Chữa hen phế quản hiệu quả nhờ hoa cúc bách nhật
Cúc bách nhật thường nở rộ vào mùa hạ, hoa có màu tím nhạt, trắng hoặc hống sẫm. Theo y học cổ truyền, cúc bách nhật vị ngọt tính bình có công dụng thanh can tán kết (làm mát tạng can và làm mất hiện tượng kết tụ), làm sáng mắt, ngừng ho hen....
Hoa cúc bách nhật
Tên gọi khác của bách nhật : thiên kim hồng, bách nhật hồng, bách nhật bạch, thiên nhật hồng.
Tên khoa học: Gomphrena globosa l, thuộc họ Rau dền – Amaranthaceae.
Đặc điểm: Cúc bách nhật là một cây mọc hằng năm, thân mọc thẳng đứng, cao chừng 50cm, thân và lá đều có lông mềm, nhỏ. Thân thô to, hình trụ, trên có phân nhánh, cành hơi hình vuông. Chỗ đốt hơi phình to, mặt hơi có màu tím hồng. Lá đơn, mọc đối, có cuống ngắn, phiến lá hình trứng ngược, dài 5 đến 10cm, rộng 2-5cm đầu lá nhọn hay hơi tù, phía cuống thon lại thành cuống. Cụm hoa hình đầu, màu tím nhạt hay hồng sẫm hoặc trắng, đường kính cùa cụm hoa chừng 1,5- 2cm. Mùa hoa tháng 7-10.
Bộ phận dùng: Hoa – Flos Gomphreae, thường gọi là Thiên nhất hồng. Cũng như toàn cây.
Phân bố, thu hái và chế biến: Cây này thường được trồng làm cảnh ở các công viên.Mọc và được trồng ở Việt Nam và Trung Quốc. Tại các nước nhiệt đới khác đều có mọc.
Thành phần hoá học: Trong cụm hoa cúc bạch nhật người ta chiết được các loại betaxyamin trong đó có gomphrenin I, gomphrenin II, gomphrenin III, gomphrenin V và gomphrenin VI. Ngoài ra còn có một ít amaranthin và izoamaranthin (Phytochemistry, 1966, 5, 1037 và 1967, 6, 703):
Công dụng: Vị ngọt, hơi chát, tính bình; có tác dụng khử đàm, tiêu viêm, bình suyễn, chống ho.
Công dụng, chỉ định và phối hợp: Thường dùng trị: 1. Hen phế quản, viêm khí quản cấp và mạn; 2. Ho gà, lao phổi và ho ra máu; 3. Ðau mắt, đau đầu; 4. Sốt trẻ em, khóc thét về đêm; 5. Lỵ. Liều dùng 9-15g dạng thuốc sắc. Dùng ngoài trị chấn thương bầm dập, bệnh ngoài da, nghiền cây tươi giã đắp hoặc nấu nước tắm rửa.
Một công trình nghiên cứu của các nhà y học cổ truyền Trung Quốc đã dùng dịch 100% và 200% tiêm bắp thịt chế từ cúc bách nhật để điều trị viêm phế quản mạn tính cho thấy:
Trên 120 bệnh nhân được tiêm dịch 200% mỗi ngày 1 lần, mỗi lần 2ml, 10 ngày một liệu trình, sau 5 liệu trình đạt hiệu quả 93,3%; Trên 125 bệnh nhân được tiêm dịch 100%, sau 4 liệu trình đạt hiệu quả 73,6%.