Những vấn đề có thể gặp phải khi mang thai
Chọc dò nước ối
Nếu mẹ có những yếu tố nguy cơ nhất định với các biến chứng khi mang bầu như mang thai trên tuổi 35 gia đình có tiền sử rối loạn di truyền, yếu tố Rh không tương thích… thì bác sĩ có thể chỉ định mẹ phải thực hiện chọc dò nước ối để đảm bảo an toàn cho em bé.
Chọc ối là một xét nghiệm được thực hiện bằng cách lấy nước ối với một cây kim dài chọc vào tử cung mẹ. Chất lỏng lấy được sẽ được kiểm tra để tìm ra những yếu tố nguy cơ thai nhi có thể gặp phải. Việc làm này diễn ra khá nhanh nhưng có thể sẽ làm mẹ sợ hại và đau đớn, tốt hơn hết khi bác sĩ chọc kim tiêm, mẹ nên quay đi chỗ khác.
Rh không tương thích
Nhóm máu Rh được phân ra Rh dương tính (+) và Rh âm tính (-). Nhóm máu Rh không tương thích là trường hợp ở cơ thể người mẹ thuộc nhóm Rh (-), còn thai nhi thuộc nhóm Rh (+). Lúc này, máu của người mẹ sẽ sinh ra kháng thể để kháng với máu của thai nhi. Thông thường nếu người mẹ có Rh (-), người chồng có Rh(+) thì đứa trẻ sẽ mang Rh (+).
Khi mang thai lần đầu, dạng phản ứng này phát sinh tương đối muộn, không ảnh hưởng gì lớn đến thai nhi nên vẫn có thể sinh đẻ bình thường. Nhưng mang thai lần thứ hai, nếu thai nhi vẫn thuộc nhóm máu Rh (+) thì trong nhóm máu của mẹ đã có kháng thể, vì thế hồng cầu của thai nhi sau hai, ba lần tiếp xúc với kháng thể sẽ bị phá huỷ. Tình trạng này có thể dẫn đến thai nhi bị chết trong tử cung vì thiếu máu nghiêm trọng. Nếu trong trường hợp trẻ vẫn có thể được sinh ra, trẻ sẽ bị mắc chứng vàng da, sự phát triển của não bộ, trí lực và các cơ quan trọng yếu trong cơ thể bé sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Do vậy, phụ nữ có nhóm Rh (-) phải đặc biệt chú ý khi có thai lần thứ hai trở đi.
Vì thế các mẹ cần tiến hành kiểm tra trước nhóm máu Rh của mình, nếu phát hiện sớm tình trạng không tương thích Rh giữa mẹ và thai nhi thì các bác sĩ có thể sẽ tìm cách khắc phục để đảm bảo an toàn cho cả hai trong suốt thai kỳ.
Bồn tắm nước nóng gây hại não thai nhi
Thư giãn trong bồn tắm nước nóng là sở thích của rất nhiều mẹ bầu, nhất là khi cơ thể hay mệt mỏi, đau nhức do tác dụng phụ của việc mang thai. Tuy nhiên, có thể mẹ không biết việc làm này lại có thể gây ra các biến chứng với thai nhi. Việc tăng nhiệt độ nhanh trong cơ thể (khoảng 4 độ), có thể xảy sau 10 phút ngâm mình trong bồn nước nóng, có thể khiến thai nhi gặp vấn đề xấu như tật nứt đốt sống và các dị tật bẩm sinh ở hệ thần kinh, tăng lên gấp 3 lần. Nguy cơ này xảy ra phổ biến nhất ở tuần thứ 4-6 thai kỳ – thời điểm mà nhiều phụ nữ còn chưa biết mình có thai.
Nhau thai gặp vấn đề
Nhau thai là bộ phận phát triển trong tử cung mẹ song song với hành trình em bé bắt đầu hình thành và phát triển, nhằm cung cấp chất dinh dưỡng, oxy và làm nhiệm vụ trao đổi chất thông quá dây rốn.
Thông thường, nhau thai sẽ bám vào mặt trước hoặc mặt sau đáy tử cung. Tuy nhiên, vẫn có những trường hợp nhau thai nằm thấp một cách bất thường, bánh nhau che một phần hoặc che kín toàn bộ cổ tử cung. Trường hợp này được gọi là nhau tiền đạo. Vấn đề này thường gây khó khăn và nguy hiểm cho quá trình chuyển dạ.
Tình trạng này hay xảy ra sau tuần thứ 20 của thai kỳ, được chuẩn đoán bằng cách siêu âm trước khi sinh. Dấu hiệu sớm của nhau tiền đạo là nhiều đợt ra máu đỏ tươi sau quan hệ tình dục. Nếu phát hiện nhau tiền đạo, người mẹ sẽ được khuyên nằm dưỡng thai cho đến tuần 37, và sau đó thường phải sinh mổ.
