Dấu hiệu nhận biết bị thiếu vitamin B12
Thiếu vitamin B12 ảnh hưởng gì?
Việc phát hiện sớm các triệu chứng thiếu hụt vitamin B12 rất quan trọng để được điều trị kịp thời. Nếu điều trị muộn có thể dẫn đến biến chứng tim và phổi.
Các triệu chứng thiếu hụt vitamin B12 có thể từ việc bị đau đầu đến giảm cảm giác thèm ăn, nhưng một trong những cách ít được biết nhất là chúng ta có thể kiểm tra triệu chứng này trên lưỡi. Hãy chú ý đến dấu hiệu trên lưỡi để bạn có thể nhận được sự điều trị thích hợp và tránh các biến chứng.
Vitamin rất quan trọng đối với nhiều quá trình hoạt động của cơ thể. Nếu thiếu vitamin B12 thì cơ thể sẽ không thể tạo ra nhiều tế bào máu đỏ và chúng sẽ trở nên lớn bất thường. Các tế bào hồng cầu cũng không thể trụ dài lâu như cách chúng vẫn hoạt động bình thường trong cơ thể.
Nếu bạn không có đủ tế bào máu đỏ, các mô và cơ quan nội tạng của bạn có thể không có đủ oxy và điều này có thể dẫn đến các triệu chứng của bệnh thiếu máu.
Thiếu máu có thể dẫn đến biến chứng tim và phổi khi tim hằng ngày vẫn làm nhiệm vụ để bơm oxy cho các cơ quan quan trọng.
Thiếu vitamin B12 có thể điều trị dễ dàng và bạn có thể tránh các biến chứng bằng cách nhận biết các triệu chứng càng sớm càng tốt.
Vitamin B12 rất quan trọng trong quá trình phát triển của cơ thể.
Dấu hiệu nhận biết thiếu vitamin B12
Thiếu vitamin B12 có thể gây viêm lưỡi, có nghĩa là đau nhức lưỡi.
Nó cũng có thể làm cho lưỡi của bạn có cảm giác đau nhức, mặt lưỡi mịn màng và sáng bóng. Nhưng đây không phải là dấu hiệu duy nhất của sự thiếu hụt vitamin B12. Các triệu chứng khác bao gồm: cảm thấy rất mệt mỏi, khó thở ngay cả khi tập thể dục ít, tim đập nhanh, đau đầu và chán ăn.
1. Suy nhược, chóng mặt và mệt mỏi
Theo Giám đốc Chăm sóc sức khỏe tại Viện Sức khỏe – Bệnh viện Cleveland, Michael Roizen, suy nhược và mệt mỏi là một trong những triệu chứng thường gặp nhất của việc thiếu hụt vitamin B12. Khi nguồn cung cấp vitamin giảm, cơ thể bạn tạo ra ít tế bào hồng cầu cần thiết cho việc vận chuyển oxy hơn. Kết quả là bạn cảm thấy buồn ngủ, mệt mỏi, kiệt sức và thậm chí là rơi vào trạng thái lâng lâng.
Nhiều người nhầm lẫn các triệu chứng này với các triệu chứng xảy ra do thiếu ngủ, căng thẳng hoặc làm việc quá sức. Tuy nhiên, nếu tình trạng của bạn ngày càng tồi tệ, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ và thực hiện các xét nghiệm để kiểm tra nồng độ vitamin B12 trong máu của bạn.
2. Khó thở
Một trong những tình trạng sinh lý mà bạn có thể gặp phải khi cơ thể thiếu hụt B12 chính là khó thở khi gắng sức. Vitamin B12 có vai trò quan trọng trong việc sản xuất ra các hemoglobin, một loại protein giúp vận chuyển oxy đi khắp cơ thể. Việc thiếu hụt loại vitamin này có thể làm giảm lưu lượng oxy đến các mô, gây ra thiếu máu và từ đó dẫn đến khó thở. Nếu bạn thường xuyên cảm thấy mệt mỏi mà không rõ nguyên nhân, tim đập nhanh, khó thở, rát lưỡi hoặc các triệu chứng khác do thiếu vitamin B12, hãy đến gặp bác sĩ để tiến hành các xét nghiệm cần thiết.
3. Tổn thương thần kinh và tê bì chân tay
Việc thiếu hụt loại vitamin nhóm B này có thể gây suy nhược các tế bào thần kinh, từ đó dẫn đến triệu chứng tê bì ở chân và tay. Nếu bạn bỏ qua chúng, các tổn thương này có thể trở nên trầm trọng và chuyển biến thành bệnh dị cảm. Vitamin B12 cần thiết cho sự hình thành myelin, một lớp vỏ màu trắng bao quanh các sợi thần kinh làm tăng tốc độ dẫn truyền các xung thần kinh. Thiếu loại vitamin này có thể dẫn đến thoái hóa tủy sống, dây thần kinh thị giác, mô não và các dây thần kinh ngoại biên.
Nếu không có sự bảo vệ của vitamin B12, các dây thần kinh tủy sống có thể bị phân rã và sẽ khiến bạn bị bất thăng bằng. Kết quả là bạn sẽ dễ bị vấp ngã hơn ngay cả khi đang đi trên bề mặt phẳng.
