Trong dân gian có rất nhiều cách trị cảm cúm. Dưới đây Bài Thuốc Quý xin giới thiệu 6 phương pháp điều trị cảm cúm mà dân gian thường hay sử dụng.
1. Canh gừng
Chứa tinh dầu diệt nấm, diệt khuẩn, hiệu quả với các chứng viêm nhiễm đường hô hấp, viêm họng nên thường được dùng để trừ cảm lạnh dưới dạng trà gừng nóng, cháo gừng. Mứt gừng, gừng muối có tác dụng ôn dương (làm ấm), tán hàn (chống lạnh), tiêu đàm. Gừng thường được nấu canh ăn giải cảm.
Cách nấu như sau: hành 15 gr, gừng tươi 6 gr, lá tía tô 6 gr. Hoặc gừng tươi 10 gr xắt lát, nấm tươi 500 gr xắt đoạn… Nấu với nước, sắc đến khi 4 chén còn 2 chén, thêm muối vừa miệng, uống làm hai lần. Cũng có thể lấy giấm 500 ml, gừng tươi và tỏi lớn mỗi thứ 100 gr rửa sạch, xắt lát ngâm trong giấm, đậy kín trong 30 ngày. Khi bị cảm dùng thức ăn kèm với 2 muỗng cà phê 10 ml giấm ngâm gừng tỏi.
2. Cháo hành
Vị hăng của hành có tác dụng lưu thông máu và tiết mồ hôi. Trong những ngày thời tiết giá lạnh, hành đặc biệt có tác dụng trong phòng tránh nhiễm trùng, giảm sốt, giúp đổ mồ hôi rất tốt để làm dứt các cơn cảm cúm. Bài thuốc chữa cúm đơn giản nhất từ hành là nấu cháo gạo tẻ, cho thêm nhiều hành, ăn lúc còn nóng rồi đắp chăn ấm để mồ hôi ra dâm dấp là được. Bạn cũng có thể cho hành vào cháo trứng gà và kết hợp với kinh giới, tía tô.
Cháo hành.
Bên cạnh hành lá, hành tây có tác dụng trị bệnh cực tốt trên nhóm bệnh do lạnh và các chứng sốt siêu vi. Canh hành tây nóng giúp ra mồ hôi và giảm sốt. Đơn giản hơn, chỉ một lát hành tây đắp lên gan bàn chân hoặc lồng nó vào trong tất chân cả đêm sẽ có tác dụng phòng ngừa các bệnh cảm cúm và cảm lạnh.
3. Lá xông giúp toát mồ hôi
Nguyên liệu thường dùng là lá hương nhu tía, chanh, bưởi, sả, kinh giới, tía tô, gừng, lá lốt... Các loại lá trên thường chứa tinh dầu có các hoạt chất như Eugenol, limonen, phellandren..., giúp sát trùng đường hô hấp khi bốc hơi do đun nóng.
Cho các lá vào nồi, đổ nước ngập, đậy kín, đun sôi. Sau đó mang ra, trùm chăn kín, mở nắp nồi từ từ cho hơi nước chứa tinh dầu bốc lên, hít thở thật sâu và chậm để sát trùng đường hô hấp và giúp mồ hôi toát ra. Tuy nhiên, những người tổng trạng yếu hoặc quá ốm, bị mất nước nhiều thì không nên xông.
4. Tía tô sắc thành thuốc
Nếu cảm lạnh hoặc cảm cúm không có mồ hôi và ho tức ngực, nôn đầy, nên dùng 20g lá tươi giã nhỏ, chế thêm nước sôi, khuấy đều gạn lấy nước nóng; hoặc dùng 10 lá cắt nhỏ trộn với cháo nóng, ăn rồi nằm nghỉ cho ra mồ hôi. Ngoài ra, có thể thêm hành sống giã nhỏ 5g, gừng tươi giã nhỏ ba lát, muối vừa đủ để nấu cháo giải cảm.
Trong trường hợp cảm mưa gió, thân thể đau mỏi, nhức đầu sổ mũi, nôn đầy, có thể lấy 15g lá tía tô, vỏ quít cũ, củ gấu (hương phụ), gừng sống, hành trắng cả cây đều 10g xắt uống lúc thuốc còn nóng.
Lá tía tô trị cảm cúm rất tốt.
Người bệnh cảm cúm gai rét không ra mồ hôi thì lấy tía tô, lá chanh, bạc hà, lá sả, mỗi thứ một nắm nấu nước xông. Cảm cúm bốn mùa thì dùng 3 chén nước với tía tô, kinh giới, sắn dây, bạc hà, nghệ, sài hồ (tất cả đều phơi khô) và gừng tươi lấy một chén uống khi nóng, uống xong đắp chăn nằm cho ra mồ hôi.
5. Tỏi xông mũi
Tỏi được coi là thần dược của người nghèo vì dược tính của nó là vô cùng lớn, chứa chất kháng viêm mạnh. Do đó, toi cũng được dùng như một loại thuốc kháng sinh tự nhiên để chữa cảm cúm.
Bạn có thể giã nát 1 củ tỏi, cho vào một cái cốc, chế nước sôi vào rồi dùng một tờ giấy A4 khoang lại thành hình cái phễu, cắt thủng đầu nhọn, úp, phễu giấy lên cốc nước tỏi. Ghé mũi vào lỗ thủng trên đầu để xông hơi tỏi. cách làm này sẽ giúp tinh chất của tỏi đi sâu vào vùng mũi họng của bạn nhanh chóng hơn là việc bạn chỉ giã nát tỏi rồi ngửi.
Củ tỏi xông mũi trị cảm cúm rất tốt.
Nếu có thể uống được nước tỏi thì bạn cũng có thể giã nát tỏi, chế chút nước sôi vào để uống sẽ nhanh khỏi hơn. Tuy nhiên, cách này hơi khó uống vì tỏi có vị khá đặc trưng mà nhiều người không thích. Ăn một số món ăn có thành phần tỏi cũng hỗ trợ rất tốt trong điều trị cảm cúm.
Ngoài ra, những người mắc chứng viêm mũi dị ứng, viêm xoang áp dụng phương pháp xông tỏi này cũng khá tốt.
6. Kinh giới hấp đường phèn
Lấy một nắm lá kinh giới giã nát cho thêm đường phèn hay mật ong vào, hấp chín, ăn nóng sẽ nhanh chóng khỏi cảm cúm. Kinh giới có vị cay, tính ấm, có tác dụng làm toát mồ hôi nhanh.
Do đó, khi ăn kinh giới hấp mật ong hay đường phèn sẽ giúp giảm cảm sốt nhanh chóng. Ngoài ra nó còn có tác dụng làm mát họng, thông mũi nhanh chóng.