Bài thuốc từ giá đỗ
Giá đỗ thuộc nhóm rau mầm làm từ các loại đỗ: đỗ xanh, đỗ đỏ, đỗ vàng (đỗ tương), đỗ đen, đỗ nâu (đậu phộng). Giá của loại đỗ nào sẽ mang phần bản chất của loại đỗ sinh ra nó. Nói chung giá đỗ bổ hơn hạt đỗ về cả chất và lượng và đó là một trong những điều kỳ diệu của giá. Qua quy trình ngâm ủ, giá sẽ có hàm lượng protein, acid amin và vitamin C cao hơn.
Nếu giá được sản xuất theo quy trình cổ điển (dùng sọt đan, nồi thưng lỗ, thạp, thùng gỗ…) thì đó là loại rau sạch vì không dùng phân bón hóa học và thuốc trừ sâu. Phải cảnh giác với loại giá làm theo kiểu nước ngoài dùng ướp những chất kích sinh (có tính độc) để thu được những cọng giá to, mập.
Theo sách cổ, giá để làm thuốc nên chọn lấy loại giá mập, ngắn khoảng 3 cm. Do giá mọc nhanh, nhiều, tốt cho sức khỏe và rẻ nên được gọi là “thực phẩm của thế hệ mới”, là “thực phẩm của tương lai”.
Giá đậu xanh:
Là loại giá đỗ được dùng nhiều nhất trong ẩm thực và làm thuốc. Theo cổ văn thì giá đỗ xanh dùng an toàn hơn cả, vì dễ tiêu và chữa được nhiều bệnh hơn, đặc biệt là tính chất giải độc đa năng nội ngoại sinh có nguồn gốc khác nhau, kể cả thạch tín là một khoáng vật rất độc.
Giá đỗ xanh có đủ các chất dinh dưỡng, nhiều vitamin C và E, lượng calo thấp. Giá thường được dùng cho người bị viêm thanh quản mất tiếng, vận động thể thao bị mỏi cơ, người béo phì, đái tháo đường, bệnh tim mạch, cao huyết áp, nhồi máu cơ tim, cholesterol máu cao, hiếm muộn, dễ xảy thai. Do có nhiều vitamin A, C, E nên giá đỗ xanh còn khử gốc tự do, chống lão hóa, chống ung thư (đặc biệt là ung thư vú, ung thư trực tràng) thoái hóa khớp, một số bệnh nan y như Parkinson, Alzheimer (sa sút trí tuệ người cao tuổi).
Chất men kích hoạt sẽ biến tinh bột thành loại đường đơn giản, dễ tiêu hóa. Một số tài liệu nước ngoài viết: các bạn gái quan tâm đến sắc đẹp hãy nhớ đến giá vì nó tập hợp các chất chống ôxy hóa. Ăn giá hằng ngày sẽ thấy da mặt tươi sáng hơn… Giá đỗ giàu protein (hạt chứa 40%, gần bằng thịt sữa) nên là món ăn chay tốt. Chất béo trong giá không gây đầy bụng, và cung cấp chủ yếu axít béo cần cho tế bào não nên là món ăn tốt cho người làm việc nhiều về trí óc. Axít béo thực vật này cộng hưởng với các chất khác trong giá sẽ giảm nhiều cholesterol trong máu nên được chỉ định cho các bệnh có liên quan đến cholesterol cao.
Người Nhật dùng giá đậu xanh hằng ngày như một món ăn truyền thống. Có lẽ vì vậy mà phụ nữ vùng Kyodo có tỷ lệ oestrogen (nội tiết tố sinh dục nữ) cao hơn nhiều so với phụ nữ phương Đông khác, “chống” lại một cách có hiệu quả những rối loạn kinh nguyệt, làm chậm quá trình mãn kinh và kéo dài được tuổi thanh xuân của mình. Theo các chuyên gia dinh dưỡng Pháp, phụ nữ Nhật nhờ ăn giá đỗ nên họ ít có nguy cơ bị ung thư 5-8 lần so với phụ nữ phương Tây. Họ còn cho rằng, giá đỗ cho hiệu quả không kém thuốc Statin, hiện đang được sử dụng điều trị chứng thừa cholesterol. Phụ nữ châu Á nhờ ăn giá nên ít bị bệnh tim mạch, chế độ ăn kiêng với giá đỗ sẽ giảm được 4 kg so với ăn kiêng không có giá.
