Logo Bài Thuốc Quý

Khô miệng, nguyên nhân và cách điều trị khô miệng

01/01/2020 · SỨC KHỎE
Khô miệng thường đi kèm với khô da: Thiếu nước bọt không chỉ gây khô miệng mà còn gây khô da. Môi trở nên nứt nẻ và xuất hiện các vết loét ở khóe miệng. Lưỡi cũng cảm thấy thô ráp và khô. Tìm hiểu các biểu hiện của khô miệng, nguyên nhân gây khô miệng và các cách điều trị khô miệng hiệu quả.

Khô miệng xảy ra khi nước bọt ít hoặc hoàn toàn không được sản xuất. Hiện tượng ít nước bọt sẽ khiến bạn có cảm giác mọi thứ như đặc quánh nhưng biểu hiện rõ nhất của chứng khô miệng là cảm giác khát.

Khô miệng, nguyên nhân khô miệng

Một trong những biểu hiện của khô miệng là son dính vào răng.

Tìm hiểu về nước bọt

Bạn vẫn thường thấy có nước bọt trong miệng, chúng từ đâu mà ra, thành phần, tác dụng của chúng thế nào thì có thể bạn chưa biết hết. Nước bọt là chất lỏng khá đậm đặc, không màu, hơi đục, thường xuyên có trong miệng chúng ta. Nước bọt được sản xuất từ các tế bào ở mặt trong của môi, vòm miệng, đặc biệt là từ 3 tuyến nước bọt chính ở trong miệng: tuyến ở dưới lưỡi, tuyến gần xương hàm và tuyến ở hai bên má.

Nước bọt của mỗi tuyến có thành phần hơi khác nhau, nhưng nhìn chung chứa: 98% là nước, phần còn lại là chất nhờn mucous, các chất khoáng calci, natri, kali, bicarbonate, phosphate, men amylase, lipase, vài chất kháng vi khuẩn. Bình thường, mỗi ngày, ở người lớn sản xuất ra từ 0,5 - 1,5 lít nước bọt. Nước bọt có vai trò: làm nhuyễn dính thức ăn, giúp răng nhai thức ăn nát nhuyễn quyện lại với nhau thành một cục mềm, nhờ đó lưỡi có thể dễ dàng đẩy nuốt qua thực quản xuống dạ dày. Nước bọt giúp chuyển thức ăn cứng khô thành lỏng nhuyễn để lưỡi có thể nếm hương vị của thức ăn.

Các men tiêu hóa của nước bọt như amylase có tác dụng biến đổi tinh bột ra đường maltose; men lipase giúp tiêu hóa chất béo. Nước bọt còn có tác dụng giữ vệ sinh răng miệng. Thông thường, trong miệng có nhiều loại vi khuẩn có thể gây bệnh. Các vi khuẩn này sống nhờ thức ăn sót lại trong miệng và tạo ra một số chất axít ăn mòn men răng. Nước bọt làm trung hòa các axít này và có thể tiêu hủy một số loại vi khuẩn đồng thời rửa sạch thức ăn dính ở răng miệng xuống dạ dày, ngặn chặn quá trình hư hại răng.

Các trường hợp gây giảm tiết nước bọt dân tới khô miệng

Có nhiều nguyên nhân gây giảm tiết nước bọt: Khi bạn khỏe mạnh thì nước bọt giảm tiết khi bạn khát nước, lao động nặng ra nhiều mồ hôi. Trong khi ngủ, nếu bạn có tật hay ngáy hoặc thói quen há miệng khi ngủ cũng làm giảm tiết nước bọt và gây khô miệng. Khi bạn đau ốm như phải dùng hóa trị, xạ trị gây giảm sản xuất nước bọt. Một số bệnh như tiểu đường, bệnh của tuyến nước bọt, hội chứng sjogren là bệnh tự miễn trong đó có sự hủy hoại tuyến nước mắt và nước bọt gây khô miệng và mắt khô.

Khi bạn bị tổn thương dây thần kinh điều khiển tuyến nước bọt; bị bệnh nghẹt mũi; bị chứng trào ngược dạ dày thực quản; bị căng thẳng thần kinh cũng làm giảm tiết nước bọt. Những trường hợp bị bệnh mà bạn phải dùng thuốc điều trị thì có tới gần 400 loại thuốc như thuốc chống dị ứng, hạ huyết áp, chống trầm cảm. Lo âu, lợi tiểu, giảm hoặc kích thích khẩu vị… đều có tác dụng phụ làm giảm tiết nước bọt. Ở phụ nữ mang thai hoặc ở tuổi mãn kinh, sự hay đổi hormon trong cơ thể gây giảm tiết nước bọt làm rất khô miệng.

Tiêu bản tổn thương tuyến nước bọt khi bị bệnh gây giảm tiết nước bọt.

Biểu hiện của khô miệng

Khô miệng thường đi kèm với khô da: Thiếu nước bọt không chỉ gây khô miệng mà còn gây khô da. Môi trở nên nứt nẻ và xuất hiện các vết loét ở khóe miệng. Lưỡi cũng cảm thấy thô ráp và khô. Bạn cảm thấy khó khăn khi nuốt hoặc nói do không có nướt bọt bôi trơn.

