Cách giúp bé ngủ ngon không quấy, khóc
Từ ngày nhà mình đón chào thêm một thành viên nhí, gia đình mình vui nhộn nhưng cũng bận rộn, tất bật hẳn lên. Mình xin nghỉ hẳn làm ở nhà để có nhiều thời gian chăm con hơn. Dù đã đọc khá nhiều sách vở, chuẩn bị sẵn tâm lý từ trước nhưng mọi chuyện vẫn nằm ngoài sức tưởng tượng của mình. Chăm sóc một đứa trẻ không hề đơn giản như mình đã nghĩ. Hiện tại bé nhà mình được 8 tháng tuổi, trộm vía con hay ăn chóng lớn, ít bệnh vặt khiến mình cũng đỡ vất vả hơn trong cái khoản cho con ăn uống. Tuy nhiên chuyện cho con đi ngủ mới là lắm gian nan. Một đêm mà bé thức dậy đến mấy lần, lúc thì đòi ăn, khi thì lại đòi chơi hoặc giật mình vì tiếng động lạ nào đó. Có hôm bố cu Tí chỉ trở mình một cái, tiếng giường kêu “cọt kẹt” là y như rằng bé cựa người “ọ ẹ” ngay. Vỗ về cho con ngủ được một lúc, mình mệt quá đang thiu thiu ngủ thì trời lại sáng, đến giờ phải dậy. Đêm nào cũng như đêm nào, chẳng khác gì mình đang phải trực ca đêm vậy. Tinh thần luôn luôn trong trạng thái sẵn sàng “phục vụ” bé. Cứ nghĩ trẻ con thì đứa nào mới đầu cũng vậy nên mình luôn cố gắng chiều bé, nhưng đến lúc này, Gấu cũng đã được 8 tháng rồi vậy mà tình hình không những chẳng có mấy cải thiện mà bé còn ngày càng khó tính, “lắm yêu sách” về đêm hơn.
Vừa mệt mỏi lại vừa lo lắng không biết Gấu có mắc phải chứng bệnh gì như khó ngủ hay rối loạn giấc ngủ không nên mình đã đến gặp cô bạn thân hiện đang làm bác sĩ và hỏi. Nghe cô bạn hướng dẫn và sau một thời gian theo dõi, thực hiện mình đã tìm ra được nguyên nhân khiến cu Gấu có “nết ngủ xấu” như vậy và áp dụng một vài “chiêu” cải thiện tình hình rất hiệu quả. Các mẹ cùng tham khảo nhé.
Nguyên nhân
Bé thường xuyên làm rơi núm vú và thức giấc
Trước khi đi ngủ mình thường cho bé ngậm núm vú giả để bé dễ ngủ. Cứ nửa đêm đang ngủ say, chẳng may núm vú mà rơi ra là y như rằng bé tỉnh giấc và khóc. Mỗi lần như vậy mình đều phải nhặt núm vú lên và đặt vào miệng cho con.
Giải pháp
Nếu như trước đây mình thường nhặt núm vú lên và đặt ngay vào miệng con khi con đòi bất kể khi nào thì bây giờ mình không như vậy nữa. Cứ đến khoảng từ 4 đến 5h30 sáng mình lại lôi núm vú trong miệng bé ra. Tất nhiên bé sẽ thức dậy và khóc đòi nhưng mình mặc kệ. Làm liên tục như vậy trong khoảng vài ngày, cu Gấu nhà mình đã bắt đầu ngoan hơn. Trong lúc ngủ nếu chẳng may núm vú bị rơi khỏi miệng bé cũng không thức giấc, tìm kiếm và khóc đòi nữa.
Nguyên nhân
Một tiếng động rất nhẹ, thậm chí là tiếng bật công tắc đèn cũng có thể khiến bé giật mình tỉnh giấc.
Trước đây mình luôn luôn giữ một không gian thật yên tĩnh cho bé ngủ. Mình cứ nghĩ rằng yên tĩnh như vậy bé sẽ có một giấc ngủ ngon, sâu, khi tỉnh dậy sẽ không cảm thấy mệt mỏi. Chính vì vậy vợ chồng mình luôn hạn chế đến mực tối đa gây ra những tiếng động dù là nhỏ nhất khi bé đang ngủ. Thế là chỉ cần một tiếng động dù rất nhỏ như tiếng bật công tắc điện, tiếng rót nước hay tiếng loẹt quẹt của dép xuống nền nhà cũng đủ làm bé giật mình tỉnh giấc.
