Quả táo tàu (đại táo, hồng táo)
Quả táo tàu
Đại táo là một cây nhỡ hay cây to có thể cao tới 10m. lá mọc so le, lá kèm, thường có dạng thành gai. Cuống lá ngắn 0,5 - 1cm, phiến lá hình trứng, đầu hẹp lại, dài 3 - 7cm, rộng 2 - 3,5cm, mép có răng cưa thô, trên mặt rõ 3 gân chính, gân phụ cũng nổi rõ. Hoa nhỏ, mọc thành tán ở kẽ lá, mỗi tán gồm 7 - 8 hoa. Cánh hoa màu vàng xanh nhạt. Đài, tràng, nhị đều. Quả hạch hình cầu hay hình trứng, khi non có màu nâu hoặc xanh nhạt, khi chín có màu đỏ sẫm. Vỏ quả mẫm vị ngọt. Mùa hoa tháng 4 - 5, mùa quả tháng 7 - 9.
Táo tàu hay còn gọi là đại táo, hồng táo, táo đen...
Đại táo, còn gọi là táo tàu, táo đen, hồng táo, có tên khoa học là Zizyphus jujuba Lamk, là một vị thuốc rất thông dụng trong y học cổ truyền và cũng là một loại thực phẩm quen thuộc thường được dùng để chế biến các món ăn, làm đồ tráng miệng, làm bánh hoặc làm mứt. Nghiên cứu hiện đại cho thấy, đại táo có giá trị dinh dưỡng rất cao. Ước tính, cứ mỗi 100g đại táo có chứa 1,2g protid, 23,2g glucid, 0,2g lipid, 14 mg Ca, 23 mg P, 0,5g Fe, 0,01mg vitamin A, 0,06mg vitamin B1, 540mg vitamin C. Theo tính toán, lượng vitamin C trong đại táo tươi cao gấp 16 lần long nhãn tươi, 26 lần lệ chi tươi (quả vải) và 82 lần bình quả tươi (loại táo to nhập khẩu từ châu Âu hoặc Trung Quốc). So với nho khô, lượng đạm, các vitamin và nguyên tố vi lượng cao gấp nhiều lần.
Tác dụng của quả táo tàu
Theo Đông y, đại táo vị ngọt, tính ôn; vào tỳ, vị, đại táo có tác dụng bổ khí kiện tỳ, hòa vị sinh tân. Dùng khi tỳ vị hư nhược, khí huyết hư, tân dịch bất túc, ăn kém chậm tiêu, hồi hộp đánh trống ngực, mất ngủ... Đại táo có mặt trong rất nhiều đơn thuốc và món ăn thuốc.
1. Giúp ngăn ngừa ung thư
Táo tàu khô chứa một lượng vitamin C rất lớn, được cho là có đặc tính chống ung thư mạnh. Ngoài ra, axit triterpenic và polysacarit của loại quả này giúp tiêu diệt các tế bào ung thư và ngăn không cho chúng lan rộng.
2. Giảm tối thiểu các bệnh về tim mạch
Kali có trong táo tàu giúp duy trì huyết áp tối ưu, giúp giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
3. Hỗ trợ điều trị rối loạn tiêu hóa
Chất saponin và tritrerpernoid giúp cơ thể tăng cường hấp thu các chất dinh dưỡng thiết yếu và giúp cho chuyển động của của ruột khỏe mạnh. Điều này giúp điều trị các bệnh rối loạn tiêu hóa, như đầy hơi...
4. Hỗ trợ điều trị táo bón mãn tính
Do chứa nhiều chất xơ nên táo tàu có thể giúp điều chỉnh hoạt động của đường ruột, giảm bớt các vấn đề về táo bón.
5. Giúp kiểm soát cân nặng
Do chứa nhiều chất xơ, giúp mang lại cảm giác no mà không cần nạp nhiều calo nên việc thêm loại quả này vào chế độ ăn thường xuyên sẽ giúp kiểm soát cân nặng.
6. Cải thiện các vấn đề về tiêu hóa
Chất polysacarit trong táo tàu làm tăng cường niêm mạc thành ruột, từ đó cải thiện tất cả các vấn đề tiêu hóa.
7. Tăng cường tuần hoàn máu
Táo tàu rất giàu chất sắt và photpho, giúp hình thành tế bào hồng cầu, cũng như cải thiện tuần hoàn máu tổng thể của cơ thể.
8. Thanh lọc máu
Táo tàu chứa các yếu tố như saponin, alkaloid và triterpenoid giúp thanh lọc máu bằng cách loại bỏ độc tố.
9. Hỗ trợ điều trị nhiễm trùng
Flavornoid trong táo tàu làm việc như một chất chống vi trùng và các mầm bệnh xâm nhập vào cơ thể, giúp ngăn ngừa nhiễm trùng ở trẻ em và virus cúm.
10. Hỗ trợ điều trị các vấn đề da liễu
Do chứa lượng lớn vitamin C, ăn táo tàu thường xuyên sẽ giúp tăng cường sức khỏe cho da và ngăn ngừa các vấn đề về da như mụn, chàm, kích ứng da, nếp nhăn và sẹo.
