Cách giúp trẻ ngủ ngon giấc đến sáng
Một nghiên cứu gần đây cho thấy rằng, bố mẹ thường có khoảng 16 đêm mất ngủ mỗi tháng suốt ba năm đầu đời của trẻ. Và hiện tượng này vẫn có thể tiếp tục kéo dài đến lúc trẻ bắt đầu đi học.
Sau đây là một số lời khuyên từ Vicki Dawson, một giáo viên người Anh chuyên hướng dẫn cách lấy lại giấc ngủ giúp bậc cha mẹ vượt qua những khó khăn này để trẻ ngon giấc đến sáng.
Khi trẻ nói “con không buồn ngủ”
Nếu con bạn cần một khoảng thời gian rất lâu để chìm vào giấc ngủ thì đồng hồ sinh học của trẻ cần được điều chỉnh. Hãy làm một quyển nhật kí thời gian ngủ của con, ghi lại giờ trẻ bắt đầu cảm thấy buồn ngủ và chọn đó làm thời gian đi ngủ cho ngày hôm sau.
Ví dụ, nếu con bạn lên giường lúc 19g nhưng không thể ngủ được cho tới 21g thì hãy chuyển giờ đi ngủ thành 21g. Thực hiện những thói quen trước khi đi ngủ như: ăn nhẹ, tắm rửa, đọc sách trong vòng một giờ trước khi tới giờ cho trẻ lên giường ngủ. Sau đó dần dần thực hiện các thói quen đó sớm hơn 15 phút sau mỗi ba ngày để bé ngủ sớm hơn.
“ Mẹ đừng đi đâu nhé”
Nếu trẻ cần có cha mẹ gần bên khi ngủ, bạn cần phải dùng kĩ thuật “chiếc ghế biến mất”: bạn ngồi trên ghế sát giường ngủ của trẻ và sau mỗi ba đêm, bạn kéo chiếc ghế ra xa thêm một chút khỏi giường. Nếu ban đầu bạn nằm cạnh con trên giường thì ba hôm sau hãy chuyển sang tư thế ngồi rồi sau đó chuyển sang ngồi dưới đất sát giường của trẻ trước khi sử dụng ghế.
Cuối cùng, chiếc ghế sẽ đặt ở cửa, rồi ở đầu cầu thang và sau đó sẽ không cần sử dụng nó nữa. Đặt một chiếc khăn tay hay áo thun của bạn lên gối cũng có thể giúp trẻ vược qua mối lo lắng bị xa cách.
Khi trẻ đòi võng hay đi ra khỏi giường
Lúc này hãy nói với con rằng: “Tối rồi, tới giờ đi ngủ” và sau đó mẹ giả vờ nằm ngủ (nếu ngủ chung giường với trẻ) hoặc mẹ chờ ngoài cửa phòng của trẻ (ngủ riêng). Khi bạn nghe trẻ rời khỏi giường, hãy bình tĩnh đi vào bảo trẻ lên giường và lặp lại câu nói trên. Liên tục thực hiện điều này khi giấc ngủ của trẻ bị gián đoạn, đừng chiều chuộng trẻ vì những lý do của chúng. Việc lặp lại câu nói: “Tối rồi, tới giờ đi ngủ” như một tín hiệu rõ ràng đã hết thời gian cho những câu chuyện hay việc làm khác. Điều này hiệu quả hơn so với việc bạn mất bình tĩnh, đe dọa hay cho trẻ một lí do để lên giường ngủ.
Khi trẻ thức và khóc vì thiếu gấu bông
Việc cho trẻ một món đồ chơi khi đi ngủ ban đầu là một biện pháp hay, nhưng rồi cũng sẽ dẫn đến hậu quả là trẻ chỉ ngủ khi có món đồ chơi đó. Giải pháp cho vấn đề này là không để món đồ chơi nào như gấu bông hay búp bê vào giường ngay từ ban đầu để bé không cảm thấy trống vắng khi thiếu chúng.
Khi trẻ đói, khát nước
Hãy nghĩ xem đó là một nhu cầu thực sự hay là một lí do của trẻ. Cách cơ bản nhất để tránh điều này là cho trẻ ăn uống đầy đủ trong ngày. Có thể cho trẻ uống sữa trước khi ngủ. Hạn chế những thực phẩm như ca cao nóng, bánh quy hay kẹo để tránh tác dụng của caffeine và đường ngọt.
Khi trẻ muốn thức khuya
Thiết lập một thói quen đi ngủ đúng giờ cho trẻ là điều tốt nhất. Đừng cho trẻ xem tivi hay chơi ipad,v.v… vì chúng ức chế sự sản xuất melatoin, một hoóc-môn hỗ trợ giấc ngủ. Cho trẻ dùng một bữa ăn nhỏ hay uống sữa, và khoảng 30 phút trước khi đi ngủ hãy tắm cho trẻ vì sự sụt giảm nhiệt độ có thể khiến trẻ buồn ngủ. Sau đó, kể những câu chuyện trong vòng 10 phút rồi hôn trẻ trước khi để chúng tự đi vào giấc ngủ.
Khi trẻ muốn ngủ ở giường của bạn
Đây là một trong những vấn đề khó giải quyết, nhất là với những bậc cha mẹ đơn thân. Cách tốt nhất là áp dụng kĩ thuật “lặp lại liên tục” nhưng phải áp dụng một cách kiên định. Nếu bạn “yếu lòng” cho trẻ ngủ chung giường sau sáu lần “năn nỉ” thì điều này sẽ càng làm cho vần đề trở nên khó giải quyết hơn.
Khi trẻ nói: “ Đã sáng rồi và con muốn chơi”
Bạn phải cố gắng tìm ra lí do khiến trẻ thức giấc. Do phòng trẻ quá sáng hay trẻ thức giấc bởi tiếng một người hàng xóm ra khỏi nhà đi làm? Thiết lập cho trẻ một giờ thức dậy cố định như giờ đi ngủ của trẻ. Nếu 6g sáng là một giờ phù hợp, hãy tìm cách xử lí mọi lí do khiến trẻ thức dậy trước giờ đó.