Những lưu ý cho mẹ bầu khi đi máy bay
Vừa qua (4/3), hành khách trên chuyến bay BL590 từ Tp.HCM về Đà Nẵng đã được phen “hú vía” khi một phụ nữ mang thai ở tuần 36 bất ngờ chuyển dạ sinh con. Với sự giúp đỡ của bác sĩ người Anh và tiếp viên trưởng trong chuyến bay, ca đỡ đẻ may mắn đã thành công “mẹ tròn con vuông”. Đây không phải là trường hợp cá biệt bởi trên thế giới cũng đã từng xảy ra khá nhiều ca sinh con ở độ cao hàng nghìn mét.
Sự những sự việc này, rất nhiều thai phụ băn khoăn đặt ra câu hỏi: Vậy mang bầu có được đi máy bay? 3 tháng đầu, 3 tháng cuối đi máy bay có ảnh hưởng tới sức khỏe của mẹ và thai nhi? Trong tình thế buộc phải đi thì cần có những lưu ý gì?
Kiểm tra sức khỏe của thai phụ và thai nhi trước khi xuất hành
Theo bác sĩ CK1 Hồ Thị Hoa, nguyên Trưởng khoa Phụ sản – BV Đa Khoa tỉnh Quảng Trị, phụ nữ mang thai, đặc biệt là 3 tháng đầu và 3 tháng cuối không nên đi lại bằng máy bay.
“3 tháng đầu của thai kỳ, do bánh nhau chưa thành lập nên thai rất dễ xảy ra hiện tượng động thai và sảy thai nên các chị em không nên di chuyển bằng máy bay. Ngoài ra, khi đi máy bay, các triệu chứng nôn, nghén trong khi mang thai sẽ trầm trọng hơn, ảnh hưởng tới sức khỏe của mẹ bầu.”, bác sĩ Hồ Thị Hoa cho biết.
Thai phụ cần kiểm tra sức khỏe của mình và con trước khi xuất hành. (ảnh minh họa)
Bác sĩ cho biết thêm, đối với bà bầu mang thai 3 tháng cuối cũng cần tránh bay đề phòng chuyển dạ sớm. Bởi, do áp suất thay đổi theo độ cao khiến quá trình lưu thông máu trong cơ thể thai phụ thay đổi, dòng máu nuôi dưỡng thai nhi chảy không đều, gây kích thích tử cung dẫn đến sinh non. Ngoài ra, việc ngồi trên máy bay trong môi trường áp suất thay đổi sẽ gây ứ đọng máu ở phần dưới cơ thể.
“Nếu mẹ bầu buộc phải di duyển bằng máy bay thì cần kiểm tra sức khỏe của chính mình và thai nhi trước khi xuất hành. Ngoài ra, có nhiều hãng hàng không yêu cầu cần phải có giấy xác nhận của bác sĩ về số tuần thai và đủ sức khỏe hay không để thực hiện chuyến bay. Đặc biệt, phụ nữ mang thai trên 36 tuần tuyệt đối không được đi máy bay”, bác sĩ khuyến cáo.
Lưu ý khi đi máy bay dành cho bà bầu
Bác sĩ Hồ Thị Hoa nhấn mạnh, những thai phụ có vấn đề về sức khỏe như thường tăng huyết áp, tim mạch, tiểu đường thai kỳ hoặc có tiền sử sinh non, máu vón cục hoặc đã từng sinh đôi sinh ba,…tuyệt đối không được di chuyển bằng máy bay.
Ngoài ra, những thai phụ có thể hoặc buộc phải sử dụng máy bay cần lưu ý những vấn đề sau:
– Cần đặt vé có chỗ ngồi phía giữa khoang gần cánh máy bay để giảm thiểu dao động khi phi cơ rơi vào vùng nhiễu áp suất. Đồng thời, lấy chỗ ngồi cạnh lối đi để dễ dàng đi lại hoặc tới phòng vệ sinh.
– Thắt dây an toàn dưới bụng và trên đầu bắp đùi để mẹ và thai nhi được an toàn tuyệt đối.
– Khi bay chuyến dài, mẹ bầu nên tập các động tác thể dục cho chân khoảng 15 phút/ lần để tránh hiện tượng đông máu và giãn tĩnh mạch.
– Mang thai trên 28 tuần không nên đi một quãng đường quá xa. Bởi, đi lâu rất dễ dẫn đến hiện tượng sinh non, tăng huyết áp và xuất hiện những cực máu đông trong các tĩnh mạch ở chân.
– Ngoài ra, sản phụ nên ăn uống đầy đủ khi lên máy bay, tránh ăn những thức ăn và đồ uống có ga. Trong suốt chuyến bay, mẹ bầu cần uống nhiều nước trái cây và sữa để không bị mất nước.