11. Tăng cường hệ miễn dịch
Táo tàu chứa polysacarit, giúp làm chậm quá trình oxy hóa của cơ thể bằng cách trung hòa các gốc tự do. Từ đó tăng cường khả năng miễn dịch của cơ thể và ngăn ngừa sự tấn công của bệnh tật.
12. Hỗ trợ điều trị u nang buồng trứng
Nghiên cứu cho thấy, táo tàu có hiệu quả 90% trong điều trị ung thư buồng trứng với các tác dụng phụ không đáng kể.
13. Giảm huyết áp cao
Hoạt động như một chất chống xơ vữa, các chất trong táo tàu giúp ngăn chăn sự lắng đọng chất béo trong mạch và giữ cho huyết áp được kiểm soát.
Bài thuốc từ quả táo tàu
Bài 1
Đại táo 20 quả, xương ống chân dê 2 cái, gạo nếp lượng vừa đủ. Đại táo rửa sạch, dùng dao khía dọc, xương dê chặt nhỏ, hai thứ đem ninh với gạo nếp thành cháo, chia ăn vài lần trong ngày, 15 ngày là 1 liệu trình.
Công dụng: Dưỡng khí sinh huyết, kiện tỳ dưỡng vị, dưỡng can ích thận, thường được dùng để phòng chống chứng thiếu máu.
Bài 2
Đại táo 15 quả, mộc nhĩ đen 30g, đường phèn lượng vừa đủ. Mộc nhĩ ngâm nước ấm cho nở hết rồi rửa sạch, thái nhỏ; đại táo rửa sạch, bỏ hạt. Hai thứ đem nấu chín rồi chế thêm một chút đường phèn, ăn nóng.
Công dụng: đại bổ khí huyết, dưỡng can ích thận, kiện tỳ dưỡng vị, thường dùng để chữa chứng thiếu máu.
Bài 3
Đại táo 10 quả, hải sâm 50g, xương lợn 200g. Đại táo rửa sạch, bỏ hạt; xương lợn chặt nhỏ. Tất cả đem hầm nhừ, chế thêm gia vị, ăn nóng. Mỗi ngày dùng 1 thang, 10 ngày là 1 liệu trình, giữa 2 liệu trình cách nhau 4 ngày.
Công dụng: Đại bổ khí huyết, kiện tỳ dưỡng vị, thường dùng để chữa chứng thiếu máu.
Bài 4
Đại táo 50g, đậu xanh 50g, đường đỏ lượng vừa đủ. Đại táo rửa sạch, dùng dao khía dọc; đậu xanh đãi kỹ. Hai thứ đem ninh nhừ rồi chế thêm đường đỏ, chia ăn vài lần trong ngày.
Công dụng: Đại bổ khí huyết, kiện tỳ dưỡng vị, ích thận dưỡng can, thường dùng để chữa chứng thiếu máu.
Bài 5
Đại táo 10 quả, da lợn 100g, gân chân lợn 15g. Da lợn rửa sạch, thái miếng; đại táo bỏ hạt, cho cả ba thứ vào ninh thật nhừ, chế thêm gia vị, ăn nóng.
Công dụng: Đại bổ khí huyết, thông kinh hoạt lạc, bổ dưỡng ngũ tạng, dùng để chữa chứng thiếu máu.
Bài 6
Đại táo 20g, đẳng sâm 30g, hoài sơn 30g, long nhãn 30g, hoàng kỳ 30g, phục linh 30g, cam thảo 10g, bạch truật 20g, kỷ tử 20g, sơn thù 15g, đương quy 15g, mật ong 200g. Đem tất cả các vị thuốc sắc kỹ với 1.000ml nước, lấy 500 ml rồi cho mật ong vào cô nhỏ lửa thành dạng cao đặc. Mỗi ngày uống 3 lần, mỗi lần 20 ml.
Công dụng: Đại bổ khí huyết, ôn bổ ngũ tạng, dưỡng can ích tỳ, sinh huyết dưỡng huyết, dùng để phòng chống chứng thiếu máu rất hữu hiệu.
Món ăn bài thuốc từ quả táo tàu
Từ táo tàu có thể chế biến thành những món ăn ngon, có tác dụng chữa bệnh như dưới đây:
Canh cam thảo, tiểu mạch, đại táo
Cam thảo 10g, tiểu mạch 30g, đại táo 5 quả. Cho 3 nguyên liệu trên vào nồi rồi đổ 2 bát nước đun đến khi còn 1 bát, uống nước bỏ bã.
Tác dụng: Hoà trung lấy lại sức, dưỡng tâm, an thần, ích khí, tiêu tan phiền não, thích hợp với người mắc bệnh thần kinh suy nhược, buồn bực, mất ngủ, mồ hôi trộm.
Cháo đậu bắp, táo
Ngô 50g, bạch biển đậu 25g, đại táo 50 quả. Rửa sạch 3 nguyên liệu trên, nấu giống cháo thông thường, mỗi ngày ăn 1 lần.
