Tác dụng của hạt sen
Hạt sen tên thuốc là liên nhục, có vị ngọt, chát, tính bình; vào các kinh: Tâm, tỳ và thận. Có tác dụng dưỡng tâm an thần, ích thận, bổ tỳ, sáp tràng, an thai, lợi thủy. Dùng cho các trường hợp di tinh đái hạ, tỳ hư tiết tả (tiêu chảy), tiêu chảy lỏng, lỵ dài ngày, hồi hộp mất ngủ, cơ thể suy nhược. Hằng ngày có thể dùng 12g - 20g dưới dạng nấu, hầm, tán bột, làm mứt...
Hàm lượng dinh dưỡng trong hạt sen
Thông thường sen phát triển đủ tuổi cao tới 1,5 m và có thể phát triển các thân rễ bò theo chiều ngang tới 3m. Lá to với đường kính tới 60 cm, hoa có đường kính tới 20 cm. Theo số liệu công bố trên tạp chí Dinh dưỡng của Mỹ thì hạt sen rất giàu hàm lượng protein, ma-nhê, kali và phốt pho, trong khi đó hàm lượng mỡ bão hòa, natri và cholesterol lại rất thấp.
Cụ thể, 100g hạt sen có chứa 350 calo, 63-68 gam carbohydrate, 17-18gam protein, nhưng chỉ có 1,9-2,5 gam mỡ, còn lại là các thành phần khác như: nước (13%), khoáng chất (chủ yếu là natri, kali, canxi, phốt pho). Trung bình, cứ một ao-xơ hạt sen khô (28 gam) cung cấp khoảng 5 gam protein chất lượng cao, ngoài ra còn giàu chất xơ lại không chứa đường, hương vị thơm ngon hợp với sở thích của nhiều người.
Trung bình, cứ một ao-xơ hạt sen khô (28 gam) cung cấp khoảng 5 gam protein chất lượng cao.
Tác dụng chữa bệnh của hạt sen
1. Chữa mất ngủ
Hằng ngày nấu chè hạt sen ăn vào buổi chiều hoặc tối, có hạt sen tươi càng tốt.
2. Trẻ em tiêu chảy kéo dài, gầy yếu kém ăn
Hạt sen sấy khô, gạo tẻ rang vàng, hai thứ liều lượng bằng nhau (khoảng 150-200g) tán bột, mỗi ngày cho ăn 6-8g vào lúc đói.
3. Phụ nữ hay bị sẩy thai
Hạt sen 1kg bỏ vỏ ngoài và tim, củ mài (tươi thì 5kg, khô thì 2kg) hai thứ cùng sao vàng, tán mịn, viên với hồ nếp bằng hạt nhãn, mỗi ngày ăn hai lần, mỗi lần 10 viên vào lúc đói.
4. Trẻ con nóng khát
Hạt sen 20g, bèo cái 2 cây, gừng tươi 2 lát, đổ một tô nước đun kỹ, cho uống thay nước chè.
5. Chữa di tinh, đái đục
Hạt sen 100g (bỏ vỏ, bỏ tim) sao vàng, bạch linh 20g (mua ở hiệu thuốc đông y) hai thứ cùng tán bột, uống với nước lọc vào lúc gần đi ngủ, mỗi lần 1 thìa cà-phê.
6. Chữa lòi dom
Hạt sen 50g tẩm rượu để khô, sao vàng, nấu chung với núm đuôi lợn (đoạn ruột sát đuôi, lấy 15- 20cm) thật kỹ, thêm tý muối, ăn vào buổi sáng, cứ vài ba ngày ăn 1 lần, sau 5 lần sẽ kiến hiệu.
7. Chữa thiếu máu, ít ngủ, kém ăn
Hạt sen hầm với thịt ba chỉ, ăn hằng tuần liền.
8. Bồi dưỡng cho phụ nữ mới sinh hoặc mới điều hòa kinh nguyệt
Chọn gà nhỏ, cỡ 400-500g/con, mổ bỏ ruột, cho hạt sen và ý dĩ (bo bo), gạo nếp, mỗi thứ một nhúm (vo sạch) vào bụng gà, khâu lại, nấu thật nhừ cho ăn. Cứ 2-3 ngày lại ăn một bữa như thế.
9. Chống lão hóa
Hạt sen và củ hạt sen có chứa một loại enzyme đặc biệt có tác dụng "hàn gắn, phục hồi" protein trong cơ thể con người bị tổn thương và cuối cùng làm cho làn da luôn trẻ trung. Chính vì lợi thế này các hãng bào chế dược phẩm, mỹ phẩm hiện nay đang tìm kiếm, chiết xuất enzyme để đưa vào các sản phẩm chống lão hóa của họ. Bên cạnh đó, hạt sen còn giàu hàm lượng kaempferol, một chất flavonoid tự nhiên rất hữu ích, có tác dụng ngăn ngừa viêm nhiễm, đặc biệt là tác dụng chống viêm các mô lợi, nhất là ở nhóm người cao niên.