Những biểu hiện dễ bỏ qua: Khô miệng gây khó chịu và dẫn tới các tác dụng phụ. Vì nước bọt không ngấm vào thực phẩm nên sẽ làm ảnh hưởng tới quá trình nhai và tiêu hóa thức ăn, nó cũng khiến hơi thở có mùi. Nếu thoa dưỡng môi, nó có thể dính vào răng do không có nước bọt bôi trơn răng. Khô miệng có thể là thủ phạm gây khản giọng hay ngứa họng.

Các nguyên nhân gây khô miệng

Thuốc: Hơn 400 loại thuốc có thể gây khô miệng, từ các loại thuốc không kê đơn dành cho các bệnh như dị ứng, cảm lạnh đến các loại thuốc kê đơn cho các bệnh như huyết áp cao, bàng quang hoạt động quá mức và thần kinh. Nó cũng là hậu quả của các cách điều trị như xạ trị trong ung thư do làm tổn thương tuyến nước bọt. Hóa trị cũng có thể khiến lượng nước bọt giảm đi và gây cảm giác khô miệng.

Tổn thương thần kinh: Khô miệng có thể liên quan với các tổn thương thần kinh ở đầu hay cổ. Nếu những dây thần kinh chính truyền thông điệp giữa não và tuyến nước bọt bị tổn thương, não bộ sẽ không thể điều khiển việc sản xuất nước bọt. Không có nước bọt, cảm giác ngon miệng sẽ giảm bởi vì nước bọt cũng truyền hương vị của thực phẩm đến các tế bào thần kinh trong miệng và họng.

Những nguyên nhân khác: khô miệng có thể do chứng bệnh Sjogren (bệnh tự miễn đích thực của các tuyến ngoại tiết). Bệnh khiến các tế bào bạch cầu tấn công tuyến lệ và tuyến nước bọt, gây khô mắt, khô miệng. Khô miệng cũng thường gặp ở bệnh nhân tiểu đường và có HIV/AIDS.

Hút thuốc làm bệnh nặng hơn: Vó rất nhiều lý do để bỏ thuốc và khô miệng là một trong những lý do chính đáng. Hút thuốc không gây khô miệng nhưng các chất trong thuốc lá sẽ làm tình trạng khô miệng trầm trọng thêm. Cồn và cafein cũng gây khô miệng.

Điều trị khô miệng

Khi có biểu hiện khô miệng, có thể đi khám ở phòng khám đa khoa hay Nha khoa. Nếu không uống bất cứ loại thuốc nào thì có thể là bạn đang mắc hội chứng Sjogren hay tiểu đường.

Thiếu nước bọt sẽ gây hại cho răng: Thường xuyên kiểm tra răng nếu bạn có cảm giác khô miệng. Dùng chỉ tơ nha khoa và đánh răng hằng ngày để làm sạch các kẽ răng. Nếu không thể chải răng sau ăn thì hãy uống nhiều nước. Liên tục uống nước và dùng các loại nước xúc miệng không chứa cồn hay các sản phẩm chăm sóc răng miệng.

Cải thiện chứng khô miệng

Muốn điều trị bệnh gây khô miệng, trước hết, bạn cần phải đi khám để xác định rõ nguyên nhân mới có thể điều trị được bệnh gây ra khô miệng. Tuy nhiên, tự bạn có thể thực hiện các biện pháp để cải thiện chứng khô miệng như sau: thường xuyên uống nước (uống từng ngụm nhỏ). Bạn có thể nhai kẹo cao su hoặc kẹo không đường để nhờ động tác nhai này giúp tiết ra nhiều nước bọt, khiến nước bọt từ các tuyến lưu chuyển, hòa hợp với nhau để làm sạch miệng, phòng tránh sâu răng, viêm lợi. Bạn nên uống chút nước trong khi ăn để thực phẩm mềm ướt, dễ nhai, dễ nuốt, tăng ngon miệng. Bạn cần hạn chế ăn các loại thực phẩm dính, nhiều đường.

Mỗi bữa ăn xong là đánh răng ngay để vi khuẩn không có cơ hội làm lên men thức ăn thừa tạo ra axít làm hại men răng. Định kỳ 6 tháng/lần đi khám răng miệng để kịp thời phát hiện và điều trị các bệnh răng miệng, tuyến nước bọt. Bạn có thể dùng máy, quạt phun hơi nước trong phòng ngủ vào buổi tối để không khí bớt khô. Dùng nước bọt nhân tạo dưới dạng nước súc miệng, xịt, thoa miệng, viên tan trong nước cũng có tác dụng cải thiện khô miệng hiệu quả. Những việc bạn nên tránh gồm: Hạn chế hoặc không uống rượu, cà phê, không thuốc lá. Không nên ăn thức ăn quá mặn, quá cay. 

Mẹo tăng tiết nước bọt chống khô miệng

Nếu không phải do thuốc thì việc ăn/nhai kẹo không đường sẽ giúp tăng tiết nước bọt.

Uống nước thường xuyên tránh khô miệng

Uống nước thường xuyên cũng giúp giảm cảm giác khô miệng nhưng lưu ý tránh xa các loại nước có đường, có tính axit hay có cafein.

Uống nước lọc hay sữa trong bữa ăn cũng giúp miệng bớt khô, hỗ trợ cho quá trình nhai và nuốt.

Cố gắng ngủ trong phòng có máy tạo ẩm để giảm cảm giác khô miệng.

Thường xuyên đi khám nha sĩ.

Thân Thiện (Tổng hợp)