Uống C sủi thế nào mới tốt
Tuy nhiên, nhiều người không biết cách hoặc sử dụng viên sủi tùy tiện như uống quá nhiều trong ngày, uống không đúng thời điểm, trong người đang có bệnh không thể uống viên sủi nhưng vẫn uống dẫn đến việc không những không khỏe mà còn nguy cơ sinh bệnh.
Phải thận trọng khi sử dụng các dạng viên sủi chứa các vitamin nhất là vitamin C và Ca. Đặc biệt là viên C sủi có khả năng làm cho lớp men răng bị mòn nhanh chóng, sự xói mòn men răng xảy ra bởi sự hòa tan acid có trong viên sủi, vì độ pH thích hợp của men răng là 5,5 do vậy với bất kỳ một hợp chất nào có nồng độ pH thấp hơn đều có thể gây xói mòn.
Không nên lạm dụng C sủi
Điều cần phải nhắc lại là những người bị cao huyết áp tuyệt đối không dùng thuốc dạng sủi bọt nói chung, trong đó có viên C sủi, bởi vì, bất cứ viên sủi bọt nào cũng chứa natri (hàm lượng từ 274mg đến 460mg).
Vì vậy, có một số người không được dùng thuốc sủi bọt do phải kiêng muối, tức không được ăn mặn, như người bị bệnh tăng huyết áp chẳng hạn. Thực chất của kiêng muối chính là kiêng natri.
Nếu người đã bị tăng huyết áp mặc dù đang điều trị mà ăn nhiều muối hoặc dùng chất có nhiều natri thì huyết áp sẽ tăng vọt. Tương tự, những viên thuốc sủi không thể uống đại trà cho người mắc chứng sỏi thận, phù thũng hay đang phải ăn nhạt, kiêng mặn…
Tác hại nữa của viên sủi là do khi hòa tan trong nước, thuốc tạo thành dung dịch có mùi vị thơm ngon hấp dẫn mà nhiều người lạm dụng thuốc loại này dùng như nước giải khát và dùng nhiều một cách quá đáng. Dược phẩm thường dùng dạng viên sủi là thuốc bổ sung vitamin và chất khoáng thường gọi chung là thuốc bổ.
Đặc biệt, viên sủi chứa vitamin C liều cao (mỗi viên chứa 1.000mg vitamin C) rất được chuộng dùng và nhiều người dùng chế phẩm này hàng ngày như nước giải khát và dùng bất kể liều lượng.
Vitamin C là chất dinh dưỡng hằng ngày chỉ cần bổ sung từ 60 - 100mg là đủ, với viên sủi vitamin C 1.000mg chỉ cần uống mỗi ngày 1 viên là quá đủ. Thế mà nhiều người uống viên sủi loại này hằng ngày và uống nhiều viên do hòa tan viên uống rất đã khát! Nên lưu ý, vitamin C uống nhiều quá có khả năng gây tiêu chảy, loét đường tiêu hóa.
Điều cũng cần ghi nhận thêm về dạng thuốc viên sủi cần được tồn trữ, bảo quản trong điều kiện tránh ẩm. Nếu bảo quản không tốt, viên sủi sẽ hút ẩm và phản ứng hóa học giữa các tá dược sẽ âm thầm xảy ra (giữa chất kiềm và acid hữu cơ có trong thành phần viên sủi) làm cho chất lượng thuốc thay đổi (có nhiều dược chất bị biến chất không còn tác dụng thậm chí là gây hại do hút ẩm).
Vì vậy, cần giữ thuốc ở nơi khô ráo, chưa dùng thì không mở lọ đựng hoặc bóc vỏ nhôm bao kín viên sủi. Cũng cần giữ thuốc tránh xa tầm tay của trẻ.
Không lạm dụng khi sử dụng viên C sủi, không tự ý mua dùng nhất là khi sử dụng thuốc mà không hề hiểu về quá trình dược động học của thuốc mà chỉ nghe theo sự mách bảo rất dễ gây nên những tai họa nguy hiểm. Do đó mỗi khi sử dụng cần có sự hướng dẫn của thầy thuốc.