau ê ẩm, tay chân mỏi vô cùng, đứng không vững chị mới đi khám. Hậu quả là chị phải nằm viện điều trị suốt 1 tuần.

Bác Sĩ Lê Thị Phương Huệ, Bệnh viện đa khoa Thanh Nhàn cho biết, mỗi năm người trưởng thành đều bị cúm một vài lần, biểu hiện thông thường là đau họng, nghẹt mũi, chảy nước mũi, hắt hơi, chảy nước mắt, sốt, ho, đau đầu, đau nhức cơ thể…

Nếu không xử lý kịp thời, bệnh sẽ gây biến chứng đối với hệ thống tim mạch, viêm phế quản, viêm phổi, viêm cầu thận cấp tính, tai mũi họng, viêm tai giữa, viêm xoang, viêm họng… Những biến chứng này không chỉ ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt, sức khỏe mà còn đe dọa tính mạng. Vì vậy, khi bị cảm cúm nên kịp thời điều trị và đúng cách.

Đặc biệt là sau khi bị cảm cúm, nếu không chú ý nghỉ ngơi, mầm bệnh rất dễ xâm nhập vào các bộ phận khác, gây nhiễm trùng cơ thể như viêm amidan mủ, viêm xoang có mủ, viêm phế quản do vi khuẩn gây ra, bệnh nhân cũng có chuyển sang bệnh nghiêm trọng hơn như viêm phổi, viêm cơ tim, viêm thận…

Uống nhiều thuốc kháng sinh

Bên cạnh những người quyết tâm không uống thuốc khi bị cảm cúm thì lại có những người có quan điểm rằng, sau khi bị cảm cúm sử dụng đồng thời nhiều loại thuốc như kháng sinh thì bệnh sẽ nhanh khỏi.

Thế những trên thực tế, cảm cúm là bệnh do virus mà theo khuyến cáo về y tế, các bệnh do nhiễm virus nói chung và bệnh cảm sốt, bệnh cảm cúm nói riêng đều không nên uống các loại thuốc kháng sinh.

Thuốc kháng sinh chỉ tiêu diệt hoặc kìm hãm được các vi khuẩn chứ không có tác dụng đối với virus. Thuốc kháng sinh chỉ được dùng nếu có biểu hiện của nhiễm khuẩn và phải dùng theo chỉ định của thầy thuốc.

Kậy nên, không nên lạm dụng thuốc kháng sinh trong trường hợp này để tránh lãng phí và làm cho tình trạng kháng thuốc kháng sinh của vi khuẩn đang có nguy cơ ngày càng gia tăng trong cơ thể.

Tự ý truyền nước

Nhiều người mới bị cảm cúm đã nghĩ ngay truyền nước để có thể nhanh khỏi. Tuy nhiên việc tự ý truyền nước mà không theo khám, xét nghiệm và chỉ định của bác sĩ hoàn toàn có thể dẫn đến đe dọa tính mạng.

Nó sẽ có tác dụng trong một số trường hợp bệnh nhân bị sốt, mất nước… nhưng đều phải dưới sự theo dõi và quyết định của bác sĩ khám, điều trị khi đã xác định cơ thể bệnh nhân đang trong tình trạng như thế nào và cần những loại dịch truyền gì.

Nếu tự ý truyền nước một cách bừa bãi, truyền quá liều, truyền với tốc độ nhanh (tốc độ chảy của nước vào cơ thể) có thể gây ra dị ứng, sốc, nhiễm khuẩn, phù não, rối loạn điện giải, phù phổi, sưng tim, tình trạng nghiêm trọng sẽ nguy hiểm tới tính mạng, thậm chí còn gây sốc và dẫn đến tử vong nếu không cấp cứu kịp thời.

Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng – Trưởng khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai) thì chỉ nên truyền dịch khi sốt quá cao, nôn quá nhiều gây mất nước, đi ngoài mất nước như những bệnh nhân bị tiêu chảy, tụt huyết áp…; người bệnh không thể ăn, uống được.

Còn trong trường hợp người bệnh bị cảm cúm, cơ thể mất nước nhưng vẫn ăn uống được thì nên bù nước qua đường uống sẽ tốt hơn.

Theo Vân Anh/Phunutoday.vn