Logo Bài Thuốc Quý

Cách sử dụng thuốc hạ sốt cho trẻ

01/01/2020 · Sức khỏe
Đối với trẻ nhỏ việc lạm dụng thuốc tây là hoàn toàn không tốt, có thể gây ảnh hưởng tới sự phát triển của trẻ nếu như các bố mẹ tùy tiện sử dụng thuốc. Dưới đây là những lưu ý khi trẻ bị sốt và các cách sử dụng thuốc khi trẻ bị sốt, một số mẹo dân gian giúp hạ sốt cho trẻ.

Theo các bác sĩ của Bệnh Viện Nhi Đồng 1

Khi trẻ bị sốt, nhất là trẻ có tiền căn co giật do sốt cao phụ huynh cần nhanh chóng giúp trẻ hạ sốt bằng những phương cách hợp lý và an toàn, trong đó sử dụng thuốc hạ sốt đúng cách là điều cần chú ý.

Theo ghi nhận tại những bệnh viện chuyên Nhi trên cả nước, đã có nhiều trường hợp sử dụng thuốc hạ sốt không hợp lý dẫn đến nhiều tác hại xấu đến sức khỏe của trẻ, thậm chí có thể dẫn đến tử vong nhất là những trường hợp ngộ độc cấp tính nghiêm trọng từ thuốc hạ sốt.

Cách dùng thuốc hạ sốt cho bé

Cần phải có tư vấn của bác sĩ mỗi khi muốn cho trẻ uống bất cứ loại thuốc nào. Ảnh minh họa: Mirror.

Nguyên tắc cơ bản, bất kỳ loại thuốc điều trị nào, kể cả thuốc hạ sốt thông thường cho trẻ em cũng phải có chỉ định từ bác sĩ điều trị mới thật sự an toàn cho trẻ. Trong những trường hợp chưa kịp đưa trẻ đến khám bác sĩ, phụ huynh có thể đến nhà thuốc mua thuốc hạ sốt cho trẻ uống “đỡ” qua lời tư vấn của dược sĩ phụ trách nhà thuốc, hoặc tối thiểu phụ huynh cần đọc thật kỹ hướng dẫn trước khi sử dụng thuốc cho trẻ.

- Tuyệt đối không tự ý dùng thuốc hạ sốt cho trẻ nhỏ dưới 3 tháng tuổi khi chưa có ý kiến của bác sĩ.

- Loại thuốc hạ sốt sử dụng cần phù hợp theo nhóm tuổi của trẻ và “khả năng uống thuốc của trẻ”, đây là cách giúp trẻ có thể nhận đủ lượng thuốc hạ sốt cần thiết trong quá trình hạ sốt cho trẻ.

- Liều lượng thuốc hạ sốt cơ bản cần dựa trên cân nặng thực tế của trẻ để đảm bảo tính an toàn và hiệu quả hạ sốt nhanh cho trẻ. Cụ thể, trẻ uống đúng liều theo chỉ định là 10 mg – 15 mg/kg/lần khi sốt trên 38,5 độ C.

- Phụ huynh cần tuân thủ khoảng cách an toàn giữa 2 lần sử dụng thuốc hạ sốt cho trẻ để phòng ngừa tình trạng quá liều lâu dần có thể dẫn đến ngộ độc cấp tính rất nguy hiểm đến tính mạng của trẻ, chỉ lặp lại liều tiếp theo sau 4 giờ nếu trẻ còn sốt, thường dùng 3-4 lần/ngày, tổng liều tối đa không quá 60mg/kg/24 giờ. Thuốc hạ sốt dùng cho trẻ phải còn hạn sử dụng rõ ràng.

- Đối với các bậc phụ huynh có con lần đầu, việc cho trẻ uống thuốc đôi khi gặp nhiều khó khăn nhất là những trẻ có tâm lý “sợ uống thuốc”, hiểu được điều đó các hãng dược phẩm đã bào chế ra những loại thuốc uống dành cho trẻ em có mùi, vị thơm ngọt dễ uống phần nào giúp các bậc cha mẹ cho trẻ uống thuốc dễ dàng hơn. Trên thị trường hiện có 3 dạng thuốc hạ sốt thông dụng được các bậc phụ huynh chọn sử dụng.

