Đánh răng quá mạnh gây tụt lợi
Ảnh minh họa
Đánh càng mạnh, lợi càng thấp
Luôn tự hào vì có hàm răng đẹp “gia truyền” nên chị Nguyễn Thanh Thúy, Yên Ninh, Hà Nội rất chăm chút cho hàm răng của mình. Chị luôn mua các loại kem đánh răng đắt tiền, dùng bàn chải xịn và thường xuyên đánh răng. Gần đây, thấy răng có hiện tượng xỉn hơn trước, chị nghĩ do dùng nhiều cà phê. Vì thế tần suất đánh răng của chị càng tăng, với cách đánh càng mạnh.
Chị Thúy bảo: “Không thể làm xấu hình ảnh của hàm răng vì đó là điều tự hào nhất trên gương mặt mình”. Nhưng chị lại thấy hiện tượng chảy máu khi đánh răng xuất hiện, soi vào gương, chị cảm giác chân răng dài ra. Thấy người ta bảo càng già răng càng dài, chị lo lắng vì nghĩ mình lão hóa sớm. Khi đi khám, bác sĩ bảo chị bị tụt lợi cần thay đổi ngay thói quen đánh răng với bàn chải lông mềm và chải nhẹ nhàng. May mà tình trạng của chị chưa bị nặng, chỉ cần thay đổi thói quen sinh hoạt.
Tụt lợi (còn gọi là tụt nướu) là hiện tượng lộ bề mặt chân răng do lợi di chuyển về phía cuống răng, là dấu hiệu báo trước cho sự mất xi-măng chân răng, mòn cổ răng, lộ ngà răng gây ê buốt răng.
Theo bác sĩ Vũ Thị Vân Anh, Trung tâm Nha khoa – Phẫu thuật thẩm mỹ Hoàng Gia số 32, phố Đường Thành thì: “Bệnh tụt lợi có thể do viêm nha chu các tổ chức xung quanh răng như lợi, các dây chằng quanh răng bị viêm, hoặc có thể do sang chấn khớp cắn. Đây cũng là yếu tố làm trầm trọng thêm tình trạng tụt lợi do kích thích tăng sinh biểu mô và viêm tại chỗ. Những răng bị lệch ra ngoài khiến khớp cắn không chuẩn làm cho lực nhai không chuẩn”.
Bác sĩ Vân Anh cũng cho rằng khi sử dụng bàn chải quá cứng và đánh răng với lực quá mạnh cũng gây ra ảnh hưởng, làm sang chấn nha chu xung quanh răng và gây tổn thương đến vùng nha chu. Ngoài ra bệnh này còn là hậu quả của một số biện pháp điều trị vùng quanh răng hoặc điều trị nắn chỉnh răng không đúng cách.
Giảm thẩm mỹ, dễ rụng răng
Khi bị tụt lợi, người bệnh đánh răng thường có hiện tượng bị chảy máu hoặc chảy máu tự phát nếu chúng ta phát hiện bệnh quá muộn. Tụt lợi có thể khiến chân răng bị lộ, ê buốt răng tăng nhạy cảm răng, hở kẽ răng dẫn đến việc thức ăn dễ bị dắt vào kẽ răng và làm giảm thẩm mỹ và có thể gây ra lung lay răng nếu bệnh nặng hơn.
Tình trạng tụt lợi dễ gây ra dấu hiệu ê buốt do làm mòn răng. Nếu việc điều trị không kịp thời có thể làm mòn răng quá mức dẫn đến viêm tủy răng.
Trong trường hợp lợi tụt mạnh không còn che phủ bảo vệ được sẽ làm chân răng bị mòn dẫn đến chấn thương răng nghiêm trọng đòi hỏi việc điều trị tốn kém.
Để tránh tụt lợi
Đối với những bệnh nhân bị tụt lợi do cao răng và mảng bám thì cần phải đến các phòng khám răng hàm mặt lấy sạch các cao răng, giữ gìn vệ sinh răng thật tốt. Cũng theo bác sĩ Vân Anh thì cao răng nên lấy cao răng 6 tháng/ lần. Việc lấy cao răng định kì không ảnh hưởng gì lớn đến răng chủ yếu là người bác sĩ cần phải tiến hành nhẹ nhàng không làm sang chấn quá nhiều đến vùng lợi.
Đối với những người bị viêm nha chu nặng, phải tiến hành nạo vét các ổ viêm xung quanh răng. Trong trường hợp tụt lợi nặng, làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới thẩm mỹ và chức năng của răng thì cần phải tiến hành phẫu thuật ghép thêm lợi. Kỹ thuật ghép lợi cần được tiến hành ở các cơ sở răng hàm mặt hiện đại với bác sĩ có tay nghề.
Để phòng ngừa tụt lợi, chúng ta cần biết cách đánh răng đúng cách sử dụng bàn chải lông mềm vừa phải và ngậm nước muối thường xuyên sẽ làm lợi săn chắc hơn. Ngoài ra có thể sử dụng thêm nước súc miệng kháng khuẩn, có bổ sung fluor để làm tăng tác dụng làm sạch và củng cố men răng.
Nếu trường hợp ê buốt răng xảy ra thường xuyên thì người bệnh nên chải răng bằng các loại kem chải răng có chất chống ê buốt hoặc ngậm gel fluor dưới sự hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa. Trong trường hợp bị viêm lợi cần điều trị dứt điểm ngay và mỗi người nên khám răng định kỳ 6 tháng/lần.
Những đối tượng nguy cơ cao
Những người có răng mọc lệch lạc, cấu trúc lợi mỏng, phanh môi, má bám thấp thì càng dễ bị tụt lợi. Những đối tượng này cần khám chuyên khoa và được tư vấn phòng ngừa sớm.