Vì sao trẻ lại bị nhược thị?
Tôi thường xuyên nhắc nhở nhưng cháu không bỏ được thói quen này. Đến tuổi đi học, cháu cho biết nhìn chữ trên bảng rất mờ. Đi khám thì cháu bị nhược thị mức độ 6/10. Xin bác sĩ cho biết nguyên nhân gây bệnh, cách phát hiện bệnh, khả năng phục hồi sau khi điều trị của cháu như thế nào? Nguyệt Ngân (Q.Bình Thạnh, TP.HCM)
Ảnh minh họa: internet
ThS-BS Nguyễn Thanh Thoại – BV Mắt TP.HCM:
Nguyên nhân thường gặp nhất là do trẻ bị lé ở một mắt, hai mắt hoặc lé luân phiên. Ngoài ra, còn do tật khúc xạ, không điều chỉnh kịp thời hiện tượng khúc xạ (cận thị, viễn thị, loạn thị, bất đồng khúc xạ) bằng việc đeo kính nên đã cản trở việc phát triển thị lực ở trẻ. Cũng có thể, môi trường trong suốt của mắt bị che khuất do bệnh đục thủy tinh thể bẩm sinh, sụp mí bẩm sinh hoặc xuất hiện từ khi còn nhỏ, sẹo giác mạc, đục pha lê thể, bệnh tồn tại ống động mạch… Nếu trẻ bị tật khúc xạ và các bệnh khác mà không đeo kính, điều trị kịp thời thì hình ảnh tại võng mạc sẽ không rõ nét, lâu ngày dẫn tới nhược thị.
Trẻ nhược thị có thể có biểu hiện hay nheo mắt, nghiêng đầu vẹo cổ khi nhìn, đôi khi có nhức đầu, nhức mắt hoặc tình cờ phát hiện mờ một hoặc hai mắt do tự che mắt ở nhà. Phát hiện trẻ bị nhược thị không dễ. Nếu trẻ có những bất thường ở mắt, gia đình cần đưa trẻ đi khám ngay; hoặc đưa trẻ đi khám mắt định kỳ để có thể phát hiện sớm và can thiệp kịp thời.
Có ba mức độ nhược thị: nhẹ từ 6/10 – 8/10, trung bình từ 3/10 – 5/10 và nặng ở mức nhỏ hơn hoặc bằng 2/10. Điều trị càng sớm thì thị lực phục hồi càng nhanh. Nếu bắt đầu điều trị trước 6 – 7 tuổi có thể phục hồi thị lực trở về bình thường; còn nếu trẻ quá 10 tuổi chỉ cải thiện được một phần. Sau khi thị lực đạt được tối đa, trẻ phải được theo dõi lâu dài cho đến 9 – 10 tuổi theo hướng dẫn của bác sĩ để phòng bệnh tái phát.