Bài thuốc chữa bệnh viêm xoang từ mướp khía
Viêm xoang là căn bệnh không chỉ gây khó, đau đớn cho người bệnh mà còn gây ảnh hưởng trầm trọng đến sức khỏe. Bài thuốc từ cây mướp khía có thể là giải pháp giúp người bệnh tự điều trị bệnh tại nhà.
1. Mô tả:
Mướp khía còn gọi là mướp tàu, tên khoa học là Luffa acutangula (L.) Roxb., thuộc họ Bầu bí – Cucurbitaceae.
Mướp khía là loại cây thân thảo có thân leo dài 3 – 6m, phân làm nhiều nhánh. Thân mướp khía có đường kính khoảng 2cm, có nhiều rãnh.
Lá mướp khía là dạng lá đơn mọc so le, màu xanh lục, lá hình tim, mép có răng cưa to, tua cuốn chia 5 nhánh tương tự như mướp ta.
Hoa mướp khía cũng bao gồm hoa đực, hoa cái. Hoa đực mọc thành chùm, cánh hoa màu vàng, dính nhau ở gốc. Hoa cái mọc đơn độc.
Quả mướp khía hình chùy dài 30 – 40cm, đường kính 7 – 10cm, có 10 cạnh nhọn dọc theo quả.
Hạt mướp khía khi chín màu đen, sần sùi.
Bộ phận dùng làm thuốc: Toàn cây mướp khía đều có thể dùng làm thuốc nhưng thu hái ở những thời điểm khác nhau.
- Quả mướp khía thu hoạch vào thời điểm quả chín vào mùa hè, mùa thu, khi vỏ đã bắt đầu có màu vàng và có xơ trong ruột. Quả mướp khía hái về bỏ vỏ, hạt, lấy cơ phơi khô, khi làm thuốc gọi là ty qua lạc.
- Lá và dây mướp khía thu hái vào mùa hè thu.
2. Dược tính:
Đông y chia ra các bộ phận khác nhau của mướp khía thì có dược tính và công dụng khác nhau:
Ví dụ như xơ mướp khía thì có vị ngọt, tính bình, tác dụng hoạt huyết thông lạc, thanh nhiệt giải độc, lợi niệu tiêu thũng.
Lá mướp khía có vị đắng và chua, tính hơi hàn, tác dụng chỉ huyết, thanh nhiệt, giải độc.
Hạt mướp khía có vị ngọt, tính bình, tác dụng tiêu nhiệt hóa đàm, nhuận táo, sát trùng.
Rễ mướp khía có vị ngọt, tính bình, tác dụng thanh nhiệt giải độc.
Dây mướp khía có vị ngọt, tính bình, tác dụng thông kinh hoạt lạc, chỉ khái hóa đàm.
3. Bài thuốc chữa viêm xoang từ mướp khía:
Y học cổ truyền có lưu lại vài bài thuốc sử dụng mướp khía để chữa bệnh viêm xoang.
Bài 1: Dùng rễ và thân rễ hoặc thân già của mướp khía (đoạn gần gốc) để sắc uống mỗi lần 8 – 12g.
Cũng nguyên liệu trên có thể dùng để nấu với thịt nạc rồi ăn thịt, uống nước thuốc.
Hiệu quả: Sau khi dùng thuốc 1 – 2 lần, dịch mũi ra nhiều, cảm thấy hơi chóng mặt, sau đó chỗ viêm sẽ tự lành.
Cũng có thể dùng thêm bài thuốc hỗ trợ bằng cách lấy thân mướp khía sao hơi cháy, tán bột, thổi vào mũi ngày 2 – 3 lần.
Bài 2: Dùng thân mướp khía: Thân mướp khía 10 – 20g, thân cây sim 8 – 12g, sắc uống.
Nếu gặp tác dụng phụ của thuốc là đại tiện táo thì có thể thêm mè đen (vừng đen) 30 – 40g.