Hội chứng bệnh văn phòng SBS là gì?
Theo Y học, chúng được xếp vào nhóm bệnh không lây nhiễm. Tuy vậy, trầm trọng hơn là bệnh có tính kinh niên, kéo dài cả đời nếu không biết cách chăm sóc thích hợp.
Tưởng nhẹ hóa nặng
Chị Hồng Hạnh (Quận Thủ Đức, TP.HCM) là dân văn phòng, suốt ngày phải làm việc bên máy tính. Gần đây, chị cảm thấy khó chịu khi đi vệ sinh, số lần đi vệ sinh ít hơn, thỉnh thoảng còn thấy máu kèm phân khi đi ngoài. Tưởng do dạo này ăn uống thiếu chất xơ nên chị cũng ít quan tâm, nhưng sau một thời gian bổ sung rau củ tình hình không những không cải thiện mà còn nặng thêm, chị lo quá xin nghỉ làm để đi khám và sững sờ khi phát hiện mình bị trĩ. Từ trước đến nay, chị chỉ nghĩ bệnh trĩ chỉ gặp ở người già hệ tiêu hóa kém, hay phụ nữ mang thai bị táo bón lâu ngày, áp lực của thai nhi làm tăng nguy cơ bị bệnh trĩ. Đằng này chị mới 29 tuổi, chưa chồng con, sao lại mắc căn bệnh quái ác này.
Nhờ bác sĩ tư vấn chị mới biết, bệnh trĩ là một bệnh lý ở vùng hậu môn trực tràng, rất phổ biến, gặp nhiều ở người già và phụ nữ mang thai. Tuy nhiên, ngày nay bệnh trĩ đang có xu hướng trẻ hóa dần ở dân văn phòng do họ rất ít vận động. Điều này làm tăng áp lực đối với các tĩnh mạch ở hậu môn và trực tràng, tăng nguy cơ mắc và tăng độ nặng của bệnh trĩ. Điều đáng lo ngại là, khi biết mình có những dấu hiệu nghi ngờ là bệnh trĩ, nhưng người bệnh vẫn ngại đi khám, kiêng khem ăn uống không hợp lý hoặc tự ý chữa trị dẫn tới bệnh càng trở nên trầm trọng hơn.
Còn Anh Hải, 29 tuổi ở quận 4, Tp.HCM lại thường xuyên cảm thấy đau hai hố mắt vào buổi sáng, đôi khi hoa mắt, nhức đầu ù tai. Anh nghĩ mình bị bệnh về mắt do dạo này dùng máy tính nhiều. Sau một ngày làm việc ở công ty, tối về nhà anh lại cầm iPad xem báo hoặc phim ảnh giải trí. Anh thường kê cao gối nằm xem. Khám tổng quát, anh rất ngạc nhiên bởi không phải bệnh về mắt mà bị thoái hóa cổ do thường xuyên sinh hoạt và làm việc không đúng tư thế.
Chị Yến, một kiến trúc sư 27 tuổi tâm sự, trong thời gian làm việc chỉ cần đột ngột đứng dậy là đầu óc chị lại xây xẩm, hoa mắt chóng mặt, thường xuyên bị hạ đường huyết. Còn trong văn phòng chị làm, những bệnh như huyết áp thấp, đau nửa đầu, cảm cúm phổ biến đến mức nhân viên nào cũng có một tủ thuốc cá nhân để sử dụng.
Chia sẻ trong buổi nói chuyện tại Nhà Văn hóa phụ nữ Tp.HCM, bác sĩ chuyên khoa II Lê Thị Tuyết Nhung thuộc Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TP HCM cho biết, cũng như tóc bạc, da nhăn, loãng xương… thoái hóa cột sống là căn bệnh mà hầu hết mọi người mắc phải, vấn đề là thời gian. Thoái hóa cột sống thường xuất hiện ở lứa tuổi 35-40, bệnh đang có xu hướng trẻ hóa, đặc biệt đối với dân văn phòng.