Bệnh tiểu đường thai kỳ
Tiểu đường thai kỳ xảy ra khi kích thích tố từ nhau thai giúp thai nhi phát triển gây kháng insulin ở người mẹ. Khoảng 18% phụ nữ mang thai mắc phải căn bệnh này và 9% trẻ sinh ra với cân nặng ở mức vượt chuẩn. Rõ ràng, một em bé sơ sinh ở mức vượt chuẩn sẽ khiến mẹ gặp vấn đề khó khăn khi sinh nở và em bé cũng phải đối mặt với nhiều nguy cơ xấu.
Thai nhi ị phân su trong bụng mẹ
Phân su là phân đầu đời của bé, được thải ra sau khi em bé chào đời, tuy nhiên có khoảng 10-15% ca mang thai em bé đi đại tiện ngay trong khi vẫn nằm trong tử cung.
Phân su là một chất lỏng màu đen khi bị thải ra khỏi cơ thể bé sẽ lẫn vào nước ối. Điều này không chỉ gây mất vệ sinh khi mẹ sinh con mà còn có thể dẫn đến vấn đề nghiêm trọng khi em bé hít phải phân su khiến việc thở của bé sẽ khó khăn hơn.
Bấm ối
Khi ca vượt cạn bắt đầu, nếu nước ối của mẹ không tự vỡ hoặc nước ối rỉ không đủ mạnh thì bác sĩ sẽ can thiệt bằng việc bấm ối. Ngay sau khi bác sĩ thực hiện thủ thuật này, nước ối sẽ tràn ra rất nhanh và có thể khiến mẹ bất ngờ. Thủ thuật này có tác dụng thúc đẩy quá trình sinh nở nhanh hơn nhưng nhiều người cũng lo ngại sẽ đe dọa đến sức khỏe của em bé.
Bị nám da
Chứng nám da còn được gọi là “mặt nạ thai kỳ” xảy ra do sự gia tăng estrogen và progesterone khiến tăng sắc tố melanin và kết quả là làm làn da mẹ bầu tối màu hơn. Tình trạng này xảy ra phổ biến trên má và trán và sẽ giảm dần sau 3 tháng đầu.
Ngoài ra, để hạn chế nám da, các mẹ bầu hãy bổ sung vào thành phần ăn uống của mình các thực phẩm dồi dào axit folic (rau có màu xanh thẫm, cam, bánh mì, ngũ cốc….); uống đủ 2 lít nước mỗi ngày; tăng cường các loại thực phẩm chứa nhiều canxi, vitamin A, C, E…
Rạch tầng sinh môn
Khi phụ nữ sinh con, theo tự nhiên, âm đạo sẽ tự động mở rộng các lớp cơ ở giữa để cơ thể thai nhi dễ dàng chui qua. Tuy nhiên, mặc dù âm đạo của mẹ bầu đã tự động giãn ra theo sinh lý bình thường nhưng việc sinh nở khi đó vẫn còn rất khó khăn. Trong thực tế lúc chào đời, đường kính đầu em bé thông thường sẽ vào khoảng 10cm.
Để việc sinh thường được diễn ra suôn sẻ hơn, các nữ hộ sinh thường sẽ rạch một đường nhỏ trên tầng sinh môn. Thông thường vết cắt tầng sinh môn không quá to, một số phụ nữ thuộc dạng dễ đẻ, đẻ rơi thậm chí còn không cần phải rạch.
Sa sinh dục
Sa sinh dục là bệnh không nguy hiểm đến tính mạng, nhưng lại ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt, lao động của phụ nữ. Bệnh thường gặp ở những chị em trải qua nhiều lần sinh nở, đẻ quá sớm, quá dày và những lần đẻ trước không được đỡ đẻ an toàn, đúng kỹ thuật. Sau mỗi lần sinh nở đáy chậu không còn bền chắc như trước. Đặc biệt những người có tiền sử chuyển dạ kéo dài, đẻ khó càng dễ bị sa sinh dục. Những người đi làm quá sớm sau khi sinh cũng có nguy cơ bị sa sinh dục cao.
Chính vì thế, để phòng tránh bệnh này phụ nữ nên sinh nở ít, chỉ nên có từ 1 đến 2 con và nên sinh đẻ trong độ tuổi 22 – 29. Đặc biệt sau khi sinh nở, cần được nghỉ ngơi đủ thời gian cho các cơ và dây chằng vùng đáy chậu co trở lại.