4. Da tái nhợt hoặc vàng da
Một dấu hiệu sinh lý khác thể hiện rằng bạn đang bị thiếu vitamin B12 chính là vàng da hoặc vàng ở tròng trắng mắt. Việc sản xuất hồng cầu không đúng cách sẽ gây ra tình trạng thiếu máu, gọi là thiếu máu megaloblastic. Với tình trạng này, các tế bào hồng cầu phát triển lớn hơn, dễ vỡ và không thể phân chia. Chúng quá lớn để vượt ra khỏi tủy xương và lưu thông trong máu. Do đó, lượng hồng cầu lưu thông trong máu giảm sút và da bạn sẽ trở nên nhợt nhạt hơn.
Bilirubin là một chất màu hơi đỏ hoặc nâu được gan sản xuất khi các hồng cầu bị phá vỡ. Các tế bào hồng cầu bị phá vỡ càng nhiều thì sản sinh ra lượng bilirubin càng lớn. Đây chính là nguyên nhân khiến da và mắt của bạn bị vàng.
5. Sưng và viêm lưỡi
Nếu bạn ăn chay trường, mắc một số bệnh hệ tiêu hóa hoặc uống quá nhiều rượu bia, bạn có nguy cơ bị thiếu loại vitamin nóm B này rất cao. Biểu hiện của miệng khi bạn bị thiếu vitamin B12 chính là viêm lưỡi, thể hiện cụ thể qua việc lưỡi bạn trở nên mềm, đỏ và đau. Khi cơ thể bạn không có đủ loại vitamin nhóm B này, quá trình tổng hợp DNA trở nên suy yếu. Các tế bào biểu mô của miệng bắt đầu phân chia nhanh chóng và gây ra viêm lưỡi, viêm môi bong vảy, viêm lở miệng tái hồi và nấm miệng. Các triệu chứng của viêm lưỡi có thể xuất hiện không liên tục hoặc cũng có thể trở nên trầm trọng hơn theo thời gian.
Sưng và viêm lưỡi có thể là dấu hiệu thiếu vitamin B12.
Nếu bạn nhận thấy mình có bất kỳ triệu chứng nào trong số những triệu chứng này, hãy cố gắng thay đổi thói quen ăn uống của mình. Hãy bổ sung vào khẩu phần ăn của bạn các loại thực phẩm như thịt, thịt gia cầm, cá, nghêu, sò, trứng hoặc các loại ngũ cốc giàu vitamin B12.
6. Táo bón, đầy hơi và chán ăn
Có nhiều nguyên nhân ra gây ra các vấn đề về tiêu hóa như táo bón hoặc đầy hơi và thiếu vitamin B12 chính là một trong số đó. Nếu không điều trị, thiếu hụt B12 có thể dẫn đến táo bón mãn tính, khó chịu ở dạ dày, đầy hơi, tiêu chảy và chán ăn. Hàm lượng vitamin thấp ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của hệ tiêu hóa. Để giúp hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn và giảm các nguy cơ gây táo bón, bạn có thể sử dụng các thực phẩm bổ sung vitamin B12.
Hầu hết những người bị thiếu B12 đều thiếu yếu tố nội tại – một loại protein do dạ dày tiết ra cần thiết cho sự hấp thụ vitamin B12. Nó gắn vào B12 và đưa chúng vào ruột. Nếu thiếu loại protein này, hệ tiêu hóa của bạn không thể hấp thu B12 được. Trong trường hợp đó, bạn chỉ có thể điều trị bằng cách tiêm bổ sung loại vitamin thiết yếu này.
7. Giảm thị lực do thiếu vitamin B12
Sự thiếu hụt vitamin B12 có thể dẫn đến giảm thị lực và nghiêm trọng hơn là bệnh thần kinh thị giác. Nguyên nhân chủ yếu gây nên tình trạng này là vì vitamin B12 đóng vai trò quan trọng trong chức năng của các dây thần kinh cũng như hệ thần kinh. Giảm thị lực có thể dự đoán được ở những người bị suy dinh dưỡng hoặc những người không tiêu thụ bất kỳ sản phẩm động vật nào.
Giảm thị lực có thể là dấu hiệu thiếu vitamin B12.
Nghiên cứu gần đây cho thấy, sự kết hợp của vitamin E, DHA và vitamin B12 sẽ giúp cải thiện thị giác và độ nhạy của võng mạc ở những bệnh nhân mắc bệnh tăng nhãn áp. Nhìn chung, việc bổ sung B12 trong thời gian dài sẽ làm giảm đáng kể nguy cơ gây đục thủy tinh thể và giảm thị lực.
