Logo Bài Thuốc Quý

Những điều cần biết về bệnh viêm gan A

01/01/2020 · SỨC KHỎE
Bệnh viêm gan A (tên đầy đủ là viêm gan siêu vi A) gây ra bởi một loại vi-rút được các bác sĩ đặt tên là siêu vi viêm gan A.

Viêm gan a

BIỂU HIỆN CỦA BỆNH

Siêu vi viêm gan A chỉ gây bệnh viêm gan A cấp tính chứ không gây viêm gan mạn tính. Bệnh có thể biểu hiện rõ qua chứng vàng da vàng mắt, mệt mỏi, nhưng cũng có khi dễ bị nhầm với bệnh khác hoặc bỏ qua.

* VIÊM GAN A CẤP THỂ KHÔNG TRIỆU CHỨNG:

- Chiếm 70% số trường hợp viêm gan A cấp.

- Bệnh nhân hoàn toàn không có các biểu hiện của viêm gan cấp như vàng mắt, vàng da, tiểu sậm màu, đau tức gan.

- Thường trước đó một-hai tuần, bệnh nhân có biểu hiện giống cảm cúm, mệt mỏi, ăn uống kém thoáng qua nên thường không chú ý.

* VIÊM GAN A CẤP THỂ KHÔNG VÀNG DA:

- Chiếm 20% số trường hợp viêm gan A cấp.

- Sau thời gian ủ bệnh trung bình khoảng 30 ngày, bệnh nhân có các biểu hiện: mệt mỏi, ăn không ngon, đầy bụng nên đôi khi có thể bị chẩn đoán nhầm là viêm dạ dày. Thậm chí, một số trường hợp bị ngứa, nổi mề đay nên bệnh nhân đi khám bệnh da liễu. Tuy nhiên nếu chú ý kỹ, bệnh nhân thường có triệu chứng tiểu sậm màu, tiểu vàng mặc dù vẫn uống nhiều nước

- Xét nghiệm máu có men gan tăng cao.

* VIÊM GAN A CẤP THỂ CÓ TRIỆU CHỨNG:

- Chỉ chiếm khoảng 10% trường hợp viêm gan A cấp.

- Bệnh khởi đầu với các triệu chứng như mệt mỏi, sốt nhẹ, mỏi cơ, ăn không ngon, sau đó từ từ bệnh nhân có các biểu hiện của viêm gan cấp như tiểu sậm màu, vàng mắt, vàng da tăng dần và đau tức vùng gan.

- Khám bệnh phát hiện gan to, mềm, đau tức.

- Xét nghiệm máu có men gan và chất bilirubine tăng cao. Siêu âm có thể thấy gan to, phù nề.

Sau giai đoạn cấp tính, 99% các trường hợp gan sẽ hồi phục từ từ trong vòng một-ba tháng và sau sáu tháng thì gần như gan hồi phục hoàn toàn.

XỬ LÝ

- Chế độ sinh hoạt – ăn uống:

+ Bệnh nhân cần nghỉ ngơi, không làm việc nặng trong ít nhất một-hai tuần.

+ Tránh tập thể dục trong vòng bốn tuần lễ.

+ Không thức khuya.

+ Uống nhiều nước.

+ Ăn nhiều rau và trái cây.

Viêm gan a ăn nhiều trái cây

+ Ăn thức ăn mềm, dễ tiêu hóa.

+ Hạn chế thức ăn nhiều béo và thức ăn chiên xào.

Cần nhập viện theo dõi khi:

- Vàng da nhiều kèm theo ngứa hoặc đi phân bạc màu.

- Người quá mệt mỏi, ăn uống kém hay không ăn uống được.

- Đau tức vùng gan nhiều.

- Kèm theo sốt trên 380C.

- Có các mảng bầm máu ở da.

- Chảy máu cam tự nhiên hay chảy máu răng tự nhiên hay khi đánh răng.

- Ngủ nhiều, ít tiếp xúc hoặc bị run tay chân.

PHÒNG NGỪA

Bệnh viêm gan A chỉ lây qua đường phân và miệng nên cần chú ý:

- Bảo vệ nguồn nước sạch:

+ Không nên đổ phân, nước tiểu, chất thải nói chung xuống sông, suối, ao hồ.

+ Nguồn nước ăn uống phải riêng biệt với nguồn nước sinh hoạt (tắm giặt…).

+ Nước dùng để ăn uống phải có nơi chứa riêng và được che đậy cẩn thận.

- Vệ sinh môi trường:

+ Vệ sinh nhà cửa, không để nước tù đọng.

+ Đi vệ sinh ở nhà vệ sinh, không nên làm nhà vệ sinh trên kênh rạch, ao hồ.

- Vê sinh cá nhân và an toàn vệ sinh thực phẩm:

+ Chọn thực phẩm an toàn rõ nguồn gốc xuất xứ.

+ Rửa tay sạch dưới vòi nước chảy và rửa tay bằng xà bông trước khi chế biến thức ăn và trước khi ăn.

+ Ăn chín, uống sôi, ở sạch. Không nên ăn thức ăn sống, thịt tái, thịt sống.

TIÊM CHỦNG

- Viêm gan A đã có thuốc chủng ngừa, hiệu quả khá cao với liều tiêm đầu tiên đã có hiệu quả tạo kháng thể bảo vệ sau hai tuần ở 94-100% số trường hợp. Sau đó cần tiêm nhắc lại một liều sau 6-12 tháng.

- Thực tế ở Việt Nam thì chỉ cần chủng ngừa viêm gan A cho những người dưới 18 tuổi, vì theo thống kê ở các nước đang phát triển trong đó có Việt Nam, 90% số người trên 18 tuổi đã có kháng thể bảo vệ tự nhiên đối với viêm gan A.

BS CKII TRẦN NGỌC LƯU PHƯƠNG
(Trưởng đơn vị Tiêu hóa can thiệp – BV Nguyễn Tri Phương, TP.HCM)

Theo Phunuonline.com.vn