- Dạng gói bột thường có mùi hương thơm của các loại trái cây như cam, chanh, dâu…nhất là có vị ngọt rất hợp với sở thích của trẻ, được sử dụng rất tiện lợi chỉ cần pha với nước sôi nguội là có thể cho trẻ uống ngay, hiệu quả hạ sốt nhanh vì dược chất paracetamol dễ dàng được hấp thụ từ dạ dày và ruột vào máu chỉ sau khi uống khoảng 15 phút – 30 phút.

Dạng gói bột được bào chế dưới những hàm lượng thông thường là 80 mg, 150 mg và 250 mg. Tùy theo cân nặng của trẻ chúng ta sẽ tính được khá chính xác liều lượng cần dùng cho trẻ, ví dụ trẻ cân nặng 10 kg phụ huynh sẽ cho trẻ uống một gói thuốc bột hạ sốt hàm lượng paracetamol 150 mg.

- Dạng si rô rất dễ sử dụng cho trẻ vì liều lượng thuốc rất dễ lường với hàm lượng thông dụng là paracetamol 80mg/5ml, 150mg/5ml hoặc 250mg/5ml. Với nhiều mùi vị khác nhau sẽ giúp trẻ uống thuốc được thuận lợi hơn và hiệu quả hạ sốt cũng tương tự với loại hạ sốt dạng gói bột.

- Dạng viên đạn (nhét hậu môn) được bào chế với 3 hàm lượng thông thường là 80 mg, 150 mg và 300 mg. Dạng 80 mg dùng cho trẻ từ 4 – 6kg, dạng 150 mg dùng cho trẻ có cân nặng từ 7 – 12kg và dạng viên đạn 300 mg dùng cho trẻ từ 13-24kg.

Cần lưu ý dạng tọa dược qua đường hậu môn thường có tác dụng hạ sốt chậm hơn dạng uống (gói bột thơm hoặc si rô) khoảng 15 – 20 phút vì khả năng hấp thụ dược chất paracetamol từ trực tràng vào máu sẽ mất nhiều thời gian hơn.

- Khi trẻ có thể uống được thì phụ huynh sử dụng dạng gói bột hoặc si rô hạ sốt pha với nước cho trẻ uống. Ở dạng này thuốc sẽ được hấp thu tốt hơn, hiệu quả hạ sốt nhanh hơn và đạt được độ an toàn cao nhất khi sử dụng.

- Nếu trẻ sốt li bì, trẻ nôn ói nhiều, trẻ không thể uống được, nhất là những trẻ đang ngủ say mà phụ huynh không muốn đánh thức trẻ, cha mẹ sẽ cho trẻ dùng viên đạn nhét hậu môn để hạ sốt. Đây là cách hạ sốt rất tiện dụng cho trẻ, tuy nhiên cần chú ý liều lượng theo qui định ở trên và việc nhét thuốc vào hậu môn cần tiến hành nhẹ nhàng, cẩn thận để tránh làm tổn thương vùng hậu môn có thể gây nguy hiểm cho trẻ.

Thạc sĩ – bác sĩ Đinh Thạc

Theo bệnh viện Đa Khoa Hùng Vương

Mỗi ngày bệnh viện Đa Khoa Hùng Vương tiếp nhận khoảng 50 - 60 trẻ đến khám bệnh với triệu chứng như: Ho, sốt, sổ mũi, quấy khóc….Có nhiều mẹ chưa có kiến thức về cách dùng thuốc hạ sốt tại nhà cho trẻ như: Không đo nhiệt độ cho trẻ trước khi dùng thuốc, dùng thuốc không đúng liều, điều này rất nguy hiểm cho trẻ có thể dẫn đến ngộ độc thuốc, hạ thân nhiệt, co giật…Vì vậy việc sử dụng thuốc hạ sốt đúng cách rất quan trọng đối với trẻ nhỏ.

Trẻ bị sốt, bé bị sốt

Trên thị trường có rất nhiều loại thuốc hạ sốt nhưng thông thường nhất là loại chứa acetaminophen (efferalgan, paracetamol, panadol…)

Các bà mẹ cần lưu ý các điểm sau khi dùng thuốc hạ sốt (efferalgan, paracetamol…) tại nhà:

Trước khi dùng thuốc các mẹ phải đo nhiệt độ cho trẻ.

+ Nếu nhiệt độ < 38,5 °C:

Nên nới rộng quần áo, chườm ấm tích cực cho trẻ bằng khăn ấm, lau trán, nách, bẹn.

