Dấu hiệu nhận biết mẹ bầu dễ sinh thường
Không phải mẹ bầu nào cũng có may mắn đẻ thường dễ dàng. (ảnh minh họa)
Đẻ thường dễ dàng là mong muốn của tất cả các mẹ, tuy nhiên không phải ai cũng có được may mắn này. Dù vậy, nếu bạn đang có được những đặc điểm dưới đây, rất có thể bạn sẽ chào đón con yêu rất thuận lợi.
Mẹ có xương chậu to
Nếu mẹ sở hữu xương chậu rộng và nông thì khả năng em bé chui qua trong quá trình sinh thường là rất dễ dàng, suôn sẻ. Ngược lại, những mẹ xương chậu hẹp và sâu thì em bé sẽ khó ra ngoài hơn, dẫn đến ca sinh nở kéo dài thời gian và mất nhiều sức lực. Một số bà bầu xương chậu quá hẹp hoặc có dị tật/biến dạng xương chậu sẽ được bác sĩ chỉ định sinh mổ ngay từ khi mang thai vì nếu sinh thường sẽ rất khó khăn và nguy hiểm.
Mẹ chăm chỉ tập thể thao
Việc tập thể thao trong thai kỳ luôn được khuyến khích bởi nó mang lại rất nhiều lợi ích tích cực. Không chỉ giúp mẹ bầu bớt mệt mỏi, giảm ốm nghén mà còn giúp mẹ bầu dễ dàng sinh thường hơn. Vì vậy, mẹ bầu nên chăm chỉ luyện tập thể thao đều đặn mỗi ngày. Tuy nhiên, trước khi bắt đầu một môn tập nào đó, mẹ nên tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa. Những môn thể thao phổ biến với mẹ bầu là bơi lội, đi bộ, yoga…
Mẹ đã từng sinh thường dễ
Nếu mẹ đã từng sinh con lần đầu dễ dàng, không mất quá nhiều thời gian đau đẻ, rặn đẻ… thì rất có thể đến những lần sau mẹ cũng sẽ chào đón con yêu mà không phải mất quá nhiều sức lực.
Mẹ sở hữu thai nhi có cân nặng, vòng đầu vừa phải
Cân nặng của thai nhi ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sinh của mẹ. Thông thường, những em bé có cân nặng vượt chuẩn sẽ khiến mẹ phải khó khăn hơn nhiều để đẩy em bé ra ngoài. Những bé có cân nặng trong khoảng 3 – 3,5kg thì cuộc sinh của mẹ sẽ thuận lợi hơn. Tuy nhiên, không chỉ cân nặng, một số bé có chu vi vòng đầu lớn cũng khó ra ngoài hơn những bé khác. Một số trường hợp em bé có trọng lượng bình thường nhưng vòng đầu quá lớn nên mẹ vẫn được chỉ định sinh mổ.
Thông thường, những em bé có cân nặng vượt chuẩn sẽ khiến mẹ phải khó khăn hơn nhiều để đẩy em bé ra ngoài. (ảnh minh họa)
Mẹ tăng cân đúng chuẩn khi mang bầu
Không chỉ cân nặng của thai nhi, cân nặng của người mẹ tăng lên trong thai kỳ cũng ảnh hưởng không nhỏ đến ca sinh. Với những mẹ thừa cân, béo phì, ca sinh sẽ kéo dài và khó khăn hơn; ngược lại, những mẹ bầu với cân nặng chuẩn sẽ dễ sinh và “dai sức” hơn nhiều. Đó chính là lý do các chuyên gia luôn khuyên mẹ bầu tăng cân vừa phải và không nên tẩm bổ quá nhiều, ăn cho 2 người khi mang thai. Theo các chuyên gia, trong thai kỳ, phụ nữ chỉ cần bổ sung thêm khoảng 300 calo là đủ.
Mẹ có ngôi thai thuận
Thông thường, ở những tháng cuối thai nhi sẽ quay đầu xuống dưới để chuẩn bị chào đời. Những em bé có ngôi thai thuận (đầu quay xuống dưới, mặt úp bên trong bụng mẹ) sẽ chào đời dễ dàng hơn. Tuy nhiên, một số bé có ngôi thai ngược, thai ngôi mông, ngôi ngang, ngôi chân… sẽ khiến việc ra ngoài gặp nhiều khó khăn. Tùy vào các tư thế của bé khi mẹ cận kề ngày sinh, bác sĩ sẽ tính toán và cân nhắc để đưa ra lời khuyên mẹ có thể sinh thường được không hay bắt buộc phải mổ lấy thai.
Tuổi của mẹ khi sinh nở không quá già
Theo các nghiên cứu, những bà bầu ở độ tuổi 22 – 29 thường dễ dàng sinh con hơn vì cơ thể đang sung sức, dẻo dai hơn. Nếu sinh nở quá sớm, cơ thể chưa phát triển đầy đủ hoặc mang thai khi tuổi đã cao, sức khỏe kém dần sẽ khiến người mẹ sinh nở khó khăn, dễ gặp các tai biến sản khoa không mong muốn. Do đó, để cuộc sinh nở dễ dàng, mẹ hãy lên kế hoạch mang thai trong độ tuổi được khuyến cáo 22 – 29. Đây cũng là độ tuổi được các chuyên gia khuyên nên mang bầu để tốt nhất cho em bé.