Cách phòng ngừa dị ứng
Các nhà khoa học cho rằng, nguyên nhân chính khiến mắc bệnh dị ứng chính là hệ miễn dịch quá mẫn cảm. Những triệu chứng dễ nhận thấy là chảy nước mắt, mũi, hắt hơi, ban đỏ, ngứa… sẽ khiến bạn mệt mỏi, thậm chí trong nhiều trường hợp có thể nguy hiểm đến tính mạng. Tuy nhiên, nếu biết được những cách phòng ngừa có thể giúp bạn tránh được nguy cơ trầm trọng của căn bệnh này.
Tăng cường hoạt động thể chất: Một nghiên cứu của các nhà khoa học Thái Lan cho biết, thường xuyên luyện tập thể dục với cường độ vừa phải như chạy và đi bộ sẽ làm giảm đáng kể số lần cũng như mức độ ảnh hưởng của căn bệnh dị ứng. Còn Giáo sư Sindhura Bandi tại Trung tâm Y tế Đại học Rush ở Chicago (Mỹ) cho rằng, trong thời gian tập thể dục sẽ khiến cơ thể phát sinh ra một số tác nhân sinh học giống như một loại thuốc kháng tự nhiên làm giảm nguy cơ cũng như kéo dài thời gian giữa những lần bị dị ứng của người bệnh.
Ảnh minh họa – Internet
Châm cứu: Theo y học cổ truyền Trung Quốc, châm cứu có thể giúp cho con người luôn được hài hòa và cân bằng nên có thể hạn chế được rất nhiều triệu chứng của căn bệnh dị ứng. Các nhà khoa học phương Tây cũng nghiên cứu và thấy rằng, những lần châm cứu giúp kiểm soát những triệu chứng viêm, kiềm chế những hợp chất hóa học có thể góp phần làm gia tăng những phản ứng dị ứng. Nghiên cứu mới được đăng tải trên Tạp chí “Annals of Internal Medicine” chỉ ra rằng, những triệu chứng và số lần dùng thuốc của người bị dị ứng đã giảm sau khi họ được châm cứu 12 lần trong suốt 8 tuần.
Kiểm soát thực phẩm: Ngoài những thực phẩm thường xuyên gây dị ứng thì những loại thực phẩm lạ bạn cũng nên để ý hay thậm chí ngay cả trái cây bạn ăn hàng ngày. Các nhà khoa học cảnh báo có đến 1/3 số người bị dị ứng theo mùa nếu ăn trái cây gây dị ứng vì các protein trong trái cây cũng tương tự như trong phấn hoa. Đặc biệt, những người bị dị ứng phấn hoa nên cảnh giác với mật ong, kiwi, dưa hấu, táo, lê, đào, mận, rau mùi, thì là, hành, cần và tỏi tây…
Bảo vệ đường ruột: Các nhà khoa học cho rằng, các chế phẩm sinh học rất tốt cho hệ tiêu hóa và đường ruột. Nó giúp điều hòa được hệ thống miễn dịch của cơ thể và chống lại các tác nhân gây viêm nhiễm, các triệu chứng dị ứng. Do vậy, cách tốt nhất chúng ta hãy ăn sữa chua, trái cây, rau củ có chứa nhiều chất xơ sẽ giúp hệ tiêu hóa khỏe mạnh, đồng thời làm tăng số vi khuẩn có lợi trong đường ruột, giảm tối đa các loại ký sinh trùng.
Làm sạch không khí: Nếu trong phòng không khí không được thông thoáng sẽ tạo điều kiện cho các loại nấm mốc sinh sôi nảy nở và cũng là môi trường lý tưởng cho các loại vi khuẩn trú ngụ nên nguy cơ không chỉ mắc dị ứng mà còn nhiều căn bệnh khác nữa. Tuy nhiên, đối với những người bị dị ứng với phấn hoa và dị ứng theo mùa thì buổi sáng không nên mở cửa phòng sớm vì thời gian này các phấn hoa có thể phát tán trong không khí mạnh nhất. Lưu ý, đối với phòng có điều hòa phải thường xuyên thay bộ lọc để đảm bảo một môi trường không khí trong sạch nhất.
Vệ sinh cá nhân: Môi trường ô nhiễm, khói, bụi, các loại hóa chất tẩy rửa… có thể khiến tình trạng bệnh trầm trọng hơn. Do vậy, giải pháp an toàn nhất là bạn thường xuyên tắm rửa sạch sẽ trước khi đi ngủ hay buổi sáng sớm sau khi tập thể thao. Bên cạnh đó, bạn đừng bỏ qua việc vệ sinh sạch sẽ cho cơ quan khứu giác vì nó là con đường chính khiến không ít người gặp phải những triệu chứng khó chịu của bệnh dị ứng.