Cách ăn uống phòng ngừa ung thư
Ăn uống quyết định sự sống, sức khỏe nhưng cũng là nguyên nhân gây ra bệnh tật. Theo thống kê vài năm gần đây của các nước, 10 loại bệnh hàng đầu buộc bệnh nhân phải nằm viện điều trị đều có liên quan đến ăn uống, trong đó có bệnh tim mạch, tăng huyết áp, bệnh ung thư… Đó là lý do các nhà chuyên môn đã đưa ra “thực đơn mới nhất” phòng chống ung thư dưới đây:
Hãy uống nhiều nước để phòng tránh ung thư
Một nghiên cứu về mối quan hệ giữa lượng nước uống và nguy cơ mắc ung thư kết tràng ở nữ giới cho thấy chị em uống nhiều nước thì nguy cơ mắc bệnh ung thư kết tràng giảm đi 45%.
Tỏi và hành phòng ngừa ung thư
Tỏi chứa hợp chất sulfur, nó giúp tăng cường sức đề kháng của hệ miễn dịch với chứng ung thư, cũng như tiềm ẩn khả năng ức chế khối u tăng trưởng. Riêng củ hành giúp giảm 50% nguy cơ mắc ung thư tiền liệt tuyến. Hành ăn sống hoặc sơ chế có hiệu quả nhất.
Tỏi, chanh… giúp tăng cường sức đề kháng của hệ miễn dịch, giảm nguy cơ mắc ung thư
Món mì hoàn hảo “4 trong 1”
Cùng với tỏi, chất lycopen trong cà chua giúp phòng ngừa ung thư kết tràng, ung thư tiền liệt tuyến và ung thư bàng quang; dầu ô liu giúp cơ thể hấp thu lycopen; món mì chứa nhiều xơ giúp giảm nguy cơ mắc ung thư kết tràng. Vì thế, dùng 2 tép tỏi băm, hai muỗng dầu ô liu xào với cà chua rồi trộn với mì không chỉ ăn ngon mà còn ngừa ung thư.
Cà ri ức chế u mạch máu
Thành phần chính của cà ri là cucurmin, đây là một chất chống ôxy hóa, giúp ức chế sự sinh trưởng của khối u mạch máu.
Bông cải xanh – “siêu” rau
Nghiên cứu cho thấy việc chế biến bông cải xanh trên lò vi sóng phá hỏng đến 97% chất chống ung thư flavonid, vì vậy nên hấp, ăn sống hoặc nấu canh, làm gỏi thì mới tốt.
Rau củ: Luôn thân thiện và bổ ích
Quả mơ, dưa gang, bí rợ, đu đủ, đào, hồng… chứa beta-caroten, giúp giảm nguy cơ mắc ung thư phổi thấy rõ, đồng thời giảm tỉ lệ mắc ung thư họng, bàng quang, thực quản, dạ dày, kết tràng, tiền liệt tuyến… Một chuyên gia Phần Lan đã khám phá ra rằng dưa món (hay cải muối) có độ muối thấp, bổ ích cho sức khỏe. Tác giả khuyên trước khi ăn dưa món nên dội rửa để giảm hàm lượng muối.
Dâu tây, kiwi – “dũng sĩ” chống ôxy hóa
Dâu tây đứng đầu các chất chống ôxy hóa, tẩy sạch gốc tự do và ngăn ngừa ung thư. Có thể chế món dâu tây yến mạch. Cũng vậy, kiwi là quả “mìn xanh” chống ôxy hóa với những công dụng như dâu tây. Có thể lấy nước cốt kiwi tươi rắc lên thịt để làm món thịt mềm.
Nho, chanh, cam chua – “sao” của sức khỏe
Nho chứa nhiều resveratrol – một thành phần chống ôxy hóa. Nhưng nữ giới không nên uống nhiều rượu vang vì ethanol sẽ làm tăng nguy cơ mắc ung thư tuyến vú. Một nhà nghiên cứu Úc phát hiện ra rằng hằng ngày dùng trái cây thuộc họ cam quýt sẽ giảm đi 50% nguy cơ mắc ung thư khoang miệng, họng và dạ dày.
Ăn cá – một lựa chọn đúng đắn
Ăn cá rất tốt, đặc biệt là những loại có chứa axít béo omega-3 như cá trích, cá mòi, cá sadin, tôm và nghêu, sò… Loại thực phẩm này giúp nữ giới giảm nguy cơ mắc ung thư nội mạc tử cung.
Nói “không” với đạm động vật giàu chất béo
Một nghiên cứu của ĐH Jeju (Hàn Quốc) cho thấy nữ giới dùng nhiều đạm động vật thì nguy cơ phát sinh khối u tăng 70%, trong đó giới nữ dùng hàm lượng axít béo bão hòa cao thì nguy cơ thậm chí tăng lên 90%. Do vậy, dùng cá hoặc gia cầm thay thế thịt bò (hoặc thịt heo), dùng dầu ô liu thay thế mỡ để chuyển đổi cách ăn uống ít béo hoặc không béo là rất quan trọng.
Trà phòng ngừa ung thư hiệu quả
Công hiệu của trà đã được thừa nhận trên thế giới từ hàng ngàn năm nay. Nghiên cứu mới nhất của phương Tây cho thấy trà giúp ngăn ngừa nhiều loại chứng ung thư, trong đó catechin là một trong những hợp chất chống ung thư mạnh nhất cho đến nay.
Canxi, selen: “Lá chắn” phòng thủ
Một nghiên cứu tại Mỹ cho thấy bổ sung canxi giúp giảm tỉ lệ phát sinh polype kết tràng trong cộng đồng (nhân tố nguy hiểm gây ung thư kết tràng). Trong khi đó, selen là một nguyên tố vi lượng có khả năng tiêu diệt tế bào ung thư. Theo một kết quả nghiên cứu của ĐH Arizona (Mỹ), mỗi ngày hấp thu 200 mg selen có thể kéo giảm nguy cơ mắc ung thư tiền liệt tuyến xuống 63%. Cá và hạt dẻ là những thức ăn chứa nhiều selen.
Nguy cơ ung thư từ khoai tây chiên
Thức ăn khi hun khói, chiên, rán sẽ sản sinh một chất hóa học tiềm ẩn nguy cơ gây ung thư là acrylamide. Thế nên, việc các loại khoai tây lát, khoai tây cọng… (vốn chứa nhiều acrylamide) được xem là những thức ăn không tốt cho sức khỏe cũng chẳng phải “chuyện lạ”.
Đáng lưu ý là các món thịt nướng có thể sinh ra nhiều chất gây ung thư. Nghiên cứu cho thấy việc “bọc” một lớp chất điều vị dày trên thịt để nướng giúp thịt tránh cháy khét, nhờ đó giảm bớt những chất gây ung thư có thể sinh ra.