Giải pháp
Mình bắt đầu lên kế hoạch tập cho bé thói quen nghe tiếng động khi đi ngủ. Mình tìm những đoạn có tạp âm nhẹ nhàng hoặc những bản nhạc có giai đoạn ru dương mở cho bé nghe trước khi ngủ. Điều này không chỉ giúp cho bé quen dần với những tiếng động mà còn có thể làm cho bé cảm thấy thư giãn, thoải mái và chìm vào giấc ngủ. Sau một thời gian kiên trì, bây giờ cu Gấu nhà mình đã không còn quá “nhạy cảm” với tiếng động nữa rồi.
Nguyên nhân
Là bé đó, đã 4 giờ sáng rồi nhưng bé yêu lại muốn chơi đùa
Mình khốn khổ với cái thói quen đó của Gấu vô cùng. 4 giờ sáng, cái giờ mà mình đang buồn ngủ và ngủ ngon nhất thì Gấu tỉnh dậy và đòi mẹ chơi đùa cùng với bé. Dù mệt lắm nhưng mình cũng đành phải chiều theo kẻo bé lại hờn, lại khóc.
Giải pháp
Sau khi tìm ra nguyên nhân mình bắt đầu tiến hành thực hiện kế hoạch thay đổi thói quen xấu này cho Gấu. Khi bé thức dậy và đòi mẹ chơi cùng, mình nằm im và mặc kệ bé. Mình để bé tự trò chuyện và chơi một mình cho đến khi bé buồn ngủ và ngủ trở lại. Nhưng hôm nào cu Gấu mà chỉ dậy sớm hơn giờ phải thức giấc khoảng 30 phút và khóc đòi thì mình sẽ phá lệ vỗ về bé một chút rồi sau đó nằm im, mặc kệ bé.
Nguyên nhân
Bé thường hay ăn đêm
Gấu nhà mình hay ăn đêm lắm. Từ khi mới sinh tới giờ, bất cứ khi nào bé tỉnh giấc và đòi “ti mẹ” là mình cho bé ăn ngay.
Giải pháp
Mình cứ nghĩ trẻ con không giống như người lớn chúng ta nên nếu trẻ đói là phải cho trẻ ăn ngay. Nhưng mãi hôm rồi mình mới biết phần lớn trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên ngủ suốt đêm mà không cần ăn vặt. Vậy là mình quyết định đưa bé vào khuôn khổ, nề nếp. Mình giảm bớt số lần cho bé ăn đêm đi, thời gian cho ăn giữa các bữa cũng giãn ra rồi sau đó chấm dứt hẳn. Bé sẽ quen dần với việc không ăn đêm và ngủ ngon lành tới sáng.
Nguyên nhân
Bạn đến bên bé ngay khi bé định làm ồn, đánh thức anh (chị) của mình.
Trước đây, mỗi khi bé thức giấc mình luôn đến vỗ về, âu yếm cho đến khi bé ngủ trở lại nên đã tạo thành thói quen cho bé. Nếu giật mình tỉnh giấc mà không thấy mẹ bên cạnh kiểu gì bé cũng hét toáng lên và khóc lóc.
Giải pháp
Mình bắt đầu tập cho bé thói quen tự ngủ lại mà không có mẹ ở bên cạnh vỗ về. Ban đầu bé khóc lóc làm ồn đòi mẹ khiến cho bé Na (chị của bé) tỉnh giấc. Lúc ấy mình cứ mặc kệ bé và đến dỗ dành bé Na. Chính vì vậy mẹ nào mà có ý định tạo cho bé thói quen này thì tốt nhất hãy gửi bé lớn về với ông bà một vài ngày.
Các mẹ nên theo dõi giấc ngủ của bé trong năm đầu và tìm hiểu xem thời gian ngủ vào buổi tối trong từng giai đoạn của bé yêu nhà bạn là khoảng mấy tiếng nhé.
1 tuần tuổi: 8 tiếng. Trẻ có thể ngủ từ 16 đến 18 giờ một ngày. Một nửa là vào ban đêm.
6 tuần tuổi: 8,5 giờ. Giấc ngủ ban đêm đã đi vào ổn định.
3 tháng tuổi: 9 giờ. Bạn cần lập kế hoạch cho giấc ngủ của bé.
6 tháng tuổi: 10 giờ. Bây giờ là thời gian tốt nhất để tập cho giấc ngủ của bé.
9 tháng tuổi: 11 giờ. Hãy giúp bé yêu đi vào giấc ngủ.
12 tháng tuổi: 12 giờ. Nếu bé vẫn không ngủ? Hãy hỏi bác sĩ nhi khoa để được tư vấn.