Vẩn đục dịch kính ở mắt là gì?
Dịch kính là một chất giống lòng trắng trứng gà, trong suốt, nằm trong lòng nhãn cầu phía sau thủy tinh thể và chiếm 6/10 dung tích toàn bộ nhãn cầu. Dịch kính ở phía sau dính vào xung quanh bờ của gai thị và màng ngăn trong (limitante interne) của võng mạc, ở phía trước dính chặt vào ora serrata và phần sau của thể mi.
Dịch kính có nhiệm vụ tiếp truyền các tia sáng từ ngoài vào đi tới võng mạc, tham gia dinh dưỡng cho thủy tinh thể, võng mạc và giữ cho lớp thần kinh của võng mạc dính với lớp biểu mô sắc tố.
Bệnh lý ở dịch kính
Thường thì không có tổn hại riêng biệt ở dịch kính mà là biểu hiện của các quá trình bệnh lý của các màng trong nhãn cầu (tổn hại do thoái hóa hoặc tổn hại do viêm…). Kết quả là dịch kính bị biến đổi về cấu trúc và thành phần hóa học.
Ảnh minh họa – Internet
Tổn hại do thoái hóa:
- Dịch kính lỏng: Dịch kính không còn là một thể keo nữa mà trở nên lỏng và thường kèm theo vẩn đục. Dịch kính mờ hơn, trong có những sợi ngắn không đều xen kẽ và di động khi vận động nhãn cầu. Tổn hại này hay gặp trong các bệnh của màng bồ đào, viêm dai dẳng và đặc biệt trong cận thị nặng.
- Thể chơi vơi: Trong trạng thái bệnh lý các bạch cầu, tế bào lympho, tế bào sắc tố… xâm nhập vào dịch kính tạo thành những “thể chơi vơi” dưới dạng bụi, sợi, màng mỏng hoặc di động cố định. Hiện tượng này hay thấy ở người già, người cận thị có tổn thương thoái hóa mạch máu, thoái hóa hắc võng mạc hoặc bị bong võng mạc.
- Nhuyễn thể lấp lánh: Là một thể thoái hóa đặc biệt của dịch kính, không gây rối loạn về thị giác thường kèm theo dịch kính lỏng. Lúc khám đồng tử giãn to, bằng ánh sáng chéo thấy phía sau dịch kính rất nhiều chấm trắng lấp lánh trong dịch kính. Soi đáy mắt thấy có những hạt tròn, to nhỏ khác nhau, màu trắng sáng óng ánh hoặc di động theo vận động nhãn cầu. Những hạt óng ánh này là những tinh thể tyrozin, cholesterin, có khi là vôi photphas, thường gặp ở người già, hoặc ở mắt đã thoái hóa vì bệnh lậu hoặc bị chấn thương cũ.
Tổn hại do viêm:
Sau các quá trình viêm có tính chất cấp ở màng bồ đào, trong dịch kính có vẩn đục thể bụi ở phần sau (thường là đặc hiệu của viêm do giang mai). Có khi dịch kính lại bị vẩn đục ở phía trước báo hiệu viêm mống mắt, thể mi nặng. Các viêm mạn tính nhất là có yếu tố nhiễm khuẩn phối hợp dịch kính có thể bị hoàn toàn thay thế bằng tổ chức liên kết, một trạng thái thành sẹo của dịch kính.
Bệnh nhiễm tinh bột:
Đục dịch kính hai mắt là một biểu hiện sớm của bệnh nhiễm tinh bột gia đình hình thái di truyền trội. Nhiễm tinh bột có tổn hại dịch kính hiếm gặp trong các trường hợp không có tính gia đình. Ngoài lắng đọng dịch kính thể hiện trên lâm sàng, chất dạng tinh bột có thể lắng đọng ở mạch máu võng mạc, hắc mạc và vùng bè: Xuất huyết võng mạc, xuất tiết vết dạng bỏng và tân mạch võng mạc ngoại vi là những tổn thương đã được thông báo. Ngoài ra có thể thấy những dị thường của hốc mắt, các cơ ngoại nhãn, mi mắt và đồng tử. Những biểu hiện lâm sàng khác của bệnh này gồm bệnh đa thần kinh đầu chi trên, chi dưới và những dị thường của hệ thần kinh trung ương. Chất dạng tinh bột có thể lắng đọng ở nhiều cơ quan bao gồm tim, tuyến giáp, tụy và cơ.
Những vết đục dịch kính ngoại bào ban đầu dường như nằm sát các mạch máu, võng mạc phía sau, sau đó chúng phát triển ra phía trước. Ban đầu chúng có dạng hạt với những tua lưa thưa nhưng khi chúng to ra và nhập vào nhau, dịch kính trông như “bông thủy tinh”. Do dịch kính bị hóa lỏng hoặc bong phía sau những vết đục có thể di chuyển vào trục thị giác gây ra giảm thị lực và sợ ánh sáng.
Điều trị đục dịch kính như thế nào?
Do đục dịch kính có nhiều nguyên nhân gây nên, có thể do thoái hóa, do viêm hay do nhiễm tinh bột nên bệnh phân chia thành nhiều thể khác nhau. Chính vì vậy để điều trị khỏi bệnh cần xác định đúng nguyên nhân và có phương pháp phù hợp.
Lời khuyên:
Khi bạn phát hiện thấy có “cảm giác ruồi bay”, bạn nên đến cơ sở nhãn khoa gần nhất để được khám và tư vấn cụ thể, xem mình có bị vẩn đục dịch kính hay không?