Cặp lại nhiệt độ cho trẻ sau khi chườm.

Không nên dùng thuốc hạ sốt cho trẻ trừ 1 số trường hợp đặc biệt.

+ Nếu nhiệt độ ≥ 38,5 °C:

Phải dùng thuốc hạ sốt cho trẻ, nhưng phải uống theo đúng liều lượng và hướng dẫn của bác sỹ, dược sỹ.

Liều dùng: tính theo cân nặng của trẻ, mỗi lần 10mg -15mg/kg. Ví dụ: em bé nặng 10kg mỗi lần dùng liều 100mg - 150mg

Mối lần uống thuốc cách nhau 4 đến 6 giờ, trong 1 ngày không dùng thuốc hạ sốt quá 6 lần

Dùng thuốc hạ sốt tại nhà cho trẻ đúng cách

Trẻ bị sốt kèm đi ngoài phân lỏng thì tốt nhất nên dùng thuốc đường uống. Trẻ bị sốt nhưng không uống được thuốc, nôn nhiều thì nên dùng thuốc đặt hậu môn

Để đạt được hiệu quả cao và hạ sốt nhanh cho trẻ nhỏ ngoài việc sử dụng thuốc hạ sốt cho trẻ nên kết hợp với chườm ấm, cho trẻ uống thêm nước sôi để nguội, nước hoa quả, nếu trẻ còn bú thì cho bú nhiều lần hơn, hoặc uống thêm Oresol theo chỉ dẫn….

Các mẹ cần cho bé nằm trong phòng thoáng khí, tăng cường dinh dưỡng, theo dõi nhiệt độ của trẻ 20 phút - 30 phút/1 lần.

Không nên dùng thuốc quá liều do có thể gây ngộ độc Acetaminophen biểu hiện như đau bụng, nôn, đi ngoài phân lỏng, nặng nề hơn trẻ có thể bị tổn thương gan dẫn đến vàng da, vàng mắt, li bì…

Không dùng thuốc hạ sốt cho trẻ bị các bệnh gan, tim, thận… mà không có hướng dẫn của bác sỹ.

Ngoài ra trên thị trường còn có thuốc Ibuprofen dạng siro vị ngọt dễ uống không cần pha chế. Ngoài tác dụng hạ sốt còn có tác dụng chống viêm giảm đau rất tốt nhưng khó dùng, các mẹ nhớ cho con uống thuốc theo hướng dẫn của bác sỹ.

Các mẹ cần cho trẻ tới cơ sở y tế hoặc bệnh viện khám và được tư vấn điều trị ngay nếu trẻ có 1 trong số các triệu chứng sau:

+ Sốt cao > 40 °C, sốt liên tục không giảm trong vòng 24h.

+ Trẻ bị co giật, mệt li bì.

+ Nôn, quấy khóc, bỏ bú, bỏ ăn.

+ Sốt kèm theo chảy mũi, khó thở, tím tái.

Tóm lại sốt là triệu chứng của rất nhiều bệnh. Khi trẻ bị sốt các mẹ nên đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để khám, tìm nguyên nhân điều trị.

Một số thuốc có công dụng hạ số cho trẻ

Các thuốc có thành phần Paracetamol là lựa chọn hàng đầu để hạ sốt cho trẻ do độ an toàn cao và ít tác dụng phụ. Ngoài ra, còn có Ibuprofene và Aspirin nhưng chỉ dùng khi có chỉ định của bác sĩ do có nhiều tác dụng phụ.

Các qui tắc chung khi sử dụng thuốc hạ sốt.

- Không tự ý cho trẻ dưới 3 tháng dùng thuốc mà không có ý kiến bác sĩ.

- Tính liều theo cân nặng của trẻ.

- Đọc kỹ nhãn thuốc, chỉ dẫn trước khi dùng.

- Cho trẻ dùng thuốc đúng liều lượng.

- Dùng thuốc còn trong hạn sử dụng.

Paracetamol

An toàn cao cho trẻ, liều dùng là 60mg/kg/ngày hoặc 15mg/kg mỗi 6 giờ hoặc 10mg/kg mỗi 4 giờ.

Nên cân trẻ để tính liều cho chính xác. Trường hợp trẻ bị suy thận, khoảng cách giữa các lần dùng thuốc tối thiểu là 8 giờ. Thông dụng nhất là các dạng tọa dược và dạng uống, ngoài ra còn có dạng tiêm truyền nhưng chỉ được sử dụng ở bệnh viện.

