Logo Bài Thuốc Quý

Nên ngủ mấy tiếng mỗi ngày tốt nhất?

01/01/2020 · SỨC KHỎE
Giấc ngủ rất quan trọng đối với sức khỏe, giúp cơ thể nghỉ ngơi sau mỗi ngày lao động mệt mỏi. Tuy nhiên việc ngủ quá nhiều cũng không tốt. Vậy nên ngủ mấy giờ mỗi ngày thi tốt nhất? Đó là câu hỏi có lẽ nhiều người thắc mắc, theo các chuyên gia thì chúng ta nên ngủ khoảng 6 - 8 tiếng mỗi ngày là tốt nhất.

Trang tin OneMK dẫn nghiên cứu mới đây của tổ chức Sleep Council được tiến hành tại ĐH Warwick cho thấy tình trạng thiếu ngủ có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng, làm tăng nguy cơ bệnh tim, đột quỵ, đái tháo đường và béo phì. Sleep Council cũng phát hiện rằng những người ngủ ít hơn 6 giờ/ngày có nguy cơ tử vong sớm vì bệnh tật cao hơn 12% so với những người ngủ từ 6 – 8 giờ/ngày.

Ngủ, ngủ mấy tiếng mỗi ngày

Ngủ đầy đủ giúp điều hòa các hormone duy trì cuộc sống bình thường trong cơ thể. Ảnh: OneMK

Các nhà khoa học cũng nhận thấy việc sử dụng thiết bị công nghệ cao hiện đại như điện thoại thông minh, máy tính bảng trước khi ngủ có thể gây mất ngủ vì hạn chế mức độ melatonin – vốn là hormone đóng vai trò quan trọng để duy trì nhịp sống bình thường của cơ thể. Thiếu ngủ cũng khiến sự cân bằng các hormone liên quan đến ăn uống như leptin và ghrelin bị gián đoạn.

Do đó, chính quyền Anh mở cuộc vận động khuyến khích ngủ đầy đủ, nhất là những người trong độ tuổi từ 40-60. Cuộc vận động này được xem như một bộ phận trong chiến lược cải thiện sức khỏe quy mô toàn quốc.

Một tổ chức phi lợi nhuận có tên là Quỹ Giấc ngủ Quốc gia (NSF) cùng với 18 nhà khoa học về y tế giỏi nhất đã xem xét hơn 300 nghiên cứu về các giấc để cố gắng tìm câu trả lời cuối cùng cho câu hỏi này.

Câu trả lời rất ngắn gọn, đương nhiên, rằng “nó còn tùy”. Không có con số nào được gọi là hoàn hảo với mỗi người. Tuy vậy, báo cáo của NSF (được đăng tải trên Tạp chí Sức khỏe Giấc ngủ - Sleep Health Journal) đã đưa ra khuyến nghị chung về số giờ ngủ mỗi ngày cho tất cả các nhóm tuổi khác nhau.

Số giờ ngủ tối ưu mỗi ngày đối với các nhóm tuổi được NSF khuyến cáo như sau:

- Trẻ sơ sinh (0-3 tháng): 14-17 giờ mỗi ngày.

- Trẻ từ 4-11 tháng: 12-15 giờ mỗi ngày.

- Trẻ từ 1-2 tuổi 11-14 giờ mỗi ngày.

- Trẻ mẫu giáo (3-5 tuổi) 10-13 giờ mỗi ngày.

- Trẻ tiểu học (6-13): 9-11 giờ mỗi ngày.

- Thanh thiếu niên (14-17 tuổi): 8-10 giờ mỗi ngày.

- Thanh niên (18-25 tuổi): 7-9 giờ mỗi ngày.

- Người trưởng thành (26-64 tuổi): 7-9 giờ mỗi ngày.

- Người già (trên 65 tuổi): 7-8 giờ mỗi ngày.

Nhìn vào bảng khuyến cáo nói trên, với ba nhóm cuối, nhóm những người trưởng thành (từ 18- trên 65 tuổi) nhiều người sẽ cảm thấy rằng, 7 giờ là số giờ hoàn hảo mỗi ngày.

Tuy nhiên, khuyến cáo đã chia tách ra 2 nhóm nhỏ hơn là thanh niên (18-25 tuổi) và người già (trên 65 tuổi) và khuyến cáo rằng, những người trưởng thành trẻ tuổi có thể nên ngủ nhiều hơn một chút so với những người lớn tuổi.

Có một giấc ngủ ngon không phải là điều dễ dàng nhất là trong xã hội hiện đại, song nó cực kỳ quan trọng đối với sức khỏe của bạn. Do vậy, hãy chắc chắn rằng bạn đã ngủ đủ giấc mỗi ngày.

Một số nghiên cứu khác:

Ngủ quá nhiều giống như người say

Khi ngủ nhiều, đầu óc trở nên mụ mị, tay chân có có cảm giác phù nề. Các nhà khoa học gọi cảm giác này là “thuỵ tuý” (ngủ say rượu), cảm giác ngủ quá giờ và cảm giác khi say rượu rất giống nhau, nhưng khác với tổn thương mạnh mẽ của hệ thần kinh do cồn rượu gây ra, “thuỵ tuý” là do phần thần kinh não bộ phụ trách kiểm soát tuần hoàn thường nhật của cơ thể bị hoạt động nghỉ ngơi làm việc lẫn lộn gây nên.

