Logo Bài Thuốc Quý

Bệnh mù màu (Rối loạn sắc giác)

01/01/2020 · SỨC KHỎE
Rối loạn sắc giác hay còn gọi là mù màu, nhìn rõ mọi vật nhưng lại không phân biệt được màu sắc. Bệnh không ảnh hưởng tới sức khỏe, do người bệnh vẫn có khả năng nhìn nhận sự vật bình thường (chỉ không phân biệt được một số màu) nên nhiều bệnh nhân không biết được khuyết tật của mình.

Rối loạn sắc giác không ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe nhưng ảnh hưởng lớn đến cuộc sống nên việc phát hiện ra nó sớm là rất quan trọng.

Bệnh mù màu

Phả hệ về bệnh mù màu ở người.

Rối loạn sắc giác do rất nhiều nguyên nhân tuy nhiên đa số các bệnh nhân có tính di truyền liên quan đến cặp nhiễm sắc thể giới tính. Bệnh phát sinh do đột biến hoặc thiếu một gen trên nhiễm sắc thể X, làm rối loạn tế bào cảm thụ ánh sáng ở mắt cần để phân biệt màu sắc. Gen này là “gen lặn”. Người con trai nào nhận được ở mẹ loại gen này thì không thể phân biệt được màu sắc, vì nhiễm sắc thể Y không có gen màu sắc trội để lấn át gen mù màu. Nam giới mắc chứng bệnh này có tỷ lệ cao hơn nhiều so với nữ.

Ngoài ra còn một số nguyên nhân khác như các bệnh lý có thể dẫn đến rối loạn sắc giác: bệnh về mắt như glaucom, thoái hóa hoàng điểm, đục thủy tinh thể, hoặc bệnh võng mạc do đái tháo đường, bệnh Alzheimer, bệnh Parkinson, nghiện rượu mạn tính, bệnh bạch cầu… Tuy nhiên, các trường hợp này có thể khắc khục được nếu các bệnh trên được điều trị. Một số thuốc có thể làm thay đổi nhìn màu sắc, chẳng hạn như một số loại thuốc dùng để điều trị bệnh tim, tăng huyết áp, rối loạn thần kinh. Hoặc do tiếp xúc với một số hóa chất mạnh như disulfua cacbon, phân bón và styrene có thể gây mất màu sắc thị giác.

Biểu hiện của bệnh

Khi mắc bệnh rối loạn sắc giác, người bệnh không có khả năng phân biệt các màu sắc với nhau. Tùy theo mức độ nhẹ (khuyết sắc) thì thường không phân biệt được màu xanh lục và màu đỏ, xanh da trời và màu vàng. Nếu mức độ nặng là hoàn toàn không phân biệt được giữa các màu với nhau. Việc thiếu hụt màu sắc phổ biến nhất là không có khả năng để xem một số sắc thái của màu đỏ và màu xanh lá cây. Một người nào đó với sự thiếu hụt màu đỏ – xanh lá cây hoặc màu vàng xanh có thể không thể phân biệt màu sắc của cầu vồng hay nhận ra bầu trời màu hồng vào lúc bình minh hoặc hoàng hôn.

Biểu hiện bệnh mù màu

Gặp bác sĩ khi nào?

Đối với trẻ em, trong vài tháng đầu đời, trẻ đã biết chú ý tới những màu tương phản như đỏ, đen. Khoảng 18 tháng tuổi, trẻ biết phân biệt các màu khác nhau nhưng chưa gọi tên được màu sắc. Thường từ 3 tuổi – bắt đầu tuổi mẫu giáo, trẻ mới gọi tên được màu đỏ, màu xanh. Tới 3 tuổi rưỡi đến 4 tuổi, trẻ mới nhận biết và phân biệt được nhiều màu hơn. Sau 4 tuổi mà nhận biết màu của trẻ không đúng, thường xuyên sai thì cần nghĩ đến rối loạn mù sắc.

Chẩn đoán và điều trị

Khi có nghi ngờ mắc rối loạn sắc giác có thể kiểm tra bệnh nhân bằng cách yêu cầu nhìn vào một loạt chấm màu và thử tìm ra một mô hình từ những chấm màu đó, chẳng hạn như một chữ hay một con số nào đó. Nếu bệnh nhân nhận biết được sẽ giúp bác sĩ biết những màu nào là màu mà bạn khó phân biệt. Ngoài ra cũng có thể bệnh nhân sẽ phải sắp xếp các chip màu theo các nhóm màu có màu tương tự nhau. Vì bệnh nhân mắc rối loạn sắc giác không thể sắp xếp các chip màu một cách chính xác.

Rối loạn sắc giác không ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe nhưng ảnh hưởng lớn đến cuộc sống nên việc phát hiện ra nó sớm là rất quan trọng. Ở trẻ em, rối loạn sắc giác ảnh hưởng đến khả năng học tập và sự phát triển khả năng đọc và hạn chế việc lựa chọn nghề nghiệp sau này, đặc biệt là các nghề liện quan đến màu sắc.

Về điều trị rối loạn sắc giác do di truyền không thể chữa trị hay khắc phục. Nếu do các nguyên nhân khác thì có thể được chữa trị và khắc phục nhưng cũng tùy vào từng nguyên nhân. Ví dụ, bệnh đục thủy tinh thể làm giảm khả năng phân biệt màu sắc. Trong trường hợp này, rối loạn sắc giác có thể được chữa trị bằng phẫu thuật loại bỏ thủy tinh thể bị đục, nhằm khôi phục lại khả năng nhìn màu.

Thị lực có khả năng phân biệt màu do tổng hợp 3 cảm giác màu ứng với một bước sóng ánh sáng khác nhau: cam – tím (có bước sóng 450nm), vàng – lục (520nm) và đỏ (630nm). Ở người, võng mạc có 3 loại tế bào nón, mỗi loại mẫn cảm nhất với một bước sóng nhất định là 430nm (ứng với tím), 540nm (ứng với xanh lục) và 575nm (ứng với đỏ). Có lẽ ở các loại đó có các opsin khác nhau cho mỗi loại. Khi hòa trộn các màu cơ bản đó với nhau theo một tỷ lệ nhất định có thể có muôn màu sắc khác nhau. Ánh sáng trắng trong tự nhiên là tập hợp nhiều loại ánh sáng có các bước sóng khác nhau, lần lượt từ bước sóng từ ngắn đến dài như sau: tím, chàm, lam, lục, vàng, cam, đỏ. Từ đó có thể tạo ra vô vàn các màu khác nhau từ sự pha trộn các quang phổ màu này. Sự phân tích màu sắc chủ yếu do các tế bào nón đảm nhận, đây là những tế bào tập trung ở hố trung tâm của võng mạc. Khi các tế bào nón này mất khả năng phân biệt màu sắc sẽ gây ra rối loạn sắc giác hay bệnh mù màu.

BS. Hoàng Thị Hậu

Theo Suckhoedoisong.vn
BÀI VIẾT LIÊN QUAN