Tác dụng: Bài thuốc lợi thuỷ hết sưng, thích hợp với người bị phù.
Canh cam thảo, bạch thược, quế chi
Bạch thược 12g, quế chi 6g, cam thảo 3g, sinh khương 10g, đại táo 4 quả, kẹo mạch nha 30g. Trước tiên cho 5 vị thuốc vào nấu lấy nước, sau đó cho kẹo mạch nha vào đun sôi nhỏ lửa, ngày uống 2 – 3 lần, uống khi ấm.
Tác dụng: Bài thuốc thích hợp với người bị đau bụng do tính hư hàn.
Tim lợn hấp đại táo
Tim lợn 500g, đại táo 10 quả. Bổ tim lợn ra nhồi đại táo vào trong quả tim, cho vào bát đổ 1 lít nước vào hấp đến khi nào chín là được.
Tác dụng: Ăn mỗi ngày vào buổi trưa có thể trị bệnh tim đập nhanh.
Cháo gạo nếp, tiểu đậu và sơn dược
Gạo nếp 50g, xích tiểu đậu 30g, sơn dược sống 30g, đại táo 20 quả, hạt sen 15g, bạch biển đậu 15g. Trước tiên cho xích tiểu đậu, bạch biển đậu vào nấu nhừ rồi cho đại táo, liên tử, gạo nếp vào cùng nấu, cuối cùng cho sơn dược đã bỏ vỏ, thái thành miếng nhỏ rồi cho vào trong nồi cháo, nấu đến khi chín là được, chia ra ăn làm 2 lần sáng tối.
Tác dụng: Bổ khí huyết, phù hợp với người bị thiếu máu.
Canh đậu đen với xương dê
Xương dê 250g, đậu đen 30g, cầu kỷ 20g, đại táo 20 quả. Cho nước vào hầm sau đó bỏ xương đi, cho thêm một ít muối gia vị, uống canh ăn táo và đậu.
Tác dụng: Ôn bổ tỳ thận, phù hợp với người bị thiếu máu.
Canh đại táo đình lịch
Đình lịch tử 20g, đại táo 10 quả. Nấu thành nước chia làm 2 – 3 lần uống, mỗi ngày 1 thang. Uống sau ăn mỗi ngày 3 lần.
Tác dụng: Bổ khí lợi thủy, phù hợp với người suy tim, hen suyễn, khạc đờm.
Một số món ăn khác
Cơm nếp hấp nhân sâm đại táo
Đại táo 20g, nhân sâm 6g, gạo nếp 80g. Hãm khoảng 30 phút, gạn nước riêng, còn sâm táo để riêng. Lấy nước nấu cơm, cơm đơm lên đĩa, đặt sâm táo lên trên. Dùng cho người bị khí hư, cơ thể suy nhược, ăn kém chậm tiêu.
Cháo đại táo
Đại táo 7 quả, gạo nếp 60g. Nấu đại táo, bỏ bã, lấy nước. Gạo nếp nấu cháo, cháo chín cho nước đại táo khuấy đều, đun sôi là được. Dùng cho người bệnh trúng phong, bại liệt, kinh giật.
Hoặc: Đại táo 10 quả, gạo tẻ 100g, đường phèn hoặc đường trắng liều lượng thích hợp. Cho gạo, đại táo và nước sạch nấu cho được cháo, thêm đường trắng hoặc đường phèn khuấy đều, để nguội cho ăn. Dùng cho người tỳ vị hư nhược, huyết hư, thiếu máu, ăn kém.
Cháo đại táo, sơn dược
Đại táo 15 quả, sơn dược 250g, gạo nếp 100g. Ngâm đại táo cho mềm, tách bỏ hạt, sơn dược bỏ vỏ thái lát. Cả hai thứ trộn đường ướp trong 30 phút để sẵn. Gạo nếp nấu thành cháo, cho sơn dược đại táo ướp đường vào, đảo đều, đun sôi 20 phút là được. Dùng cho người bị đái dắt, di tinh, sa tử cung.
Gà hầm đại táo nấm hương
Đại táo 20g, nấm hương 20g, gà 1 con, bột hồ nước 6g. Thịt gà làm sạch chặt miếng, đại táo bỏ hạt, nấm hương ngâm mềm. Tất cả cho vào nồi, thêm gia vị (dấm, tương, muối đường, bột ngọt, hành, rượu, bột hồ nước) đảo đều, chưng cách thủy khoảng 15 phút. Dùng cho người thiếu máu, ăn kém, chậm tiêu.
Đại táo đậu phộng ướp đường phèn
Đại táo 30g, lạc nhân 30g, đường phèn 30g. Trước tiên cho lạc nhân (để cả áo vỏ) vào với một lượng nước thích hợp nấu chín. Cho tiếp đại táo, đường phèn đảo đều nấu tiếp trong vài phút. Ăn trước khi đi ngủ. Dùng tốt cho người bệnh viêm gan có men SGOT, SGPT tăng.