Dạng tọa dược:

- Thích hợp khi cần hạ sốt trong lúc trẻ ngủ, ói nhiều và trẻ đang lên cơn sốt cao co giật.

- Điều trị bằng tọa dược ngắn hạn, sau đó chuyển sang dạng uống vì dạng tọa dược có thể gây ngứa, kích thích trực tràng.

- Cách dùng: Làm lạnh viên thuốc trước khi đặt. Chỉ đặt cho viên thuốc vừa vào hết hậu môn là được. Không đặt thuốc quá sâu vì như thế thuốc sẽ giảm tác dụng. Nên cho trẻ nằm yên vài phút sau khi đặt viên thuốc. Trong trường hợp đặt 2 viên mới đủ liều thì sau khi đặt viên thứ nhất, phải đợi 1-2 phút mới đặt tiếp viên thứ 2. Tốt nhất nên chọn loại viên tọa dược có hàm lượng phù hợp.

Dạng uống:

- Thích hợp khi cần hạ sốt trong lúc bé thức, có nhiều dạng như thuốc bột, thuốc giọt, xirô, thuốc viên.

- Gói bột sủi bọt là dạng uống phổ biến nhất.

- Cách dùng: Cho thuốc vào một cốc nhỏ nước để hòa tan, cho trẻ uống ngay sau khi thuốc đã hòa tan hoàn toàn.

Aspirin

- Không được dùng khi trẻ bị loét dạ dày, xuất huyết tiêu hóa, sốt xuất huyết. Từ nhiều năm nay, Aspirin ít được dùng để hạ sốt cho trẻ em vì có thể gây nhiều tác dụng phụ trên đường tiêu hóa và có liên quan đến hội chứng Reye’s (gây tổn thương gan và thần kinh).

- Liều dùng 60mg/kg/ngày hoặc 15mg/kg mỗi 6 giờ.

- Chỉ nên dùng khi có chỉ định của bác sĩ.

Ibuprofene

- Chỉ dành cho trẻ trên 6 tháng tuổi. Ở trẻ nhỏ, Ibuprofene thường gây nhiều tác dụng phụ, nhất là ở trẻ bị thủy đậu.

- Không được dùng khi trẻ bị lóet dạ dày, xuất huyết tiêu hóa, sốt xuất huyết.

- Liều dùng 20-30mg/kg/ngày hoặc 7-10mg/kg mỗi 6-8 giờ đường uống.

- Chỉ nên dùng khi có chỉ định của bác sĩ.

Một số mẹo dân gian hạ sốt cho trẻ

1. Chanh tươi: Thái lát mỏng đắp trên trán bé. Đồng thời lấy 1/2 quả chanh xoa đều khắp vùng nách bẹn , lòng bàn tay, bàn chân bé. Sau 10 phút bé hạ nhiệt ngay.

2. Hành tây: Thái mịn 1/4 củ hành tây, dùng khăn màn bọc lại quấn quanh cườm tay trái của bé. Chú ý đặt chỗ hành tây về phía dưới cổ tay nơi chứa các đường gân và huyệt đạo. Nước hành tây thấm hút qua da giúp giải nhiệt rất nhanh.

3. Lá na ( đọt mãng cầu) non: Giã mịn, chườm trán cho bé cũng rất tốt.

4. Rễ lá chua me đất : Rửa sạch, giã nát trộn với mật ong ,cho bé uống . Có tác dụng hạ nhiệt rất tuyệt vời. (cho bé uống tươi không qua nấu, hấp).

5. Lá bỏng, lá diếp cá, lá ngải cứu giã nát, đắp trán cho bé.

6. Cho bé uống nhiều nước, viên C sủi để chóng mất nước cho bé.

7. Viên paracetamol (thuốc hạ nhiệt người lớn) :1/2 viên giã mịn trộn tý nước vừa đủ, dùng xoa trán, thái dương, nách, bẹn, lòng tay, chân. Hiệu quả lắm nha.

Lưu ý: Tùy thể trạng từng bé mà dùng loại lá phù hợp, có bé hợp với loại này nhưng có bé lại hợp với loại khác, không nhất nhất dùng 1 loại. Vì chủ yếu là đắp và xoa nên sẽ không ảnh hưởng sức khoẻ bé.

Thân Thiện