“Lối làm việc đang giết chết loài người”
Y sĩ đoàn ở các nước phương Tây không vô cớ khi liên tục cảnh báo về “hội chứng văn phòng cao ốc”. Họ gióng cao tiếng chuông báo động là phải vì con người giam mình nhiều giờ trong văn phòng đóng kín, máy lạnh chạy tối đa lại thêm không gian sống không ngừng ô nhiễm… khó tránh khỏi là miếng mồi ngon của một số căn bệnh như bội nhiễm đường hô hấp dưới dạng đau họng, khan tiếng, ho dai dẳng vì lạnh vùng yết hầu và lòng bàn chân.
Viêm loét dạ dày vì sáng sớm thiếu bữa điểm tâm vì quá bận rộn, căng thẳng vì stress lại thêm bữa ăn thất thường. Rối loạn trục thần kinh – biến dưỡng – nội tiết vì tai hại của chất kích ứng như thuốc lá, cà phê, giảm sút khả năng tư duy, chức năng sinh dục càng lúc càng mất điểm… Ngồi lâu, sử dụng máy lạnh không hợp lý, tiếp xúc với máy vi tính quá nhiều, áp lực công việc căng thẳng cũng là nguyên nhân gây ra các bệnh nguy hiểm về cột sống, thần kinh, xương khớp, tuần hoàn, hô hấp, mắt, da…
Nếu tưởng chuyện chỉ qua loa thì lầm. Theo đánh giá của Tổ chức Y tế Thế giới, chính vì phải dùng thuốc kháng sinh, kháng viêm, kháng toan… quá thường mà sức đề kháng bị xói mòn. Nhiều căn bệnh nghiêm trọng khác chỉ chờ có thế để thừa nước đục thả câu!
Một cuộc khảo sát tại Mỹ đăng trên Asiaone.com, trung bình mỗi ngày một nhân viên phát triển kinh doanh phải làm việc từ 8 đến 12 tiếng đồng hồ tại công sở. Việc ngồi lâu một chỗ ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, tuy nhiên đa phần người làm văn phòng không nhận thức được điều này.
“Lối làm việc ngồi đang “giết chết” loài người”, PGS.TS Hoàng Công Đắc, chuyên gia trong lĩnh vực ngoại khoa nhấn mạnh. Theo ông, việc ngồi nhiều của dân văn phòng không chỉ gây mỏi mà còn dẫn đến nhiều nguy cơ bệnh tật do lối sống tĩnh tại, làm giảm tuổi thọ.
Theo các nghiên cứu tại Úc từ năm 2006 – 2012 với 200.000 người trên 45 tuổi cho thấy: những người ngồi trên 11 giờ/ngày có nguy cơ tử vong cao hơn gần gấp đôi so với người ngồi dưới 4 giờ/ngày. “Tỷ lệ mắc bệnh tim ở những người làm việc tư thế ngồi cao gấp hai lần người làm việc ở tư thế đứng. Điều đó giải thích hiện tượng: các cán bộ lãnh đạo ngồi trong phòng máy lạnh điều hành gián tiếp chưa hẳn đã sống lâu hơn những công nhân lắp ráp trong cùng một nhà máy”.
Những chuyên gia y tế hàng đầu về vô sinh nam mới đây báo động: Trong những năm 1950 mỗi ml tinh dịch chứa 120 triệu tinh trùng nay còn trung bình 60 triệu. Nguyên nhân do ngồi nhiều với tư thế kẹp tinh hoàn nhất là khi làm việc với máy tính xách tay thường ngồi và đặt máy tính lên đầu gối làm nhiệt độ ở vùng tinh hoàn nóng lên.
Dù rằng bệnh văn phòng không gây nguy hiểm ngay lập tức, nhưng nếu chúng ta thiếu chú ý đến, theo thời gian sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Hãy tập thói quen thả lỏng cơ thể ít phút trong thời gian dài làm việc mỗi ngày, ngồi đúng cách, ăn uống hợp lý, bổ sung vitamin và khoáng chất sẽ giúp bạn tăng sức sống, tinh thần minh mẫn và làm việc khỏe khoắn. Vì SBS là sự “tổng hợp” các loại bệnh nên khi thấy mình có những triệu chứng kéo dài, bạn cần đến khám tổng quát để được tư vấn bệnh cụ thể và sau đó điều trị ở các bác sĩ chuyên khoa.