8. Trầm cảm, thay đổi thái độ
Bạn có thể bị trầm cảm hoặc tâm trạng dễ thay đổi khi cơ thể thiếu một số vitamin quan trọng, và thiếu B12 cũng không phải là ngoại lệ. Sự thiếu hụt này có tác động mạnh mẽ lên việc sản xuất serotonin trong não của bạn. Đây là chất dẫn truyền thần kinh giúp điều chỉnh và cân bằng tâm trạng. Nếu lượng vitamin nhóm B này trong cơ thể của bạn quá thấp, hãy nói chuyện với bác sĩ để tìm ra phương pháp điều trị phù hợp nhất với bạn. Trong phần lớn các trường hợp, uống bổ sung vitamin B12 có thể cải thiện đáng kể tâm trạng.
9. Xương trở nên yếu
Cũng giống như canxi và vitamin D, vitamin B12 đóng vai trò rất quan trọng trong việc hình thành các nguyên bào và các tế bào tạo xương. Việc thiếu hụt loại vitamin nhóm B này làm ảnh hưởng đến chức năng của chúng và có thể dẫn đến chứng loãng xương. Loãng xương được đặc trưng bởi tình trạng xương yếu, giòn và dễ gãy do thiếu hụt chất dinh dưỡng. Loãng xương quá nhanh có thể dẫn đến ngã, nứt hoặc gãy xương. Người cao tuổi có nguy cơ cao hơn bất cứ ai, đó là lý do tại sao họ bắt buộc phải xét nghiệm máu định kỳ.
10. Các triệu chứng tiềm tàng ở người già
Theo ước tính có 10 – 15% người trên 60 tuổi bị ảnh hưởng bởi tình trạng thiếu vitamin B12. Họ thường bị thiếu hụt nghiêm trọng các dưỡng chất và sức khỏe suy giảm, điều này khiến lượng vitamin B12 trong cơ thể họ giảm xuống. Đáng ngạc nhiên, nhiều người cao tuổi lại không biểu hiện các triệu chứng cơ bản của tình trạng thiếu hụt B12 hoặc các triệu chứng này thường xảy ra rất thầm lặng. Tuy nhiên, thực tế là sự hấp thụ loại vitamin nhóm B này có thể giảm theo tuổi tác.
Trước khi tình trạng của bạn trở nên trầm trọng hơn, hãy tiến hành trị liệu ngay. Trong trường hợp xấu nhất, bạn có thể trở nên thiếu minh mẫn, sa sút trí tuệ hoặc suy giảm các chức năng thần kinh (trí nhớ, phán đoán). Khám tổng quát và xét nghiệm máu là tất cả những gì bạn cần làm để phát hiện chứng thiếu vitamin B12. Bạn có thể bổ sung thêm loại vitamin này qua đường tiêu hóa bằng cách sử dụng thuốc và các thực phẩm chứa nhiều vitamin này.
Ai có nguy cơ bị thiếu vitamin B12?
Vì hầu hết các thực phẩm giàu vitamin B12 đều có nguồn gốc từ động vật nên người ăn chay trường có nguy cơ bị thiếu loại vitamin này rất cao. Bệnh viêm ruột, bệnh celiac, phẫu thuật giảm cân và tình trạng nghiện rượu mãn tính đều là các nguyên nhân gây cản trở sự hấp thụ các dưỡng chất cần thiết. Người cao tuổi cũng gặp nhiều vấn đề hơn trong việc hấp thụ chất dinh dưỡng.
Nếu bạn gặp phải các triệu chứng trên, hãy đến gặp bác sĩ và tiến hành xét nghiệm máu. Nếu được chuẩn đoán bị thiếu vitamin B12, bạn có thể uống bổ sung, sử dụng thuốc xịt mũi hoặc tiêm loại vitamin này.
Làm sao để không bị thiếu vitamin B12?
Cơ thể không tạo ra vitamin B12 nhưng cách tốt nhất để có được nó là từ một chế độ ăn uống cân bằng.
Có những loại thực phẩm giàu vitamin B12 mà các chuyên gia y tế khuyên bạn nên ăn, gồm sáu loại, đó là: thịt bò, thịt lợn, trứng, sữa, pho mát và cá là tất cả những nguồn cung cấp B12 tốt.
Nếu bạn là người ăn chay hoặc thuần chay, có thể bạn không thể nhận đủ B12 khi bạn loại trừ các nhóm thực phẩm đó. B12 có thể được tìm thấy trong một số ngũ cốc ăn sáng và men dinh dưỡng.
Cùng với các khuyến nghị cho những thay đổi trong chế độ ăn uống, những người bị thiếu hụt vitamin B12 có thể được bác sĩ hướng dẫn điều trị bằng cách tiêm vitamin B12 hoặc uống viên nén.
Một loại thực phẩm khác mà bạn có thể cân nhắc để bổ sung vào chế độ ăn uống để ngăn chặn sự thiếu hụt vitamin B12 là phô mai.
Các chuyên gia dinh dưỡng của Canada cho biết một loại phô mai cottage 250ml (một cốc) chứa 1,1 đến 1,5mcg vitamin B12.
Bên cạnh đó, một số đồ uống từ đậu nành và gạo cũng như các sản phẩm thay thế thịt dựa trên đậu nành được bổ sung vitamin B12.
Và còn một cách nữa để xem sản phẩm có chứa vitamin B12 hay không, đó là hãy kiểm tra các thông tin dinh dưỡng trên nhãn thực phẩm.