Các chuyên gia cho biết, thiếu ngủ làm ảnh hưởng sức khoẻ, nhưng ngủ quá nhiều trong thời gian dài cũng sẽ tạo nên vấn đề tương tự, đặc biệt là một số người bị mắc chứng rối loạn giấc ngủ Hypersomnia còn có liên quan chặt chẽ tới các chứng rối loạn tâm trạng như trầm cảm, trang sức khoẻ gmw.cn cho hay.

Ngủ quá nhiều làm tăng khả năng mắc bệnh

Nói tới rối loạn giấc ngủ, người ta thường nghĩ đến các triệu chứng như mất ngủ, khó ngủ, tỉnh ngủ sớm..., mà không biết, thường xuyên ngủ quá giấc, hay cảm thấy ngủ không tỉnh dậy nổi cũng có thể đe doạ đến sức khoẻ, thậm chí còn tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, bệnh tim mạch và chứng béo phì.

Các nhà nghiên cứu Mỹ từng tiến hành một cuộc điều tra dài 7,5 năm đối với hơn 90.000 đối tượng nữ từ 50 đến 79 tuổi, kết quả nhận thấy, những người ngủ hơn 9 tiếng/ngày có nguy cơ bị tai biến tăng 70% so với những người ngủ 7 tiếng/ngày. Một nghiên cứu sức khoẻ của đại học Harvard (Mỹ) cũng có một lượng lớn số liệu cho thấy, những người buổi tối ngủ từ 9 đến 11 tiếng có nhiều khả năng xuất hiện các vấn đề về trí nhớ và bệnh tim hơn so với người thường xuyên ngủ đủ 8 tiếng/ngày (người ngủ ít hơn sẽ có vấn đề lớn hơn). Các nghiên cứu khác cho thấy, ngủ nhiều quá mức có quan hệ với bệnh tiểu đường, chứng béo phì và thậm chí là chết sớm.

Tuy nhiên, theo bác sĩ Yi Nham, chuyên gia về giấc ngủ thuộc bệnh viện Số 7 thành phố Hàng Châu, Trung Quốc, hiện tại vẫn chưa rõ nguyên nhân vì sao ngủ nhiều lại dẫn đến xuất hiện các vấn đề sức khoẻ như trên.

Nghiên cứu của đại học Harvard đánh giá, nhóm người thường xuyên ngủ nhiều quá mức chiếm đến 4% tổng dân số. Nhưng bác sĩ Y Nham cho biết, số người đến khám do ngủ nhiều quá mức rất ít. “Buổi tối không ngủ được, mọi người đều lo lắng, nhưng họ nghĩ ngủ được là phúc, rất ít người ý thức được việc ngủ nhiều cũng có vấn đề.”

Trên thực tế, một số trường hợp ngủ quá mức có liên quan đến một số bệnh. Tiến sĩ Từ Phang Trung, thuộc bệnh viện Số 7 thành phố Hàng Châu nói, trong số những người bị bệnh trầm cảm hoặc có tâm trạng phiền muộn, nhiều người có các vấn đề về giấc ngủ, một số người biểu hiện ra là khó ngủ, tỉnh dậy sớm, còn một số thì lại biểu hiện ra là ngủ nhiều quá độ (hội chứng Hypersomnia), ngủ không tỉnh dậy nổi. Về lâm sàng, có những bệnh nhân trầm cảm buổi tối phải ngủ 13-14 tiếng, ban ngày vẫn cảm thấy buồn ngủ, nhiều người vì vậy mà không làm việc được, chỉ có thể cả ngày ở nhà uể oải.

Tại phòng khám của bác sĩ Từ Phang Trung, còn có trường hợp bệnh nhân đến khám học phổ thông, bình thường học rất chăm, thành tích học tập cũng không tồi, nhưng mỗi khi đến trước ngày thi thì lại xuất hiện triệu chứng bồn chồn, ngủ không tỉnh, thường xuyên kêu buồn ngủ, có lúc ngủ bố mẹ gọi cũng không tỉnh. Đây thực ra cũng là một dạng bệnh tâm lý, có liên quan đến áp lực tâm lý trước kỳ thi mà các em học sinh phải đối mặt.

Có những trường hợp ngủ quá nhiều do vấn đề tâm lý, nhưng có trường hợp ngủ quá nhiều do vấn đề sinh lý, ví dụ như các bệnh não hữu cơ như tai biến não, viêm não, sẽ khiến người bệnh xuất hiện triệu chứng ngủ quá nhiều.

Một người ngủ bao lâu thì được coi là bình thường? Đối với người trưởng thành, thời gian ngủ tiêu chuẩn cần thiết là 6-8 tiếng, người cao tuổi ít hơn tiêu chuẩn trên 1-2 tiếng, thanh thiếu niên có thể tăng thêm 1-2 tiếng. Đối với trẻ nhỏ, thời gian ngủ cần dài hơn nữa.

Tiến sĩ Từ cho biết, về thời gian ngủ, mặc dù có sự khác biệt cá thể, nhưng cũng không chênh lệch quá nhiều. Nếu thời gian ngủ buổi tối đã đủ, mà ban ngày vẫn cứ cảm thấy uể oải, thèm ngủ, trước tiên có thể thông qua cải thiện môi trường ngủ để giải quyết, ví dụ như đổi sang một môi trường yên tĩnh, trải chăn nệm mềm mại, thay bộ áo ngủ rộng rãi thoải mái. Nếu triệu chứng ngủ nhiều lặp đi lặp lại liên tục, tốt nhất nên đến bệnh viện khám, xem đằng sau nó có tồn tại nhân tố bệnh tật nào không.

Thân Thiện (Tổng hợp)