Trong dân gian người ta đã chế biến hạt sen thành nhiều món ăn có giá trị bổ dưỡng cao như chè sen, mứt sen, chè hạt sen long nhãn,...
10. Tăng cường cơ chế bài tiết melamin
Theo nghiên cứu công bố đầu tháng 6 vừa qua trên tạp chí Y học thử nghiệm phân tử của Mỹ thì tinh dầu chiết từ cánh, nhị và ngó sen có tác dụng tốt trong việc bài tiết melamin, đặc biệt là hợp chất có tên plamitic acid methyl ester, thông qua cơ chế có tên là melanogenesis, đây chính là hợp chất giúp cho tóc của con người không bị bạc, gẫy hoặc bị lão hóa sớm do thiếu melamin.
12. Dùng làm các món ăn thông dụng
Với lợi thế về mùi vị, màu sắc và dưỡng chất nên hạt sen được con người sử dụng khá phổ biến để làm thực phẩm và thuốc chữa bệnh. Hạt sen có tác dụng bổ dưỡng an thần, đặc biệt là dùng để chữa tiêu chảy kéo dài và bệnh suy dinh dưỡng, chữa chứng mất ngủ, giảm khát mùa hè, chữa thiếu máu, kém ăn bồi dưỡng cho phụ nữ sau khi sinh...
Từ lâu trong dân gian người ta đã chế biến hạt sen thành nhiều món ăn có giá trị bổ dưỡng cao như chè sen, mứt sen, chè hạt sen long nhãn, chè hạt sen đậu xanh, thịt gà hầm hạt sen, móng giò hầm hạt sen... vừa ngon miệng, hấp dẫn lại có giá trị dinh dưỡng cao mà không gây hại cho cơ thể.
Một số cách dùng hạt sen làm thuốc
Dưỡng tâm, an thần: toan táo nhân 12g, hạt sen 12g, viễn chí 12g, phục thần 12g, hoàng kỳ 12g, đảng sâm 12g, cam thảo 4g, trần bì 6g. Sắc uống. Trị chứng hư lao tâm phiền không ngủ được, tim đập hồi hộp, đầu váng, mắt hoa...
Kiện tỳ, cầm tiêu chảy: hạt sen 16g, hoàng liên 6g, đảng sâm 12g. Sắc uống. Dùng trị chứng tỳ hư tiết tả, lỵ lâu ngày không khỏi.
Ích thận, cố tinh: hạt sen, ba kích, bổ cốt chỉ, sơn thù, long cốt, phụ tử, phục bồn tử. Các vị liều lượng bằng nhau. Nghiền chung thành bột mịn, dùng hồ nếp làm hoàn. Mỗi lần uống 12g, vào lúc đói, chiêu với nước muối loãng. Dùng trị chứng thận hư, di tinh, băng lậu, đới hạ...
Một số món ăn - bài thuốc có hạt sen
Chè bột trứng gà hạt sen: Hạt sen 30g, đường 30g, rượu 30ml, trứng gà 1 quả. Nấu hạt sen chín nhừ, cho đường, rượu và lòng đỏ trứng, khuấy tan. Đun sôi lại, cho ăn trước khi đi ngủ. Dùng cho các trường hợp bị bệnh lâu ngày, người cao tuổi, sau đẻ, cơ thể suy nhược.
Chè hạt sen củ súng: Hạt sen 30g, củ súng 30g, đường liều thích hợp. Nấu chè cho ăn vào bữa điểm tâm buổi sáng. Dùng cho các trường hợp di tinh, tảo tiết, đái hạ huyết trắng, kinh nguyệt quá nhiều, tiểu đêm nhiều.
Hạt sen hầm thịt lợn: Hạt sen 30g, thịt lợn nạc 150g, thêm gia vị hầm nhừ. Ăn ngày 1 lần. Dùng cho các trường hợp doạ sẩy thai, sẩy thai liên tiếp, phụ nữ có thai đau lưng.
Cháo hạt sen: Hạt sen 30g, gạo tẻ 150g. Nấu cháo, thêm đường hoặc muối. Dùng cho các trường hợp suy nhược cơ thể, tiêu lỏng dài ngày.
Kiêng kỵ: Hạt sen tính bình không độc, không có cấm kỵ đặc biệt nhưng các trường hợp đầy bụng, không tiêu, táo bón nên hạn chế