Các loại bệnh thường hay mắc phải vào mùa đông
Một số loại bệnh nhất định sẽ thường xuyên xảy ra và xuất hiện vào những mùa nhất định tùy thuộc vào đặc điểm thời tiết của mùa đó. Những cơn gió lạnh của mùa đông đã dần xuất hiện, hãy trang bị cho mình kiến thức về những loại bệnh mùa đông để tăng tối đa khả năng phòng tránh chúng:
Cảm lạnh
Cảm lạnh là một trong những bệnh thường gặp nhất vào mùa đông. Tuy vậy, bạn hoàn toàn có thể phòng tránh chứng bệnh khó chịu này bằng việc giữ ấm cho cơ thể đầy đủ.
Emmanuel Abraham, bác sĩ kiêm nhà nghiên cứu y khoa tại Trung tâm Sức khỏe Memorial Sloan-Kettering thuộc Đại học Weill Cornell Medical College, New York (Mỹ), cho hay: “Vệ sinh tay sạch sẽ thường xuyên cũng là một trong những điều nhiều người bỏ qua. Thói quen này sẽ giúp loại bỏ các loại vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể khi bạn chạm vào những đồ vật công cộng. Tương tự như vậy, việc giữ sạch ngôi nhà của bạn cũng cho tác dụng không nhỏ. Thường xuyên dọn dẹp nhà cửa và những vật dụng hay sử dụng như cốc, chén, rèm… sẽ ngăn chặn vi khuẩn tiếp xúc với cơ thể bạn”.
Đau họng
Đau họng cũng là một trong những bệnh phổ biến nhất trong thời tiết lạnh giá. Hiện tượng này đặc biệt gây ra cảm giác khó chịu khi nhai, nuốt hoặc uống. Theo Kenneth Offit, Trưởng ban Di truyền học kiêm chuyên gia y sinh tại Bệnh viện Denver Health (Mỹ), nguyên nhân của hiện tượng này là do sự thay đổi thời tiết từ nóng sang lạnh đột ngột như khi bạn đang ở trong phòng ấm và đột ngột di chuyển ra không gian lạnh ngoài trời.
Cách điều trị đơn giản nhất cho chứng bệnh này đó là súc miệng bằng nước muối ấm. Tuy không làm giảm cơn đau, nhưng cách này ngăn ngừa vi khuẩn phát triển và giúp bạn nhanh chóng khỏi bệnh hơn.
Hen suyễn
Không khí lạnh là một trong những nguyên nhân phổ biến gây nên các triệu chứng hen suyễn. Bệnh có thể gây nên tình trạng khó khăn khi thở và thở gấp. Theo khuyến cáo của các chuyên gia y khoa tại Bệnh viện All India Institute (Ấn Độ), những người bệnh có tiền sử về hen cần hết sức thận trọng trong thời tiết lạnh. Thậm chí, họ được khuyến cáo luôn ở trong nhà những ngày nhiệt độ xuống thấp và hạn chế tới tiếp xúc với không khí lạnh một cách tối đa. Nếu bắt buộc phải ra ngoài, hãy tận dụng khẩu trang để ngăn chặn không khí lạnh xâm nhập vào phổi.
Virus gây nôn mửa mùa đông (norovirus)
Norovirus được biết đến như một loại virus gây hiện tượng nôn mửa vào mùa đông. Virus này gây ra những vấn đề nhiễm khuẩn về đường ruột và do đó đảo lộn hoạt động của hệ tiêu hóa trong cơ thể bạn. Theo chuyên gia dinh dưỡng Clare McKindley tại Trung tâm y tế Ronald Reagan UCLA, California (Hoa Kỳ), bệnh có thể xuất hiện bất cứ mùa nào trong năm nhưng đặc biệt hoạt động “ tích cực” hơn hẳn vào thời tiết lạnh mùa đông.
Thông thường virus này xuất hiện nhiều tại những khu vực công cộng như nhà nghỉ, trường học văn phòng. Những người già và trẻ nhỏ sở hữu nguy cơ nhiễm virus cao hơn người trưởng thành. Các nhà khoa học cũng cho biết, uống nước đều đặn sẽ giúp cho cơ thể tránh khỏi việc mất nước và giúp đối phó với chứng bệnh này hiệu quả hơn.
Sổ mũi
Hiện tượng khó chịu này cũng thường xuyên làm phiền nhiều người với việc luôn phải kè kè bịch khăn giấy bên mình. Cho đến hiện tại, các nhà khoa học vẫn chưa tìm ra một phương pháp điều trị hiệu quả cho hiện tượng này và do vậy cách đối phó hữu hiệu nhất chính là phòng tránh chúng. Giữ cơ thể ấm, hạn chế những hoạt động ngoài trời lạnh là những gì bạn cần chú ý để giảm thiểu nguy cơ sổ mũi.
Đau khớp
Một trong những chứng bệnh mà những người viêm khớp sợ hãi khi mùa đông tới chính là đau khớp. Tuy vậy, nguyên nhân tại sao những cơn đau khớp lại diễn ra vào mùa đông vẫn chưa được các nhà khoa học giải đáp. Thông thường, những biện pháp y khoa sẽ không giúp trong tình trạng này. Chỉ có những bài tập và vận động đều đặn thường xuyên mới có thể giảm bớt tình trạng khó chịu này.
Đau tim
Đau tim cũng là một trong những vấn đề phổ biến mọi người phải đối mặt vào thời tiết lạnh mùa đông. Lý giải cho hiện tượng này, Roxana Lagger, chuyên gia tim mạch tại Bệnh viện Y học nhiệt đới London (Anh) cho biết, nhiệt độ lạnh có thể gây áp lực lên tim, ép buộc cơ quan này bơm máu đi cơ thể nhanh hơn để duy trì thân nhiệt.
Hiện tượng này gây ra tình trạng huyết áp tăng cao, gia tăng nguy cơ đau tim và đột quỵ. “Trú ẩn” trong nhà, những nơi có nhiệt độ cao là biện pháp duy nhất để tránh khỏi tình trạng này. Một vài biện pháp giữ ấm có thể được áp dụng đó là sử dụng túi chườm hoặc chân nhiệt để duy trì nhiệt độ vào buổi đêm.