Cách khắc phục chứng khô miệng thường xuyên
Nếu mỗi buổi sáng thức dậy bạn có cảm giác miệng mình khô khốc, khó chịu và muốn uống thật nhiều nước thì có thể bạn đã mắc chứng khô miệng. Chứng này chiếm khoảng 10% dân số và khoảng 70% số người mắc chứng này gặp nhiều phiền phức.
Khô miệng có thể là biểu hiện của một số bệnh lý hoặc do tác dụng phụ của thuốc (Ảnh minh họa – Nguồn: Internet)
Khô miệng là tình trạng khi khoang miệng không tiết ra đủ lượng nước bọt để miệng cảm thấy đủ ướt. Dấu hiệu của chứng khô miệng chủ yếu là cảm giác khó chịu, khô niêm mạc miệng và họng, đôi khi gây cảm giác nóng rát, giảm hay mất vị giác, đặc biệt là trên lưỡi. Bạn sẽ cảm thấy khát thường xuyên, khó khăn trong việc nhai, nuốt và nói, thậm chí miệng có thể có mùi hôi.
Đừng coi thường chứng khô miệng và cho rằng hơi thở khó chịu chỉ là một phiền toái nhỏ. Không may thay, khô miệng có thể là dấu hiệu của nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hơn, như các vấn đề về thận, bệnh gan và tiểu đường. Phụ nữ đang ở giữa thời kỳ mãn kinh cũng có thể bị khô miệng, do sự thay đổi hóc-môn trong cơ thể.
Có ít nhất 400 loại thuốc có tác dụng phụ gây khô miệng. Đó cũng có thể là biểu hiện của chứng mất nước, nhiễm trùng tuyến nước bọt, hoặc một số bệnh lý như căng thẳng, trầm cảm, thiếu hụt dinh dưỡng, suy tim,…
Ngoài ra còn một số nguyên nhân gây khô miệng khá phổ biến khác như như uống quá nhiều rượu vào buổi tối cũng có thể khiến cơ thể bị mất nước và gây nên cảm giác khô nẻ ở miệng vào buổi sáng. Thở bằng miệng khi ngủ, ngạt mũi cũng là một trong những nguyên nhân thường gặp gây khô miệng.
Giữ miệng ướt bằng cách thường xuyên uống nước (Ảnh minh họa – Nguồn: Internet)
Nếu không mắc phải các bệnh lý hoặc đang sử dụng thuốc dẫn đến tình trạng khô miệng, bạn hoàn toàn có thể khắc phục chứng này bằng những biện pháp đơn giản sau:
Giữ miệng ướt bằng cách uống nhiều nước, và nhai kẹo cao su không đường nếu cần.
Uống nước trong bữa ăn để hỗ trợ nhai và nuốt.
Tránh các loại thực phẩm có chứa nhiều đường hoặc có tính axit cao. Trong thực đơn hàng ngày cần có nhiều rau xanh, trái cây tươi, hạn chế thịt, pho mát, chất béo.
Sử dụng máy tạo độ ẩm để giữ ẩm phòng, giúp bạn không phải thức dậy với hơi thở khô khốc.
Hít thở bằng mũi. Điều trị chứng nghẹt mũi nếu có.
Không sử dụng nước súc miệng có chứa cồn vì cồn có thể làm khô miệng.
Tránh hút thuốc lá, uống rượu, hoặc súc miệng bằng nước sạch sau khi sử dụng chúng.
Hạn chế lượng caffeine có trong các loại đồ uống như trà, cà phê,… bởi chất caffeine có thể làm cho miệng của bạn bị khô hơn.