Giá được chế biến thành nhiều món ăn khoái khẩu và rất quen thuộc đối với nhân dân ta và người phương Đông. Ở Việt Nam có bánh khoái Huế, bánh xèo Nam bộ và đặc biệt có món bánh giá Gò Công là những món ăn độc đáo dùng giá làm nhân bánh.
Giá đậu vàng (đậu tương):
So với hạt thì giá đậu tương có vitamin B2 cao gấp 2-4 lần, B12 gấp 10 lần, C gấp 40 lần, caroten (tiền sinh tố A) cao gấp 2-3 lần, vitamin nhóm B tăng 30 lần. Một số cách dùng:
Dạ dày tích nhiệt: Giá đậu tương 500 g, tiết lợn sống 500 g. Nấu canh ăn.
Gan thấp nhiệt, xơ cứng: Giá đậu tương 200 g, gan vịt 100 g, xương ống lợn đập dập 200 g. Nấu xương rồi cho giá vào, cuối cùng cho gan và gia vị.
Hạ mỡ máu, chống mập, hạ huyết áp, chữa suy nhược: Giá đậu tương 250 g, đậu phụ 200 g, cải dưa 100 g, dầu đậu tương, gia vị. Xào giá rồi cho nước đun sôi, cho giá chín, cho tiếp đậu phụ, cải dưa, hầm kỹ để ăn.
Phụ nữ có thai, huyết áp cao: Dùng giá đậu tương đun kỹ lấy nước uống nóng. Ngày 2 lần.
Da khô, nếp nhăn, đồi mồi: Giá đậu tương khô 500 g, rang, tán nhỏ mịn trộn rượu trắng. Uống 3 g mỗi lần, ngày uống 3 lần, uống liên tục 3 tháng.
U lành: Giá đậu tương luộc kỹ, ăn cái, uống nước. Kiêng các loại rau có dầu.
Hỗ trợ điều trị ung thư: Nấu giá đậu tương với cam thảo phòng ung thư phổi cho người hút thuốc, nâng cao hiệu quả các trị liệu ung thư, giảm thiểu độc hại của hóa trị, xạ trị.
Giá đậu đen:
Vị ngọt, tính bình, không độc. Trị chứng tê thấp, gân co rút, phá được máu độc của phụ nữ, trừ khí nóng trong dạ dày. Bổ khí, nhuận da, mạnh cả ngũ tạng. Ngày dùng 20-60 g hoặc nhiều hơn. Một số bài thuốc:
Phong hàn, gió độc, tà khí phạm vào huyết mạch, mình phù, nặng nề, tê dại, không đau nhức: Giá đậu đen 500 g, sao thơm tán mịn. Mỗi lần dùng 10 g với cốc rượu nóng. Ngày 3 lần.
Phù thũng, thở yếu, mau, đại tiểu tiện ít, khó đi: Giá đậu đen sao giấm 1 phần. Đại hoàng gia sao 1 phần. Tán mịn, mỗi lần uống 8 g với nước trần bì sắc đặc. Ngày 2 lần, thấy đại tiểu tiện đã thông thì thôi uống.
Phong thấp tê, gân co rút, gối nhức, bụng nóng, đại tiện táo: Giá đậu đen 100 g tẩm giấm sao vàng tán mịn. Mỗi lần uống 1 muỗng với rượu trước khi ăn. Ngày 2-3 lần.
Giá đậu đỏ:
Chữa lậu thai (mang thai có lúc bị ra máu). Dùng bột giá đậu đỏ uống với rượu ấm (một ít), ngày 3 lần sẽ thấy hiệu nghiệm. Nên chẩn đoán chính xác nguyên nhân chảy máu.
Giá đậu phộng (lạc):
Bổ dưỡng cho người thiếu máu, suy nhược, lao phổi sinh đàm. Còn dùng cho người bị tim mạch bằng cách cung cấp sinh tố và muối khoáng cần thiết cho hoạt động của tim, cho nhịp tim đều, chống xơ cứng mạch máu, bồi bổ trí nhớ, tăng tuổi thọ.
Xem thêm: Tác dụng của giá đỗ